CEO Microsoft thuyết trình về "điện toán đám mây"

CEO Microsoft thuyết trình về "điện toán đám mây"

CNTT thúc đẩy phát triển kinh tế

Chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của chính phủ Việt Nam lần này của ông Steve Ballmer nhằm khẳng định cam kết của Microsoft đối với Việt Nam là hỗ trợ định hướng chiến lược phát triển CNTT và truyền thông tới năm 2010, hướng đi của chính phủ Việt Nam dùng công nghệ để đẩy mạnh tính cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Ông Steve Ballmer cho biết: “Tôi hoan nghênh Định hướng chiến lược phát triển CNTT và truyền thông tới năm 2010 và mục tiêu của chính phủ Việt Nam nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT; phát triển ngành CNTT đóng góp 20% GDP, để đưa Việt Nam tiến lên thành một nhà xuất khẩu hàng đầu về các dịch vụ phần mềm và nội dung số; góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ sư CNTT lên chuẩn quốc tế.” Ủng hộ chiến lược này, Microsoft đem tới các chương trình giáo dục và đào tạo kỹ năng để giúp Việt Nam phát triển trình độ CNTT tầm cỡ thế giới và hỗ trợ đẩy mạnh kinh tế.

Hiện hơn 2 triệu học sinh Việt Nam, 7000 cán bộ quản lý giáo dục và 50.000 GV được đào tạo về công nghệ thông qua Chương trình Parner in Learning (PiL). Ngoài ra, Microsoft còn cung cấp cho hơn 120 trường ĐH công cụ đào tạo SV về công nghệ Microsoft một cách hiệu quả và chuẩn bị cho hành trang nghề nghiệp thông qua Chương trình Microsoft It Academy.

"Điện toán đám mây" và sự đón nhận của SV ĐH Bách Khoa Hà Nội

Trong lịch trình chuyến thăm Việt Nam, ông Steve Ballmer đặc biệt quan tâm đến cuộc trò chuyện, chia sẻ với SV ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chiều ngày 24/5/2010, tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, hàng ngàn SV đã đón chào ông Steve Ballmer nồng nhiệt. Vị CEO của tập đoàn CNTT lớn nhất thế giới đã chia sẻ với SV Việt Nam về tương lai của công nghệ thông tin, trong đó có khái niệm điện toán đám mây.

yt
ông Steve Ballmer nói chuyện với SV ĐH Bách Khoa Hà Nội

Theo ông Ballmer, Microsoft đang dẫn đầu trong việc phát triển thế hệ CNTT mới này với 90% nhân lực dự tính tập trung vào việc sáng tạo ra những công nghệ đám mây trong vòng 1 năm với ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên tới hơn 9 tỷ USD.

Trong bài phát biểu, ông Ballmer đã nói về tầm nhìn của Microsoft về tương lai với đám mây là trung tâm – một tương lai mà năng lực của trung tâm dữ liệu với quy mô của Internet và sức mạnh của các thiết bị như máy tính, điện thoại di động và TV được kết hợp cùng nhau để chuyển đổi cách thức con người kết nối với nhau.

“Tôi rất vui khi được chia sẻ cùng các bạn SV ĐH Bách Khoa Hà Nội về những cơ hội mà điện toán đám mây sẽ đem lại và tiềm năng ảnh hưởng với Việt Nam. Những SV hôm nay chính là các nhà lãnh đạo, chuyên gia CNTT và kỹ sư của ngày mai. Chính các bạn sẽ là những con người phát triển các giải pháp công nghệ mới trên nền tảng đám mây giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu về CNTT” – CEO Steve Ballmer chia sẻ.

r
Đông đảo SV đến nghe vị CEO của tập đoàn CNTT lớn nhất thế giới chia sẻ

Ông Huỳnh Quyết Thắng – Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự chú trọng đầu tư của Microsoft cho thế hệ trẻ. Đây là một cơ hội lớn trên phương diện học tập, nghiên cứu cũng như hợp tác. Hy vọng cả hai bên sẽ có thêm cơ hội hợp tác cùng nhau xây dựng lực lượng lao động CNTT vững mạnh”.

Phát triển các dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam

Nhân chuyến thăm của tổng giám đốc điều hành Steve Ballmer, tập đoàn Microsoft và FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Trọng tâm của hợp tác này là thỏa thuận phát triển nền tảng điện toán đám mây sử dụng công nghệ của Microsoft. Hai bên cùng hướng đến việc phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng. Thỏa thuận này thể hiện vị thế hàng đầu cũng như cam kết của hai bên nhằm đưa công nghệ tầm cỡ thế giới vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, điện toán đám mây mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức và cơ quan Chính phủ Việt Nam. Đối với những nơi thiếu năng lực CNTT và chi phí đầu tư ban đầu có thể làm chậm lại việc ứng dụng CNTT thì những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại là khá rõ rang: Không cần phải có cơ sở hạ tầng nội bộ, bộ máy nhân sự cồng kềnh và cơ chế thuê bao, có thể dễ dàng thay đổi quy mô khi cần thiết.

Microsoft tin rằng hợp tác này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu CNTT năm 2020 sẽ mang lại 22% GDP cho cả nước. 

Steven A. Ballmer sinh tháng 3/1956, lớn lên ở gần thành phố Detroit, nơi mà cha ông từng làm quản lý ở một bộ phận của công ty Ford Motor. Ballmer tốt nghiệp cử nhân ĐH Harvard trong lĩnh vực toán học và kinh tế. Ngay từ khi đang học, Ballmer đã quản lý đội bóng đá của trường, làm cho báo Crimson Harvard cũng như tạp chí văn học của nhà trường. Ông sống một cách giản dị cùng với người bạn thân thiết Bill Gates – hồi đó đang là SV năm thứ 2. Sau khi tốt nghiệp, ông làm trợ lý giám đốc sản phẩm trong vòng 2 năm cho công ty Procter&Gamble. Ballmer đã học thêm cao học về kinh tế tại ĐH Stanford, trước khi gia nhập tập đoàn Microsoft vào năm 1980.  Steve Ballmer là GĐ kinh doanh đầu tiên được Bill Gates tuyển về.

Diệu Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.