Cha mẹ bán hết gia sản để đi tìm gia đình cho con gái nuôi

Thương cô con gái nuôi trí não chậm phát triển bị lạc mất cha mẹ suốt 20 năm, ông bà Đạc đã nỗ lực chạy ngược, lo xuôi đón xe khách đi tìm gia đình cho con.

Cha mẹ bán hết gia sản để đi tìm gia đình cho con gái nuôi
Cha me ban het gia san de di tim gia dinh cho con gai nuoi - Anh 1

Vợ chồng ông Đạc và cháu ngoại ở bên Nhật

“Con nhặt”

Trong căn nhà khang trang ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chỉ còn hai vợ chồng ông Đặng Văn Đạc chăm lo cho nhau lúc tuổi già, sức yếu. Ông bà có 3 người con nhưng đều sinh sống, học tập và định cư ở Nhật Bản.

Nhiều lần các con ngỏ ý muốn đưa bố mẹ sang đó đoàn tụ, nhưng ông bà chỉ muốn ở lại quê cha đất tổ, ngày ngày trồng cây, chăm lo nhà cửa, vui thú điền viên.

Nhưng, ai ở Dũng Liệt cũng biết, ngoài 3 đứa con ruột, ông bà Đạc còn một cô con gái nuôi tên Thau – người mà ông bà đã dành cho tình yêu thương đặc biệt giống như con đẻ và bỏ nhiều tâm sức để tìm kiếm bố mẹ ruột cho Thau.

Ông Đạc kể: Sau khi đi bộ đội trở về, ông lập gia đình với một người phụ nữ cùng làng, nhưng 3 năm sau ông bà vẫn chưa có con.

Trong một lần về thăm quê, qua bến đò Phả Lại, ông bà tình cờ gặp Thau, khi ấy mới 5-6 tuổi lang thang, ăn mặc rách rưới ở một quán nước của một bà cụ già. Nghe bà cụ kể thì con bé đã lạc ở đây 20 ngày mà không ai đến đón.

Cha me ban het gia san de di tim gia dinh cho con gai nuoi - Anh 2

Cuộc sống hiện tại của vợ chồng ông Đạc khá đầy đủ và hạnh phúc

Khi ấy nó bị rơi xuống nước, suýt chết đuối. Người ta vớt lên và đưa vào đây sưởi ấm. Từ hôm ấy, con bé cứ loanh quanh ở quán nước của bà và đi xin ăn khắp nơi. Cô bé hơi chậm phát triển, hỏi về gia đình, bố mẹ, quê quán đều không nhớ, không biết gì hết.

Hình ảnh đứa trẻ tội nghiệp cứ day dứt mãi tâm trí vợ chồng ông Đạc. Vợ chồng ông về nhà và có kể lại câu chuyện cho mẹ ông nghe. Bà khuyên ông nên đón đứa bé về nuôi, vì hai vợ chồng hiếm muộn đã lâu, có đứa bé thêm vui cửa vui nhà.

Lúc đầu bà cụ bán nước không đồng ý, sau nhiều lần thuyết phục bằng hoàn cảnh của gia đình, đưa cả chứng minh thư, địa chỉ nhà cho bà cụ để lỡ người nhà cháu bé tìm đến thì sẽ gặp được, cuối cùng cũng nhận được sự chấp thuận của cụ. Cẩn thận hơn, ông Đạc còn viết địa chỉ lên cả phía trong vách ngăn bằng cót của quán nước.

Gia đình ông Đạc chăm chút, thương yêu con bé như con đẻ. 3 năm sau, ông bà sinh được 3 người con, 1 gái, hai trai. Nhà nghèo, đông con, nhưng ông bà chăm chút 4 đứa như nhau, không hề phân biệt con nuôi, con đẻ.

“Ngày ấy muốn xin cho con bé đi học, nhưng xin giấy khai sinh khó lắm. Được người mách nước chỉ cần làm thủ tục nhận con nuôi là có thể làm giấy khai sinh, thế là tôi lại chạy đôn chạy đáo khắp nơi.

Nhiều lúc còn phát cáu với cả chính quyền vì lâu quá rồi, bà cụ bán nước cũng đã mất, chẳng còn ai chứng minh là tôi xin con bé từ chỗ bà, trong khi nó ở với tôi mấy năm trời rồi”, ông Đạc nhớ lại.

Thế nhưng Thau cũng chỉ học hết lớp 5, ông Đạc đành phải cho con nghỉ ở nhà trông nom nhà cửa vì cô bé không thể tiếp thu được kiến thức. Dù trí tuệ con chậm phát triển, nhưng điều ông bà cảm thấy an ủi, hạnh phúc nhất là thấy 4 con cùng khôn lớn và yêu thương nhau hết mực.

Cái kết hậu của hành trình bền bỉ

Năm 2007, khi ấy chị Thau cũng đã ngoài 20 tuổi. Trong một lần tình cờ xem ti vi, thấy chương trình tìm lại người thân sau nhiều năm, mẹ ông mới buột miệng bảo: “Người ta mấy chục năm còn tìm lại được nhau mà con mình hơn 20 năm chẳng ai tìm đến”.

Nghe thấy thế chị Thau đột nhiên khóc mà bảo rằng muốn đi tìm gia đình của mình, dù hơn 20 năm nay, chưa bao giờ chị nhắc đến bố mẹ đẻ. Tưởng rằng Thau chỉ nói thế rồi thôi thì bẵng đi một thời gian, bà Vàng vợ ông tình cờ thấy túi quần áo Thau gói ghém giấu dưới cuối giường.

Biết cô con nuôi sẽ quyết tâm đi tìm bố mẹ đẻ, bà liền bảo ông chịu khó đi tìm cha mẹ đẻ cho con. Nếu tìm được thì càng tốt, còn không tìm được chị cũng yên lòng mà không đi lang thang để rồi lạc gia đình một lần nữa.

“Thú thực lúc ấy tôi cũng mông lung lắm. Con bé chẳng nhớ một thông tin gì. Nó chỉ bảo quê nó người ta hay đội cái gì trên đầu ấy. Nghe vậy, một bà cụ quê ở Nam Định cũng đến làm con nuôi ở cùng thôn mới bảo tôi chắc chắn là ở Nam Định rồi, bố con tôi cứ đấy tìm, kiểu gì cũng thấy”, ông Đạc kể.

Bán hai tạ thóc trong nhà được 900 nghìn và lấy thêm 2 triệu tiền học phí của cô con gái ruột mà ông bà vừa vay ngân hàng theo gói hỗ trợ sinh viên nghèo, ông Đạc dắt con bắt xe xuôi về Nam Định, trong lòng vẫn hồ nghi rằng sẽ khó tìm được gia đình cho con vì không có manh mối.

“Trên chuyến xe từ Bắc Ninh về qua Đồng Văn, ai xuống xe tôi cũng hỏi xuống đâu. Vì tôi chưa xuống Hà Nam, Nam Định bao giờ. Thấy lạ nhiều người xúm lại hỏi. Tôi cũng thành thật kể lại chuyện. May mắn trên xe có nhiều người tốt.

Họ còn góp tiền làm lộ phí cho bố con tôi đi đường rồi khuyên nên xuống Hà Nam liên hệ với Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam để tìm.

Cha me ban het gia san de di tim gia dinh cho con gai nuoi - Anh 3

Ông Đạc hạnh phúc bên cháu ngoại

Nghe lời mọi người, bố con tôi vào Hội cựu chiến binh, rồi được giới thiệu sang Hội Chữ thập đỏ và Công an tỉnh để nhờ tìm thông tin, lại còn được Đài Phát thanh truyền hình Hà Nam giảm nửa chi phí cho đăng tin tìm người thân. Để lại thông tin, địa chỉ, điện thoại, hai bố con lại xuôi về Nam Định tìm kiếm.

Thế nào mà hôm ấy như có người mách, tôi gọi về nhà hỏi thăm tình hình thì cậu con trai giục bảo quay lại ngay Công an tỉnh Hà Nam vì mọi người đã tìm được người nhà của chị Thau. Không tin được đó là sự thật, hai bố con tôi bắt xe quay lại Hà Nam. Đến nơi đã thấy người nhà con bé đứng chờ đông đủ. Ai cũng mừng vui khôn xiết”, ông Đạc kể lại chuyện cũ.

Hôm ấy ông mới biết, gia đình của Thau quá nghèo. Mẹ Thau cũng là một người phụ nữ kém thông minh, nhanh nhẹn, sinh được hai người con gái đều kém phát triển nhưng chị gái Thau may mắn hơn đã lập được gia đình.

Còn bố Thau bỏ mẹ con chị đi lấy vợ hai ở Quảng Ninh. Ngày Thau bị lạc là hôm ông ta về đón Thau ra Quảng Ninh để bế con cho mẹ kế nhưng không may để lạc mất con. Phải đến 3 năm sau ông mới dám về quê kể cho vợ con nghe. Gia đình cũng nhiều lần đi tìm nhưng không nghĩ rằng chị lại lạc sang bờ bên kia.

Thời gian đầu ở cùng bố mẹ đẻ, Thau khóc rất nhiều, nói rằng nhớ ông bà Đạc. Thế nên, có khi Thau trở lại ở cùng bố mẹ nuôi vài ngày, thậm chí hàng tuần, hàng tháng cho nguôi ngoai.

Hiện tại, cô con gái nuôi giờ cũng đã trưởng thành và vào Nam sinh sống, lập nghiệp, ít có dịp về thăm nhà. Tuy lâu không gặp, nhưng ông bà vẫn luôn coi chị như con đẻ và luôn sẵn sàng đón con trở về đoàn tụ.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ