Cha nghèo hơn 20 năm 'cõng' ước mơ cho con

GD&TĐ - Anh Bạch Lành (tỉnh Thừa Thiên – Huế) hơn 20 năm miệt mài chở 3 con đến trường theo đuổi ước mơ...

Anh Bạch Lành cùng ba người con trai của mình.
Anh Bạch Lành cùng ba người con trai của mình.

Dù các con bị khuyết tật vận động, khó khăn trong việc đi lại, nhưng với mong muốn con cái có tri thức, người cha với thân hình nhỏ bé không quản ngại khó khăn hơn 20 năm miệt mài chở ba người con đến trường theo đuổi ước mơ.

Nghịch cảnh éo le

Giữa cái nắng oi bức của miền Trung những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến căn nhà của anh Bạch Lành (sinh năm 1970, xóm 7, thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, người đàn ông với dáng hình gầy guộc, đôi tay chai sạn vì vất vả mưu sinh kể rằng, năm 1991, anh kết duyên với chị Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1968). Cũng như bao gia đình khác, anh chị rất hạnh phúc khi các con của mình lần lượt chào đời. Thế nhưng, trớ trêu thay, cả ba đứa con là Bạch Văn Nhật Tân (sinh năm 1992), Bạch Văn Nhật Cường (sinh năm 1994) và Bạch Văn Nhật Sơn (sinh năm 1998) đều bị bại liệt đôi chân từ nhỏ.

Buồn và thương các con, nhưng vì cuộc sống gia đình, vợ chồng anh vẫn nỗ lực, động viên nhau làm mọi việc để trang trải cuộc sống và nuôi con khôn lớn. “Lúc mới sinh ra, ba đứa mạnh khỏe bình thường, nhưng không biết vì sao đến khoảng 3 tuổi là các cháu lần lượt bị suy yếu sức khỏe, đôi chân bị cong, dần teo lại và không thể đi bình thường được nữa”, anh Lành bùi ngùi cho biết.

Để chữa bệnh cho các con, anh Lành và chị Hiệp vất vả làm việc, vay tiền khắp nơi, mong sao các con có thể được đi lại bằng chính đôi chân của mình. Người con trai đầu là Bạch Văn Nhật Tân đã được phẫu thuật tại Bệnh viện ĐH Y – Dược Huế vào năm học lớp 7, các bác sĩ đã phẫu thuật hai chân cho Nhật Tân, tuy nhiên hiệu quả chữa lành không được như mong ước.

“Phận làm cha, làm mẹ thì luôn sống trong hy vọng còn nước còn tát, thế nhưng sau ca mổ một thời gian, đôi chân của cháu cũng không có tiến triển tốt nên bệnh viện cũng không thể làm gì hơn”, chị Hiệp kể lại, nước mắt chảy dài.

Cũng giống như người anh Nhật Tân, Nhật Cường cũng bị khuyết tật ở đôi chân. Lần này, vì sức khỏe yếu và cũng sợ phẫu thuật không thành công như Nhật Tân nên vợ chồng anh Lành đang còn lưỡng lự chưa phẫu thuật cho Cường. Tuy nhiên, đôi chân Cường ngày càng yếu dần và cong lại, vì vậy gia đình cũng đã chạy vạy tiền bạc, quyết định phẫu thuật, hy vọng cứu vớt được đôi chân cho Cường.

“Cường phẫu thuật chân ở bệnh viện tư nhân, đôi chân cứ dần dần cong lại, bác sĩ đã kéo thẳng đôi chân cho con tôi nhưng sau đó đi lại cũng rất khó khăn, hồi đó hai vợ chồng vất vả chạy vạy khắp nơi để lo cho con, sau khi điều trị, tổng chi phí hết khoảng hơn 80 triệu đồng”, anh Lành cho biết.

Trớ trêu thay, đến người con út là Nhật Sơn cũng bị tương tự như hai người anh của mình, nhưng Sơn lại bị nặng nhất. Hiện tại, em không thể đi lại được mà chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ cha mẹ chăm sóc, hỗ trợ.

“Nhìn các con như vậy, chồng tôi buồn khổ lắm. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Cuộc sống đã vất vả, nay lại chồng chất thêm khó khăn khi vừa đi làm, vừa chăm sóc cho các con. Vì các con, vợ chồng tôi vắt kiệt sức làm việc để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học”, anh Lành tâm sự.

Khoảnh khắc đáng nhớ của anh Lành và con trai tại Lễ tốt nghiệp.

Khoảnh khắc đáng nhớ của anh Lành và con trai tại Lễ tốt nghiệp.

Hơn 20 năm cõng ước mơ đến trường

Để các con bớt thiệt thòi, hơn 20 năm qua, anh Lành luôn là một người cha mẫu mực, yêu thương con cái vô điều kiện. Hàng ngày, anh đều đặn chở các con đến trường và cõng vào tận lớp học.

“Tôi thường chia thời gian đi làm và chở các con đi học cho hợp lý. Cứ 5 giờ sáng là dậy cho con ăn rồi chở và cõng con vào lớp học, sau đó mới đi làm. Đến khoảng gần trưa, tôi lại đến trường đón con về. Nếu có học thêm buổi chiều thì ăn cơm trưa xong tôi lại đưa con đến lớp.

Nhiều lúc đau ốm, mệt mỏi quá thì nhờ đứa cháu họ chở giúp, còn chủ yếu một mình tôi suốt hơn 20 năm qua đảm nhiệm việc này. Cứ như vậy, các cháu vẫn được đi học, vẫn được vui cùng thầy cô và bạn bè, không bị thiệt thòi”, anh Lành nói.

Chính vì sự tận tụy, chăm sóc của cha mẹ mà ba đứa con của anh Lành, chị Hiệp đều được đi học đầy đủ, riêng Nhật Cường là người con duy nhất theo tiếp được lên đại học.

“Tân và Sơn vì sức khỏe yếu nên không thể đi học đại học được. Nhật Cường may mắn hơn vì đôi chân cũng được kéo thẳng ra, dù đi lại khó khăn nhưng cũng đỡ hơn người anh và người em của mình.

Hiện tại, Cường mới tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Huế, chưa có việc làm. Và điều trăn trở lớn nhất của vợ chồng tôi lúc này là mong muốn được doanh nghiệp nào đó tạo điều kiện nhận con tôi vào làm việc”, anh Lành bộc bạch.

Công việc chính của anh Lành là làm ruộng, ngoài ra bà con xung quanh ai thuê gì thì làm nấy. Chị Hiệp làm công nhân chăm sóc cây xanh ở TP Huế, thu nhập cũng thấp. Cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng anh chị vẫn không nản lòng và luôn cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với các con của mình.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Nhật Cường cho biết: Trước đây, Cường từng học Trường Trung cấp Âu Lạc (TP Huế), nhưng sau khi ra trường cũng không xin được việc làm. Bởi vậy, Nhật Cường quyết tâm thi đỗ và tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế với hy vọng có việc làm tốt để có thu nhập phụ giúp ba mẹ chăm sóc các em.

Bà Lê Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: “Hộ gia đình anh Bạch Lành hiện đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Trong những năm qua, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kết nối với các đơn vị, tổ chức để quan tâm động viên gia đình. Đây là một hoàn cảnh rất đặc biệt của địa phương, mặc dù ba em đều bị khuyết tật nhưng các em đều không nản chí, nỗ lực vượt khó. Hy vọng Báo Giáo dục và Thời đại cũng như các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ có những quan tâm, giúp đỡ để gia đình và các em bớt khó khăn, có thêm động lực, quyết tâm theo đuổi ước mơ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ