Cha mẹ đồng hành cùng con vào lớp 1 thế nào cho đúng cách?

GD&TĐ - Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai CT GDPT 2018. Để chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp đòi hỏi cha mẹ hiểu đúng về chương trình để đồng hành hiệu quả.

Cha mẹ cần hiểu rõ về CT GDPT 2018 để đồng hành hiệu quả.
Cha mẹ cần hiểu rõ về CT GDPT 2018 để đồng hành hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã trao đổi xung quanh vấn đề trên.

Không phải học thêm

Ông Nguyễn Duy Hải cho biết: Năm học tới là năm thứ hai triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1 và ở đó HS được học tập giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực để hình thành phát triển nhân cách toàn diện.

Lớp 1 gồm có 7 môn học và Hoạt động giáo dục bắt buộc. So với Chương trình năm 2006, Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đối với lớp 1, số môn học không thay đổi nhiều với hoạt động trải nghiệm 105 tiết. Trong đó có 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại được ghép với tài liệu giáo dục địa phương.

Điểm mới của môn học ở lớp 1 CT GDPT 2018 đó là Giáo dục thể chất được coi trọng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ. Ngoài ra các môn học đều đóng vai trò, tác dụng riêng.

Do vậy cần giúp trẻ học đều tất cả các môn học. Trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện để phát huy thế mạnh môn học đó. Riêng Tiếng Anh lớp 1 là môn học tự chọn, nếu học sinh (HS) có nhu cầu thì có thể đăng ký nhà trường cho trẻ học.

Ông Hải cũng chỉ ra, chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết. Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, như vậy không phải lo lắng chuyện học thêm sau giờ học. Thời gian ở nhà hãy dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý để phát triển trí tuệ, thể lực...

Học sinh không cần học trước chương trình vẫn đảm bảo học tốt khi bước vào lớp 1. Ảnh: Đức Trí
Học sinh không cần học trước chương trình vẫn đảm bảo học tốt khi bước vào lớp 1. Ảnh: Đức Trí

Đổi mới kiểm tra đánh giá

CT GDPT 2018 đi liền với đổi mới đánh giá HS, trong đó có đánh giá thường xuyên và kiểm tra định kỳ.

Trong đánh giá thường xuyên: Vào lớp 1 hoạt động học tập chủ đạo, do đó trẻ chưa thể quen ngay với các hoạt động học, thậm chí có em còn khóc nhè đòi về.  Tuy nhiên giáo viên (GV) không chấm điểm các môn học mà chỉ nhận xét, đánh giá, giúp đỡ kịp thời trẻ trong quá trình học tập. Do vậy ở giai đoạn đầu của lớp 1 sự kết nối thường xuyên giữa cha mẹ HS với GV chủ nhiệm là quan trọng.

Cha mẹ không nên hỏi con câu “Hôm nay con được mấy điểm?” chỉ nên trao đổi: “Hôm nay con học có vui không? Con xung phong trả lời câu hỏi nào? Điều gì con thấy vui và tâm đắc nhất? Khó khăn nào con cần bố mẹ và cô giáo giúp đỡ...?”.  Điều cha mẹ cần quan tâm là cách học tập, điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của con dù nhỏ nhất; giải thích những băn khoăn của con...

Với kiểm tra định kỳ, cha mẹ cần nắm được đúng bản chất đó là mỗi HS được nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt và Toán của 2 giai đoạn: học kỳ 1 và cuối năm học. Suốt 9 tháng tại trường, GV chỉ đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời kết hợp ghi vào vở khi cần thiết.

HS lớp 1 sẽ được đánh giá, nhận xét bằng lời. Ảnh: Đức Trí
HS lớp 1 sẽ được đánh giá, nhận xét bằng lời. Ảnh: Đức Trí

Không lo quá tải kiến thức

Thời gian đầu trẻ mới vào học lớp 1, phụ huynh thường băn khoăn liệu tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn, ở giai đoạn đầu đã đọc đoạn văn hiểu nội dung để trả lời câu hỏi… như vậy có quá năng lực của trẻ và khiến trẻ học hành vất vả.

Tuy nhiên, cha mẹ cần biết, Chương trình lớp 1 quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rõ ràng. Với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút HS phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Và để đạt chuẩn đó HS sẽ học 420 tiết.

Như vậy so với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết và chương trình cũ học 1 buổi còn chương trình lớp 1 mới học 2 buổi/ngày.

Về mặt khoa học, HS không phải học nhiều hơn. Chương trình mới điều chỉnh dựa trên quan điểm giúp HS đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác.

Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện CT GDPT 2018 theo hướng mở; giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

Mặt khác, thời khóa biểu bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, sáng không quá 4 tiết, chiều không quá 3 tiết, không quá 2 tiết/môn học/buổi… là phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi HS lớp 1.

CT GDPT 2018 đảm bảo kiến thức phù hợp, không gây quá tải với học sinh. Ảnh: Đức Trí
CT GDPT 2018 đảm bảo kiến thức phù hợp, không gây quá tải với học sinh. Ảnh: Đức Trí

Giáo viên linh hoạt trong dạy học

CT GDPT 2018 chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm lớp 1, không quy định yêu cầu cần đạt ở từng giai đoạn học tập. SGK cũng được thiết kế mở, trao quyền chủ động cho GV lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

Vì vậy, ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế nhà trường, lớp học.

Khi HS còn đang trong giai đoạn làm quen với việc học, GV có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những HS đọc chưa tốt chỉ yêu cầu đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những HS này có thể vừa đánh vần vừa đọc.

SGK được các tác giả viết theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình vì vậy đều đảm bảo đúng các điều kiện quy định. Tuy nhiên, mỗi SGK có cách tiếp cận khác nhau nên khi triển khai thực hiện, GV sẽ nắm vững yêu cầu của chương trình, đặc điểm đối tượng HS, điều kiện thực hiện của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp về thời lượng, tiến độ thực hiện, thời khóa biểu...

GV linh hoạt trong giảng dạy. Ảnh: Đức Trí
GV linh hoạt trong giảng dạy. Ảnh: Đức Trí

Đồng hành đúng cách

Lớp 1 là nền móng của tiểu học do vậy cha mẹ cần phối hợp và trao đổi thường xuyên với GV chủ nhiệm để có các biện pháp giáo dục hợp lý, tất cả các thông tin phải kịp thời, thông suốt. Bất kể việc gì xảy ra cũng cần bình tĩnh tìm cách giải quyết, tránh nôn nóng làm ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.

Việc giúp HS đọc thông, viết thạo cần có quá trình. Không thể nóng vội, lo lắng và cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Cần để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều quan trọng là hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ…

Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục, cùng chơi cùng học với trẻ lúc ở nhà thông qua một số hình thức học tập trải nghiệm. Tạo môi trường gia đình ấm áp, cùng với môi trường giáo dục nhà trường thân thiện và xã hội an toàn sẽ đem đến niềm vui học tập cho trẻ…

Để triển khai lớp 1 CT GDPT 2018 đạt kết quả phụ huynh cần chuẩn bị tốt hành trang cho con và luôn tin tưởng, đồng hành với thầy cô, nhà trường thì nhất định sẽ thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chính sách mới về xe điện, khí thải

GD&TĐ - Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã công bố các chính sách mới, nhằm giảm hỗ trợ cho xe điện (EV) và trạm sạc.

Ban lãnh đạo Trường THPT Trần Phú đến thăm, tặng quà cho em Phan Thị Ngọc.

Điểm tựa của những đứa trẻ yếu thế

GD&TĐ - Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” của nữ công Công đoàn Trường THPT Trần Phú trở thành điểm tựa ấm áp cho những học sinh yếu thế.