Cha mẹ làm gì khi con “thất bại” trong học tập...

GD&TĐ - Có quá nhiều bảng điểm một HS phải hoàn thành, các bài kiểm tra giữa và cuối mỗi năm học, các kỳ thi đầu cấp và cuối cấp THPT... một HS phổ thông đang phải chịu không ít áp lực về điểm số, về thành tích, về mục tiêu học tập cần đạt được. 

Cha mẹ làm gì  khi con  “thất bại”  trong học tập...

Đôi khi, chỉ cần không đạt HS giỏi, hay thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT điểm không tốt... ở một số HS có thể xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, thất vọng, chán nản trước một cú sốc. Thậm chí, cá biệt đã xảy ra cả kết cục đau lòng, vì trẻ cảm thấy thất bại trong học tập mà cha mẹ không kịp sẻ chia… thấu hiểu.

Áp lực học tập và thi cử đè nặng lên vai nhiều đứa trẻ

Kỳ thi và xét tuyển lớp 10 THPT 2017 đã diễn ra ở khắp các tỉnh (thành) trong cả nước. Điều mà nhiều phụ huynh có con vừa học xong lớp 9 (năm học 2016 - 2017) phải thừa nhận rằng: Dù xét hay thi, hay kết hợp cả thi và xét để có một suất học lớp 10 THPT như mong muốn của HS và cha mẹ quả thực không hề dễ dàng.

Chỉ tính toán việc chọn trường cho phù hợp với năng lực học tập của HS, lại phù hợp chuyện đi học, điều kiện kinh tế của gia đình, mục tiêu học tập... cũng đã là những bài toán hóc búa. Tại Hà Nội, từ đầu năm học thì các bậc cha mẹ, nhà trường và giáo viên đã phải cùng HS lớp 9 tính sao cho số điểm thi Toán, Văn, cộng với điểm xét tuyển (từ kết quả học tập và hạnh kiểm 4 năm THCS), cùng các điểm cộng khuyến khích và điểm thưởng khác (nếu có), nhằm tính cho ra tổng điểm HS có khả năng đạt để trúng tuyển được vào một trường THPT mong đợi.

Thực tế nhiều năm qua, HS dự kỳ xét tuyển hay thi tuyển vào lớp 10 (ở hầu khắp các tỉnh, thành) năm nào cũng căng thẳng. Dư luận xã hội cũng như nhiều GV, cha mẹ HS nhận xét rằng để có 1 suất vào lớp 10 THPT như nguyện vọng của HS và gia đình còn căng thẳng hơn cả thi ĐH.

Gần thi, HS đều được phụ huynh và GV, nhà trường nhắc nhở về lượng HS có cơ hội vào học lớp 10 công lập THPT, thậm chí cả tỷ lệ "chọi" của trường HS đã đăng ký thi cũng được cập nhật tức thì trên một số phương tiện truyền thông để đáp ứng nhu cầu theo dõi của HS, phụ huynh và GV. Vừa phải căng thẳng ôn luyện, vừa phải nghe ngóng tính toán các điều kiện thi, xét tuyển và cả các phương án trượt hoặc trúng tuyển nguyện vọng... gần như nhiều HS rơi vào trạng thái căng như dây đàn. Người lớn thì chỉ biết động viên: Cố lên, đây là một mốc (kỳ thi) rất quan trọng của 12 năm học. Để rồi, khi có kết quả thi (xét tuyển) có không ít nỗi thất vọng (vì trượt nguyện vọng vào lớp 10 THPT) bao trùm lên những đứa trẻ ở lứa tuổi còn chưa biết liệu biết lo ấy.

Ông N.T.Hải một cán bộ hưu trí (Trần Nhân Tông, Hà Nội) chia sẻ: "Có 3 đứa con thì tôi đều phải trải qua cảm giác căng thẳng khi các con thi vào lớp 10, rồi tốt nghiệp THPT, thi ĐH...

Những kỳ thi luôn gây áp lực khủng khiếp tới phụ huynh và chính bản thân HS, dù HS có học tốt, ôn luyện tốt cũng không tránh khỏi căng thẳng, áp lực, thậm chí cả sai lầm khi làm bài thi. Con thi trượt hay điểm không được như mong đợi thì ngay lập tức ở con xuất hiện sự chán nản, bực bội, thậm chí là những suy nghĩ tiêu cực. Lúc đó, nhưng lời thiếu tinh tế, không tâm lý của người lớn, nhất là cha mẹ, thầy cô giáo, có thể khiến bọn trẻ nảy sinh suy nghĩ và hành động tiêu cực. Con tôi cũng từng trượt khi thi vào lớp 10 ở một trường THPT mà con và gia đình mong muốn và đặt mục tiêu suốt 4 năm THCS (vì con làm lạc đề trong thi môn Văn).

Thời điểm biết kết quả trượt của con, không khí buồn chán bao trùm lên gia đình tôi. Suốt mùa hè năm đó, tôi phải rất theo sát và chia sẻ với con, tâm sự và phân tích nhẹ nhàng để con không tiêu cực khi việc thi trượt vượt quá xa dự kiến. Sau những thất bại trong học tập, thi cử... chỉ có gia đình mới giúp con lấy lại được thăng bằng và chấp nhận thất bại để đứng dậy đi tiếp..."

"Sang năm tới, cháu trai lớn nhất của tôi sẽ phải thi và xét tuyển vào lớp 10, dự định gia đình sẽ cho cháu thi vào một trường top đầu về điểm xét tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội. Ngay từ bây giờ, ông bà, cha mẹ đã phải đốc thúc việc tìm giáo viên Toán, Văn cho cháu học thêm, luyện thi; để rồi sau 1 năm học chiến đấu rất gian nan với học ở trường, học thêm, luyện thi, cháu còn phải đối diện rất nhiều vấn đề với kỳ thi quyết định đầu tiên của cuộc đời"- Ông Hải lo xa.

Phụ huynh cần biết cách giúp con vượt qua thất bại trong học tập, thi cử

Có thi thì có đỗ - có trượt, có điểm cao - điểm thấp. Mà chuyện đỗ hay trượt, điểm cao hay điểm thấp, sau mỗi kỳ thi đã trở thành tâm điểm không chỉ với các HS tham dự kỳ thi, từ cha mẹ, thầy cô và xã hội ít nhiều cũng căng thẳng theo. Những ánh mắt khắc khoải, mong mỏi HS thi tốt hiện rõ trên khuôn mặt các bậc phụ huynh đưa con đến điểm thi, một số GV dạy Toán, Văn lớp 9 không yên tâm ngồi ở nhà, mà phải chạy tới tận trường thi để trực tiếp động viên HS của mình và xem đề thi sớm nhất ngay sau buổi thi...

Sự âu lo, phấp phỏng, cuối cùng khi có kết quả thi có thể lại là sự thành - bại với mỗi HS. Làm sao để những HS phổ thông ở lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" đối diện với thất bại trong kết quả học tập hay thi cử? Diễn giả Lance G. King đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm cho các bậc phụ huynh (trong cuộc hội thảo tại một trường học ở Hà Nội). Lance G. King có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy ở bậc trung học và đại học, ông là tác giả của giáo trình dạy kỹ năng thế kỷ 21 của chương trình Tú tài quốc tế IB (hiện đang được sử dụng ở hơn 3.000 trường tại 150 quốc gia trên thế giới).

Theo Lance G. King, thất bại là điều có thể thường xảy ra, nếu có thái độ tích cực, HS sẽ dám thừa nhận thất bại, nhận trách nhiệm cho các hành động của mình; đồng thời tìm cách khắc phục thất bại để từ đó thay đổi, làm lại. Tuy nhiên, nếu HS khi gặp thất bại mà không có thái độ tích cực, HS có thể làm những điều ngược lại, thậm chí có thể sẽ né tránh tất cả các hoạt động được cho là có thể dẫn đến thất bại. Do vậy, những HS đó trở nên "yếu đuối", không dám hành động. Đồng nghĩa với chuyện "buông xuôi" như vậy thì cơ hội thành công trong học tập ngày càng giảm.

Lance G. King cho rằng: Các bậc cha mẹ không nên quá sốt sắng, quá lo lắng trước thất bại của trẻ, thay vì cũng có suy nghĩ và thái độ không phù hợp thì các bậc cha mẹ hãy giúp trẻ trải nghiệm cảm giác thất bại, để trẻ trưởng thành hơn sau những thất bại.

Nhằm giúp cha mẹ hình dung về chuyện cần chia sẻ với con trẻ trong những thất bại của con, Lance G. King liên hệ rằng trong một giai đoạn nhất định các bậc cha mẹ cũng từng phải từ bỏ thú vui bản thân, phải làm việc chăm chỉ, chịu đựng nỗi đau thể xác, tinh thần và hứng chịu thất bại để trưởng thành như hiện nay. Chính những khó khăn đó đã giúp các bậc cha mẹ phát triển tinh thần kiên cường cần thiết để tạo ra thành công. Với con trẻ thế hệ sau cũng như thế hệ trước, nếu các bậc cha mẹ biết tạo cho con sự mạnh mẽ để can đảm bước qua thất bại và đón nhận thử thách mới, ắt hẳn mỗi HS sẽ thành công hơn sau những thất bại.

Cũng theo Lance G. King, muốn luyện tập cho HS tính can đảm khi đối mặt với thất bại, thay vì người lớn quá chú tâm vào những sai lầm của con trẻ, mỗi phụ huynh hãy chú tâm vào những điều mà con đã làm đúng.

Cần dạy trẻ thận trọng chứ không e sợ, giúp trẻ lưu ý các chiến lược để phục hồi. Như vậy sẽ khích lệ trẻ can đảm đương đầu với thách thức và thất bại. "Kiên cường là đức tính tuyệt vời của mỗi con người, điều này hoàn toàn có thể nuôi dưỡng và rèn luyện"- Lance G. King khẳng định.

Khi con có vấn đề khó khăn, các bậc phụ huynh hãy giúp con chú ý vào những yếu tố mà con có thể kiểm soát được. "Đó là sự nỗ lực, chăm chỉ và kiên trì, thay vì chú ý vào khả năng của trẻ" - Lance G. King phân tích - "Phụ huynh có thể giúp con tập trung vào quá trình học tập, giúp con tận dụng tốt các nguồn thông tin trên Internet chẳng hạn. Hãy cho con sử dụng những thứ con thích như một phần thưởng để khích lệ sự kiên cường ở con".

Để tránh cho HS những thất bại trong học tập, Lance G. King cho rằng việc học theo kiểu “nhồi nhét” kiến thức không còn phù hợp với hiện nay. Thay vào đó nhà trường, GV, phụ huynh cần giúp HS tin rằng HS có thể đạt được thành công. Để đạt được thành công trong học tập, HS cần được trang bị phương tiện học tập phù hợp, bao gồm kỹ năng và chiến lược. Cần khuyến khích HS sẵn sàng hành động, mắc lỗi và lấy thất bại làm bài học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ