Chấm điểm bằng nhận xét: Giáo viên có bị quá tải?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin phản hồi ý kiến của một số giáo viên cho rằng các quy định mới tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đang tạo áp lực, gây khó khăn, quá tải cho giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên giảng dạy ở nhiều lớp.

Chấm điểm bằng nhận xét: Giáo viên có bị quá tải?

Trong thư gửi Cổng TTĐT Chính phủ, bà Trần Duyên (TP Hồ Chí Minh) và bà Trương Uyên (tỉnh Nghệ An) phản ánh, theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hàng tháng, giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục của từng học sinh.

Quy định này tạo áp lực, gây khó khăn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên giảng dạy các môn học ở nhiều lớp, bởi số lượng sổ theo dõi học sinh mỗi giáo viên phải đánh giá, nhận xét là rất lớn.

 Bà Uyên đưa ví dụ, bà đang giảng dạy 5 môn học cho 9 lớp, như vậy, tổng cộng hằng tháng bà phải nhận xét 612 lượt học sinh với 20 bản báo cáo các môn học. 

Còn bà Duyên đang dạy tin học cho 26 lớp, tính bình quân, mỗi ngày bà phải thực hiện 35-40 lời nhận xét, tính cả ngày thứ 7 và chủ nhật...

Vấn đề công dân phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau:

Giáo viên được quyền chủ động nhận xét, đánh giá

Theo Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đánh giá học sinh gồm đánh giá thường xuyên trong quá trình học (chỉ nhận xét, không dùng điểm số) và đánh giá định kì cuối học kì I và cuối năm học (dùng cả điểm số và nhận xét).

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của học sinh để biết được học sinh đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó như thế nào; coi trọng việc giáo viên tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ để học sinh hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn; hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá mình và nhận xét, góp ý bạn, khuyến khích cha mẹ tham gia đánh giá học sinh.

Thông tư chỉ yêu cầu "Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp quá trình theo dõi, giáo dục với cá nhân, nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện"; "Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác trong tháng".

Vì vậy, giáo viên được quyền chủ động, căn cứ vào tình hình lớp học của mình để ghi nhận xét những em chưa hoàn thành nội dung học tập, cần có biện pháp hỗ trợ riêng biệt để theo dõi giúp đỡ hoặc những em hoàn thành tốt, cần có biện pháp giúp em đó học tốt hơn. 

Quan trọng là việc ghi ấy phải giúp cho giáo viên theo dõi, giúp đỡ học sinh, không ghi để đối phó. Điều băn khoăn của bà Duyên và bà Uyên được giải đáp đó là, không phải ghi tất cả học sinh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và giúp cán bộ quản lý, giáo viên hiểu đúng, làm đúng theo Thông tư, ngày 29/10/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH về việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT.

Đối với việc đánh giá bằng nhận xét của giáo viên, trong Công văn đã nêu rõ "Giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là "viết" phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh, sử dụng tin nhắn hoặc email... để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được "quên" em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng; không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau".

Chỉ cần một sổ theo dõi bằng giấy hoặc sổ điện tử

Đối với việc sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục, Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH cũng đã nêu rõ: "Một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lý, sử dụng, có thể để tại lớp học hoặc tại trường hoặc mang về nhà, tùy theo điều kiện cụ thể. 

Nhà trường có thể thiết kế thành một cuốn sổ chung để tại lớp học, miễn sao đạt mục đích yêu cầu của sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 7/1/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử. 

Hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH không in tên Bộ Giáo dục và Đào tạo trên bìa, do sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phù hợp và thuận lợi cho các nhà trường".

Đồng thời, để giảm áp lực cho giáo viên, Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH đã có nội dung yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo "chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ, sổ sách; hỗ trợ để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo...".

Như vậy, những nội dung trong Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH về việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đã trả lời những băn khoăn, kiến nghị của bà Duyên, bà Uyên và các thầy cô.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ