Cha mẹ hãy tập lắng nghe con trẻ!

Một chị bạn tức giận con gái đang học cấp II, chỉ vì chị đọc tin nhắn con gửi, thấy “viết gì lạ hoắc”. Sau khi nhờ người nọ người kia “dịch” là “Mẹ ơi, bạn con mời sinh nhật tối nay, mẹ cho con đi nhé!”, chị quát con suốt từ lúc đón ở trường đến lúc về nhà, dọa sẽ không cho đi sinh nhật bạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con bé khóc thút thít, lí nhí đáp: “Bạn con bây giờ ai cũng nhắn tin như vậy, con không biết là nhắn với mẹ thì không được xài cách đó. Con xin lỗi mẹ…”. 

Nghĩ lại chị thấy con mình có dùng ngôn ngữ “lạ” thì cũng chỉ lạ với chị, chứ thỉnh thoảng chị vẫn thấy nhiều nhân viên trẻ trong công ty gửi cho chị hoặc gửi cho nhau theo cách như vậy. Chia sẻ câu chuyện với tôi, chị nói: “Có lẽ tại mình lạc hậu…”.

Không ít bậc cha mẹ khác cũng cảm thấy mình lạc hậu với con bởi không hiểu những gì con đang nói, trong khi điều đó đang rất phổ biến với lứa tuổi nhỏ… 

Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi dậy thì, sẽ có nhiều biểu hiện nếu người lớn không tinh ý sẽ không hiểu, dẫn đến trách oan con hoặc có ứng xử không phù hợp. Anh bạn tôi có con gái đang học lớp 7. Anh buôn bán ở nhà nên vợ chồng anh thay phiên nhau đưa đón con ngày hai lượt.

Thế nhưng, đến đầu học kỳ II, con bé đòi học bán trú. Ban đầu anh chị rầy la, kể lể chăm con vất vả, bảo con sung sướng được ăn cơm nhà, được cha mẹ quan tâm, con đang hư hỏng… 

Hai ba ngày, con bé lầm lì, buồn bã, ít nói, biếng ăn, người mẹ phải dỗ dành mãi thì con mới nói, vì muốn ở lại trường chơi chung với nhóm bạn thân, nếu trưa nào cũng về ăn cơm với ba mẹ tức là không nhiệt tình với các bạn, sẽ bị cho… nghỉ chơi!

Tìm hiểu kỹ qua giáo viên và một số bạn trên lớp, chị còn biết con gái mình đang thích một bạn nam trong nhóm nên cứ nằn nì được ở lại bán trú để chuyện trò, chơi với các bạn, trong đó có bạn ấy… 

Cuối cùng, sợ chiều con thì sẽ “mất uy” cha mẹ, vợ chồng bạn tôi kiên quyết không cho con học bán trú, nhưng vài tuần một lần tổ chức tiệc nho nhỏ rủ nhóm bạn thân của con tới chơi.

Con gái tôi đang học lớp 5. Cháu không có biểu hiện gì khác lạ, thế nhưng thi thoảng có mấy anh chị họ đến chơi, tình cờ tôi nghe chúng trò chuyện với nhau, phát hiện nhiều điều bất ngờ. Chẳng hạn, cháu kể vanh vách chuyện anh chàng ca sĩ có cái tên... kỳ kỳ Sơn Tùng M-TP trong khi tôi chỉ loáng thoáng nghe nói và không hề biết bài hát nào của ca sĩ này.

Hay con vô tình hát những bài “chế” tuy vô hại hoặc không có vấn đề gì đối với người lớn nhưng lại thiếu trong sáng với trẻ em, có thể ảnh hưởng đến cách hiểu, cách nghĩ, cách sử dụng ngôn ngữ của trẻ. 

Rồi những chuyện các bạn trai gái thích nhau trong lớp, bạn trai nào đẹp, học giỏi, nhà khá giả thì được được gọi là “hotboy”, bạn gái thì gọi là “hotgirl”, còn các bạn chẳng ai thích thì gọi là… “hotdog”…

Tôi thấy nếu mình cứ giữ cách nghĩ, cách sống của người lớn (kiểu cũ) mà áp cho con thì có lẽ không phù hợp. Vì vậy, tôi cũng tập nghe, tập hát một số bài mà tuổi “teen” đang thích, như mấy bài của Sơn Tùng M-TP.

Nghe tôi hay hát: “Em của ngày hôm qua ố ô, em của ngày hôm qua…”, rồi “Nắng ấm xa dần ố ô, nắng ấm xa dần…”, con gái bảo ba hát hay hơn… Lệ Rơi. Hay với bài Không phải dạng vừa đâu, tôi cũng kiếm mấy câu “chế”, kiểu như “Không học bài thì xem cái roi, roi roi roi roi đây…”, “Mê chơi không học bài thì không nên thân, không nên thân…”, để thấy rằng mình cũng biết sở thích của trẻ, chứ không phải hoàn toàn lạc hậu.

Bài học tôi rút ra được là đừng quá xa cách với con. Việc thiếu quan tâm, gần gũi con sẽ khó nắm bắt cách sống, cách nghĩ của trẻ và khó có thể kịp thời điều chỉnh. 

Con cái chịu tác động từ xã hội, truyền thông, bạn bè… rất mạnh. Cha mẹ cố gắng làm bạn với con, bắt đầu ngay từ trong cách sinh hoạt, ngôn ngữ… Nếu cứ bắt buộc con theo mình có lẽ càng làm cho con ngày càng xa cách hơn.

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.