Cha mẹ cần dạy trẻ biết 'từ chối đúng lúc'

GD&TĐ - Học cách nói 'không' với người khác và chấp nhận việc người khác nói 'không' với mình là một kỹ năng rất quan trọng trong giao tiếp xã hội.

Cha mẹ cần đặt ra nhiều tình huống giúp trẻ xử lý linh hoạt.
Cha mẹ cần đặt ra nhiều tình huống giúp trẻ xử lý linh hoạt.

>>> Những trường hợp nào bắt buộc trẻ phải nói 'không'?

>>> Sức mạnh của lời nói 'không'

>>> Cách dạy con biết từ chối

Vì vậy, cha mẹ cần dạy con cách từ chối khéo léo trong nhiều trường hợp.

Từ chối trong sự tôn trọng

Cô giáo Đào Thị Trang, Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, nhiều trẻ chia sẻ với cô rằng thấy các bạn ăn quà vặt với những thực phẩm không tốt, ở nhà được bố mẹ dặn ăn nhiều sẽ gây sâu răng, tiểu đường, thậm chí nguy cơ ung thư.

Mặc dù biết là không tốt nhưng khi các bạn cho thì con vẫn ăn. Hỏi lý do tại sao con không từ chối thì trẻ cho rằng, các bạn khác đều ăn nên con không biết từ chối như thế nào.

Nguyễn Tùng Quân, học sinh lớp 7 Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội), cho hay, em được nghe và hiểu về tác hại của thuốc lá, nhưng có nhiều bạn ra khỏi cổng trường hút và mời mọc. Vì chơi thân với nhau nên em ngại từ chối và cũng sợ từ chối sẽ bị mất lòng, cô lập…

Với Nguyễn Thuỳ Linh (học sinh một trường THPT tại Hà Nội) thì việc từ chối khi bạn nam tỏ tình đã khiến cô gái trẻ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn trong thời gian dài.

Theo đó, năm học lớp 11, Linh được một bạn nam khác lớp bày tỏ tình cảm. Đây là nam sinh có tiếng là ăn chơi, nghịch ngợm. Khi Linh từ chối trước mặt nhiều người, nam sinh này đã cảm thấy mất mặt, xấu hổ và dọa dẫm cô nhiều lần khiến nữ sinh tổn thương tâm lý rất lớn…

Kỹ năng từ chối không phải là việc dễ dàng, bởi người lớn đôi khi còn khó thực hiện được. Tuy nhiên, với trẻ, việc từ chối trong nhiều trường hợp đem lại sự an toàn cho con.

Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nếu cứ dạy con nói “không” sẽ thành thói quen khiến đứa trẻ không biết nghe lời. Thế nhưng, lo lắng đó có thể không cần thiết. Bởi trẻ cần học được cách đương đầu và giải quyết tình huống quan trọng.

Theo cô Đào Thị Trang, người lớn phải nghiêm túc trò chuyện với con về cách từ chối trong nhiều trường hợp, nhất là với trẻ ở độ tuổi đang trưởng thành. Những tư vấn của cha mẹ sẽ giúp con nhận diện được hành vi, biết tôn trọng cảm xúc của chính bản thân nhưng đồng nghĩa với sự tôn trọng cảm xúc của người khác.

Khi lắng nghe yêu cầu, đề nghị của người khác, hãy dạy trẻ không thẳng thừng từ chối ngay mà cần thời gian ngắn để bình tâm suy nghĩ. Điều này ít nhất khiến người đối diện thấy rằng trẻ đang nghiêm túc cân nhắc.

Quan trọng nhất khi nói “không” với người khác, cần chú ý đến giọng nói, ngữ điệu để khiến người đối diện cảm thấy hợp lý, dễ chịu, tránh gây xung đột.

Đưa ra lý do để từ chối

Cô Trang cho biết thêm, mỗi thầy cô và cha mẹ học sinh cần lưu ý, giải thích cho trẻ những trường hợp nên từ chối. Bởi, trẻ có thể không tự biết những lúc nào phải từ chối. Do vậy, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu và giúp trẻ định nghĩa về những việc có thể và không thể.

Từng bước, thông qua các tình huống khác nhau, trẻ sẽ dần dần học được cách nhận biết tình huống nào nên nhận lời tình huống nào nên từ chối.

Hãy nói với trẻ rằng, việc phải biết lặp đi lặp lại lời từ chối của mình nhiều lần nếu đối phương liên tục chèo kéo và tạo áp lực cho trẻ. Một khi đã đưa ra lời từ chối, hãy kiên quyết với những gì đã nói và đừng để đối phương lay chuyển. Trẻ có thể nhắc lại nhiều lần một lời từ chối, ít nhất là khi không biết giải thích hay trình bày như thế nào.

Đồng thời, con cũng cần đưa ra lý do như “Tôi không được phép làm điều đó” hoặc “Đó là điều không tốt cho cả tôi và bạn”, “Tôi không thích làm điều này”… Quan trọng nhất là cha mẹ phải chỉ cho trẻ nói ra với một thái độ tự tin và cương quyết, như vậy trẻ sẽ từ chối hiệu quả và tránh khỏi những cuộc tranh cãi không cần thiết.

Cô Trang cho rằng, cha mẹ cần đặt ra nhiều tình huống khác nhau để giúp trẻ xử lý linh hoạt. Nó giống như một đợt tập dượt để trẻ tự tin trong cuộc sống. Trong đó, có những trường hợp cần lưu ý như người lạ nhờ giúp đỡ, được tặng món quà đắt tiền với lời đề nghị của người khác mà không rõ nguồn gốc hoặc chưa có sự đồng ý của cha mẹ…

Với những tình huống cha mẹ không đi cùng, hãy cảnh báo con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi chấp nhận yêu cầu của người lạ mà không được sự đồng ý của cha mẹ.

Một kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em khác mà cha mẹ không nên bỏ qua. Đó là dạy cho trẻ cách nhận biết những hành vi xâm hại tình dục. Đồng thời biết cách ứng phó trong những tình huống bất lợi.

Cha mẹ nên trò chuyện và dạy trẻ cách xử lý như tuyệt đối không đồng ý ngồi cùng kẻ xấu để xem phim hay hình ảnh đồi trụy, dạy trẻ về ranh giới tiếp xúc cá nhân, không cho người xấu chạm vào vùng kín của mình, kể với cha mẹ về những sự việc mà mình phải trải qua...

Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà trẻ sẽ phải đối mặt với những tình huống khác nhau. Điều quan trọng nhất là cha mẹ nên cùng trẻ đóng vai và thực hành về những tình huống có thể xảy ra.

Hãy bắt đầu bằng cách hỏi xem trẻ sẽ làm gì nếu bị yêu cầu làm một việc mà chúng không thích. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh và ghi nhớ rất lâu.

“Từ chối là một kỹ năng người lớn luôn luôn phải tập cho trẻ đồng thời với việc dạy chúng biết cảm ơn. Thậm chí, từ chối còn khó hơn rất nhiều so với cảm ơn vì ngay cả với nhiều người lớn thì từ chối cũng không hề đơn giản”, cô Trang cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.