Bởi chính vào những lúc này, cả gia đình mới họp mặt đầy đủ kể cho nhau nghe những câu chuyện vui trong ngày. Rồi sau đó, khi các con ngồi vào bàn học thì ông bà cũng bắt đầu “học” cùng các con.
Ông bà cho biết: “Trong mỗi con người, niềm hạnh phúc nhất là có cuộc sống ổn định, vợ chồng thuận hoà, các con hoà thuận, hiếu thảo, học giỏi, chúng tôi may mắn có được điều đó…”.
Cuộc sống của vợ chồng ông bà thời gian đầu mới cưới nhau gặp rất nhiều khó khăn, bởi gia đình hai bên đều nghèo nên cả hai phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông làm thợ mộc, bà là giáo viên dạy môn Sinh ở trường THCS Võ Thành Trang, sau đó bà chuyển sang dạy ở trường Đặng Trần Côn, rồi Phan Bội Châu.
Năm 1984, Lâm Xuân Nhật - đứa con trai đầu lòng của ông bà chào đời trong căn nhà vách lá chỉ vỏn vẹn có 14m2. Không thể kể hết những khó khăn mà ông bà đã vượt qua trong thời gian này. Nhưng ông bà vẫn quyết tâm dù hoàn cảnh thế nào cũng cố gắng nuôi con ăn học nên người.
Thật may mắn, vào năm Nhật lên lớp 3 thì cuộc sống gia đình có khá hơn, bởi ông đã có một cơ sở mộc riêng. Còn bà được về dạy ở Trường THCS Lê Anh Xuân, Tân Bình gần nhà hơn (bà nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi của trường). Vì vậy mà bà có nhiều thời gian chăm sóc và dạy dỗ các con.
Nhật 12 năm liền là học sinh xuất sắc, thi đậu vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đã đoạt hơn 20 giải thưởng Toán - Lý - Tin học cấp thành phố và quốc gia, quốc tế, cùng nhiều danh hiệu khác.
Cô con gái rượu của ông bà - Lâm Xuân Tâm, sinh năm 1986 thi đậu Trường Đại học Khoa học tự Nhiên TPHCM Khoa Hóa cũng đã “rinh” nhiều giải thưởng Hóa Hoàng gia Úc và một số giải thưởng trong nước.
Cậu con trai út Lâm Xuân Quang sinh năm 1991, mười hai năm liền là học sinh xuất sắc và được xếp vào đội tuyển học sinh giỏi Toán cấp thành phố, cũng thi đậu vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM.
Ông bà cho biết, bí quyết giúp các con có được những thành quả học tập trên: “Dù cho công việc có bận rộn thế nào, chúng tôi vẫn dành thời gian kiểm tra bài và tập vở của các con, sắp xếp lịch cho các con ngoài thời gian học tập vẫn có thời gian rảnh rỗi để vui chơi, thường xuyên liên lạc với nhà trường nhằm biết khả năng và năng khiếu của con để tạo điều kiện cho các con phát triển năng khiếu.
Chúng tôi luôn kịp thời động viên, khen ngợi, thưởng những món quà nho nhỏ mang giá trị tinh thần khi các con đạt kết quả cao trong học tập…”.
Bà nói thêm: “Trước khi đưa ra những ý kiến cho phép hoặc ngăn cấm các con làm việc gì đó, chúng tôi đều bàn bạc thống nhất với nhau. Không bao giờ chúng tôi dùng roi vọt để dạy dỗ các con, chỉ nhẹ nhàng phân tích cho các con hiểu, nếu các con làm sai.
Chúng tôi nghĩ, việc nuôi dạy tốt đứa con đầu là rất quan trọng, bởi vì đó sẽ là tấm gương để các em noi theo. Trong việc học tập của các con, chúng tôi cũng không bao giờ áp đặt, để tự khả năng các con bộc lộ…”.
Tiếp nhận sự dạy dỗ của ba mẹ, cả ba người con của ông bà đều rất yêu thương nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau, biết phụ giúp ba mẹ trong công việc nhà. Hiện, cả ba người con ông bà đều rất thành đạt trong công việc của mình.
Nhiều năm liền, gia đình ông bà đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá mới” cấp phường, quận. Hồi các con còn nhỏ, ông bà vẫn thường xuyên đọc báo để tìm hiểu cách nuôi dạy con tốt, con ngoan cũng như thường xuyên trao đổi kinh nghiệm của nhiều bậc cô chú lớn tuổi.
Khi các con đã thành đạt, điều ông bà luôn nhắc nhở các con là phải biết yêu thương, giúp đỡ những người già tàn tật, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong phạm vi cho phép.
Và điều này ông bà cũng rất tự hào vì các con luôn ý thức và luôn thể hiện lòng nhân ái đối với mọi người. Mọi hoạt động từ thiện xã hội ở phường, ở trường, ông bà đều nhiệt tình tham gia.
Những dịp lễ tết, ông bà thường tổ chức cho cả nhà đi tham quan du lịch và thăm ông bà, dòng họ để chắt chặt mối quan hệ gia đình và cho con cái không quên cội nguồn của mình.