Không dừng lại ở phạm vi trong nước, anh mong muốn xuất khẩu các “ATM gạo” này ra nước ngoài...
Lan tỏa trong cộng đồng
Thời gian qua, những cái máy “ATM gạo” đã xuất hiện hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc chia sẻ, giải quyết khó khăn trước mắt cho người nghèo do phải cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì những chiếc AMT gạo còn chất chứa nghĩa cử, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Là người đưa ra ý tưởng làm máy phát gạo đầu tiên cho người nghèo, anh Hoàng Tuấn Anh - CEO PHGLock chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giữa thời điểm cách ly xã hội. Đồng thời, tôi định mua mấy tấn gạo, đóng túi 2kg để tặng người nghèo. Nhưng theo dõi thấy những điểm phát quà từ thiện khác trở thành nơi tập trung đông người, xảy ra lộn xộn, phức tạp, nên suy nghĩ đến chiếc mấy có thể “tắt – mở” gạo tự động mà vẫn bảo đảm khoảng cách 2 mét theo quy định. Với nền tảng là công ty chuyên cung cấp các giải pháp về khóa điện tử thông minh cho các căn hộ chung cư, khách sạn, nên việc lắp đặt máy máy phát gạo với đội ngũ PHGLock không quá khó khăn. Và thế là cây “ATM gạo” đầu tiên ra đời”.
Trong thời gian diễn ra cách ly xã hội, tầm 12 giờ trưa hằng ngày, cây “ATM gạo” trên đường Vườn Lài (phường Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú, TPHCM) có rất nhiều người dân từ nhiều nơi đến xếp hàng chờ rút gạo. Từng người đứng vào vị trí được đánh dấu, chuẩn bị sẵn chiếc túi ni-lon trên tay, đến lượt gạo tuôn trào vào túi. Mỗi người rút đúng 1,5 kg gạo mang về lòng vui vẻ.
Nói về tốc độ phát gạo từ cây “ATM gạo”, anh Tuấn Anh cho biết: Ngày đầu tôi phát 500kg gạo, đến ngày thứ 2 số lượng đã tăng lên 3 tấn và có những thời điểm tăng lên 5 tấn, phục vụ 4.000 người. Có những lúc, tôi lo lắng do mình chỉ có vài chục tấn gạo, sợ không duy trì việc tặng gạo được lâu dài. Nhưng không ngờ, có nhiều nhà hảo tâm đến góp gạo cùng phát cho người nghèo. Có người góp vài chục ký, người góp vài trăm và cũng có người góp cả tấn…
Bà Lê Thị Mận (58 tuổi, bán vé số khu vực Q. Tân Phú) chia sẻ: “Gần cả tháng qua, ngày nào tôi cũng đến đây nhận gạo về nấu cơm. Do vé số ngừng phát hành nên tôi không nguồn thu nhập nào khác, với lại đang mùa dịch bệnh nên không ai thuê mướn già cả. Tôi phải sử dụng một khoản tiền tích lũy được để trả tiền nhà trọ, điện, nước… Nhờ có cây ATM gạo này nên tôi yên tâm không sợ đói trong lúc mọi người cũng khó khăn”.
Xuất khẩu “ATM gạo”
“Trong lúc dịch bệnh phức tạp, nhiều người tự hào vì mình là người Việt và trở về quê hương để tránh dịch. Điều này cho thấy Chính phủ đã làm được những điều tuyệt vời. Là một công dân, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cùng chia sẻ khó khăn với Chính phủ, cùng góp sức vượt qua mùa dịch”. CEO Hoàng Tuấn Anh
Trước tình hình những cây “ATM gạo” được nhân rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ đây là việc anh không ngờ tới.
“Sắp tới tôi dự định sẽ phát triển các cây ATM gạo này ra các nước đang chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn với mọi người dân trên thế giới” - CEO Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Nhìn bề ngoài, ít ai biết vị CEO trẻ tuổi này cũng từng “lên bờ xuống ruộng” khi khởi nghiệp ở nước ngoài. Hoàng Tuấn Anh cho biết anh từng học tập và sống ở Úc 13 năm. Khi còn học đại học, anh đã khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, điển hình là đầu tư vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc.
“Thời điểm đó là năm 2007, chỉ trong 6 tháng, tôi đã kiếm được 1 triệu USD. Nhưng không ngờ chỉ 1 năm, Chính phủ Úc cho dừng chương trình này. Do đã nhập hàng trăm container hàng, mỗi container trị giá tầm 25.000 - 30.000 USD, nên tôi gần như trắng tay” - anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.
Từng rơi vào hoàn cảnh gần như bế tắc nên đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19, anh quan niệm: “Đói ăn có thể khiến người ta quẫn trí, làm những điều dại dột. Nghĩ đến việc còn nhiều bất ổn do dịch bệnh kéo dài, lượng người thất nghiệp đông và ai đó vì thiếu một bữa ăn mà làm vào đường cùng phải sa ngã, phạm tội… tôi thấy mình cần phải đưa một bàn tay cho họ nắm; Đồng thời phải hành động ngay lập tức”.
Một điểm đáng chú ý là các cây “ATM gạo” của Hoàng Tuấn Anh luôn mở 24/24. Chia sẻ về điều này anh cho biết do không muốn ai đến mà phải về tay không. Không những thế, trong quá trình phát gạo, thấy vài thanh niên trẻ khỏe đến xin gạo, anh tìm hiểu, trao đổi và biết họ thật sự khó khăn, dịch bệnh Covid-19 đã cuốn đi nhiều thứ, trong đó có cả nghề nghiệp, việc làm. Sau đó đã có 3 - 4 người nhận làm việc ở cây “ATM gạo” với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, dự án “ATM gạo” có sức lan tỏa ngoài mong đợi. Hoàng Tuấn Anh chia sẻ anh cảm thấy vui khi thấy nhiều người được nhận gạo. Đồng thời, trong thời gian qua, anh cũng luôn bận rộn với việc đi đến hướng dẫn, kết nối phát triển thêm “ATM gạo” cho các địa phương.
“Làm sao để người nhận gạo không phải di chuyển quá xa và người góp gạo cũng bớt phần vất vả. Tôi dự định và hy vọng các cây “ATM gạo” có thể lan tỏa sang các nước ở khu vực Đông Nam Á, để chúng ta cùng chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn không chỉ riêng ở Việt Nam”, Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.