Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái

GD&TĐ - Sáng nay (24/11), tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khởi động chiến dịch truyền thông "Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ hai từ trái sang) cùng đại diện các tổ chứ Liên Hợp Quốc, Hội Nông dân Việt Nam... chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ hai từ trái sang) cùng đại diện các tổ chứ Liên Hợp Quốc, Hội Nông dân Việt Nam... chủ trì Hội nghị.

Tới dự có ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Lều Vũ Điều – Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam; cùng đại biểu các bộ, ban ngành và các Tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông báo chí Trung ương và Hà Nội.

Theo kết quả nghiên cứu "Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra với phụ nữ tại Việt Nam" của Liên Hợp Quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kiềm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.

Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và BLGĐ cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến mình đẳng giới và phòng chống BLGĐ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Việc ngăn chặn và tiến tới chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái dù ngoài xã hội hay trong gia đình đang là mỗi quan tâm của các quốc gia, tổ chức trên thế giới. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, vấn đề này được các Chính phủ nhìn nhận như một sự vi phạm đối với nhân phẩm con người, là sự vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước này.

Nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình của mỗi người đặ biệt là phụ nữ và trẻ em, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, Ban ngành, các Tổ chức phi chính phủ để bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, chính quyền và nhân dân.

Chiến dịch truyền thông năm nay khẳng định sự điều phối, chung tay của các tổ chức quốc tế, các cơ quan, ban ngành trong nước. Tất cả mọi người đã cùng nhau cam kết: "Chấm dứt bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái".

Bà Pratibla Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Cần thiết phải thay đổi suy nghĩ và thái độ của mọi người về bạo lực giới, đặc biệt là BLTD, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới để có thể an toàn trong bất kỳ môi trường nào dù tại nhà, nơi làm việc hay nơi công cộng. 

Không nên coi nam giới là thủ phạm tấn công tình dục mà cần nhìn nhận họ như là đối tác và tác nhân quan trọng tạo nên sự thay đổi. Mô hình nam giới với vai trò tích cực cần phải được xây dựng và khuyến khích để tạo ra sự bình đẳng thực sự trong xã hội.

Tiếp đó, một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức như đối thoại chính sách, hội thảo, giao lưu ca nhạc, hội thi, cá hoạt động xã hội... sẽ được tổ chức từ ngày 9/11 đến 11/12 tại 11 tỉnh, thành phố.

Theo số liệu Nghiên cứu của Quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thứ bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân BLGĐ chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Hiện chưa có số liệu chính xác về quấy rối và lạm dụng tình dục ở Việt Nam. Các số liệu thống kê quốc gia về BLTD cũng chưa có, tuy nhiên số liệu từ các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của BLTD và 22% đã bị cưỡng ép tình dục; 10% phụ nữ có chồng đã bị BLTD từ chồng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ