Cha mẹ nên dạy con về tiền thế nào?

GD&TĐ - Một số bậc phụ huynh có suy nghĩ “cứ có nhiều tiền, cuộc sống vật chất đầy đủ, gia đình tự sẽ hạnh phúc”. Họ vô tình áp đặt lên con cái suy nghĩ này.

Hãy để con trẻ thể hiện và nuôi ước mơ cho những đam mê của mình. Ảnh minh họa: P.Nga.
Hãy để con trẻ thể hiện và nuôi ước mơ cho những đam mê của mình. Ảnh minh họa: P.Nga.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dạy con về hạnh phúc đúng nghĩa là cả một quá trình mà cha mẹ cũng cần phải có kiến thức, kỹ năng và đúc kết từ sự trải nghiệm của bản thân.

Áp lực tiền bạc lên “vai” con trẻ

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ tại Quận Thủ Đức, TPHCM) có con đang theo học tại một trường ĐH trên địa bàn chia sẻ câu chuyện khiến chị nhận ra, mình đang dạy con theo cảm tính, áp đặt. Chị cho hay, sau 3 năm học tập, bỗng dưng con trai báo tin, đã xin nghỉ học để đi buôn với bạn.

“Thời điểm đó tôi rất lo lắng, tại sao con nỗ lực học tập, đậu đạt vào một trường ĐH lớn và bỗng xin nghỉ ngang. Cháu không nói buôn bán gì, chỉ thấy đi nhiều ngày một đợt rồi về. Khi gặng hỏi, cháu bảo đi học mất thời gian lắm, chỉ mong nhanh kiếm được nhiều tiền cho mẹ vui”, chị Hoa kể.

Chị Hoa cũng tâm sự, gia đình chị làm nghề tự do, cuộc sống hằng ngày quanh đi quẩn lại để lo chuyện cơm áo gạo tiền cho con cái được học tập bằng bạn bằng bè. Vợ chồng chị cũng cãi vã nhau nhiều liên quan đến tài chính. Chính vì vậy, mỗi ngày, chị vẫn ra rả vào tai con - có tài chính cuộc sống mới vui vẻ, sướng cái thân, gia đình êm ấm hạnh phúc…

Cử nhân tâm lý học Trịnh Xuân Đức, đang giảng dạy tại một trung tâm kỹ năng ở Quận 6 kể, có lần anh tư vấn tâm lý cho một nam sinh do bị khủng hoảng tâm lý. Ba cậu ấy là một doanh nhân trên địa bàn thành phố. Ba cậu dành phần lớn thời gian cho công việc. Sự thành đạt chính là mục tiêu của ba và dĩ nhiên ông kỳ vọng vào người con học hành đàng hoàng để nối nghiệp, gầy dựng công ty lớn mạnh, làm rạng danh dòng họ.

“Có sự nghiệp, thành đạt mới lo được cho gia đình, mới hạnh phúc lâu bền…”. Nhưng người con trai lại mê môn khiêu vũ. Cậu luôn luôn phải đấu tranh giữa việc phải học hành để tiếp tục kinh doanh, trở thành người thành đạt… và trở thành một vũ công. Rồi mâu thuẫn xảy ra, ba “từ mặt” con… khiến cậu rất buồn chán.

Theo cử nhân tâm lý học Trịnh Xuân Đức, nhiều phụ huynh hiện có suy nghĩ “mong con trở thành bác sĩ, kĩ sư…” để thực hiện những ước mơ mà ngày xưa ba mẹ chưa thực hiện được. Rồi con học hành giỏi giang, làm công việc lương cao… đó là gốc rễ hạnh phúc của một gia đình.

Họ áp đặt suy nghĩ của mình vào những đứa trẻ, chứ không phải họ cho con trẻ thấy, cách thể hiện từ sự quan tâm, tình yêu thương, tình thân gắn kết giữa các thành viên mỗi ngày.

Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình, mải mê kiếm tiền, rất ít dành thời gian cho con cái, bởi dường như tiền bạc trở thành thước đo về cuộc sống hạnh phúc.

Họ nghĩ rằng, khoác lên mình những bộ quần áo đắt tiền, “check in” ở những nơi sang chảnh… cho con được hưởng cuộc sống vật chất sung sướng “cần gì có nấy” thế là hạnh phúc, mà quên dạy con cái về giá trị của đồng tiền, quản lý đồng tiền và… tiền không phải là thước đo các giá trị trong cuộc sống.

Những suy nghĩ của người lớn, áp đặt lên con trẻ khiến chúng có những suy nghĩ phiến diện “chẳng phải có tiền gia đình sẽ hạnh phúc, là muốn làm gì cũng được sao”. Con trẻ chỉ cần kiếm ra tiền là tự khắc sẽ hạnh phúc mà quên đi những giá trị cốt lõi của sự hạnh phúc trong một gia đình. 

Hãy luôn làm bạn đồng hành cùng con. Ảnh minh họa: Internet.
Hãy luôn làm bạn đồng hành cùng con. Ảnh minh họa: Internet.

Dạy con cần có kỹ năng và là một quá trình

Là chuyên gia tư vấn tâm lý và là tác giả nhiều cuốn sách về dạy con, TS Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM) cho biết, việc dạy trẻ hiểu về hạnh phúc gia đình là một quá trình. Cha mẹ cũng cần có kỹ năng và cả sự trải nghiệm của bản thân mình.

TS Phạm Thị Thuý cho rằng, dạy con nhưng chính là dạy bản thân mình, bằng những trải nghiệm của mình để giáo dục con và phải luôn luôn ghi nhớ “cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái”. Quan trọng hơn hết, khi cha mẹ khăng khít yêu thương nhau, trẻ sẽ có cảm nhận về một tổ ấm hạnh phúc, trẻ thấy mình được yêu thương, an toàn. “Chính cha mẹ hạnh phúc là điều con cần nhất”, TS Phạm Thị Thuý nói.

Theo TS Phạm Thị Thuý, thành công tương lai của mỗi đứa trẻ nằm ở ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, niềm hạnh phúc theo đuổi mục tiêu chứ không phải chỉ số thông minh IQ.

Trong cuộc sống hãy tôn trọng trẻ, đừng để trẻ đứng ngoài cuộc. Mọi việc trong gia đình có liên quan đến trẻ đều cần cho trẻ tham gia. Trẻ sẽ cảm nhận được vai trò thành viên của gia đình, để thấy mình có trách nhiệm.

Trẻ nhận ra rằng, mình được thừa nhận, được tôn trọng. Cảm giác này rất quan trọng đối với sự phát triển lòng tự tin nơi trẻ. Trẻ hiểu giá trị của bản thân, từ đó sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người hơn.

TS Thuý đưa ra lời khuyên, để các con trưởng thành và đón nhận cuộc sống với sự lạc quan, đầy yêu thương, hạnh phúc, phụ huynh đừng để con thực hiện thay “mong muốn” của cha mẹ. Hãy tôn trọng trẻ.

Với cuộc sống bận rộn ngày nay, có những phụ huynh chung tình cảnh “kiệt quệ” thời gian dành cho nhau và cho con cái. Nhiều người dùng đến vật chất để thể hiện sự quan tâm đến con, có người còn xem đó như một sự bù đắp cho việc khi thiếu thốn tình cảm của cha mẹ.

Điều này vô tình tạo cho trẻ lối suy nghĩ chỉ cần… có vật chất là bù đắp được tất cả. Hãy dành thời gian cho gia đình, cho con cái, cùng con đọc sách, cùng con tham gia các hoạt động xã hội, cùng con trải nghiệm…

Liên quan đến tài chính, TS Thuý cũng đưa ra lời khuyện hãy dạy trẻ từ sớm về tài chính và vai trò của cha mẹ trong việc dạy con về giá trị của đồng tiền là rất quan trọng.

Theo TS Thuý, dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy trẻ học cách làm người, làm chủ bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay. Sự nuông chiều quá mức hay nghiêm khắc thái quá trong việc dạy con ứng xử với đồng tiền đều bất lợi. Việc đưa phần thưởng hay tiền bạc ra khích lệ con cái, như thế là vô tình gieo rắc vào con lối sống cá nhân, thực dụng.

Phụ huynh nên xuyên trao đổi với con về vấn đề tiền bạc, bằng cách chia sẻ về bản thân, và cả những mưu sinh để có được đồng tiền. Khi hiểu được giá trị đồng tiền và cách sử dụng hợp lý là điều quan trọng. Bởi một đứa trẻ biết kiếm được tiền khổ cực ra sao, biết để dành hay tiêu xài một cách khôn ngoan, mai sau dễ thành công trong cuộc sống, trên thương trường hay trong việc quản lý tài chính của gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ