Cây trổ hoa đẹp thơm dẫu ích lợi nhưng...độc hại: Chiều nay nhớ ngọn trúc đào

Cây trổ hoa đẹp thơm dẫu ích lợi nhưng...độc hại: Chiều nay nhớ ngọn trúc đào

Năm 1973, tại TP Biên Hòa, lúc ấy là tỉnh lị của tỉnh cùng tên, hiện nay là tỉnh lị của tỉnh Đồng Nai, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (1952 - 1992) sáng tác bài thơ Trúc đào gồm 22 dòng lục bát, kết 4 dòng thế này:

Chiều nay, ngang cổng nhà ai

Nhủ lòng, tôi chỉ nhìn cây trúc đào

Nhưng mà không hiểu vì sao

Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười!

Nhạc sĩ Anh Bằng (1926 - 2015) phổ bài thơ này thành bài hát Ngọn trúc đào, nhan đề lẫn ca từ đã có những chuyển đổi về từ vựng, câu, đoạn, cùng tình lẫn ý, mà đây là 4 dòng được nhiều ca sĩ dùng để kết bài hát:

Chiều nay nhớ ngọn trúc đào

Mùa thu lá rụng bay vào sân em

Người đi biết về phương nào

Bỏ ta với ngọn trúc đào bơ vơ.

Tên gọi qua các ngôn ngữ

Trúc đào là cách Việt Nam lược giản cụm từ tiếng Hoa 夾竹桃 - bính âm phát jià zhú táo; âm Hán - Việt phát giáp trúc đào. Lưu ý rằng, người Hoa nói và viết, có những trường hợp gọn hóa, chỉ đôi âm tiết giáp trúc.

Đây, liệt kê chưa đầy đủ tên cây này qua các ngôn ngữ, cách phát âm ghi trong đôi ngoặc vuông.

Nổi bật là nhiều thứ tiếng, bao gồm Anh, Xứ Wales, Luxembourg, Iceland, Ireland, Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Đức, Turkmen, Uzbek, Slovak, Slovenia, Somali, Zulu, Malasia, Myanmar và Esperanto / Quốc tế ngữ… đều dùng danh từ Oleander để trỏ cây trúc đào. Sử dụng danh từ tương tự để trỏ trúc đào, còn có các thứ tiếng:

* Séc: Oleandr

* Latvia: Oleandrs

* Litva: Oleandras

* Rumani: Oleandru

* Ý, Bồ Đào Nha: Oleandro

* Phần Lan: Oleanteri

* Serbia, Macedonia: Олеандер

* Bulgaria: Олеандър

* Nga, Ukraina: Олеандр

* Hindi: ओलियंडर [oliyandar]

* Nepal: ओलिन्डर [ōlinḍara]

Các thứ tiếng sau trỏ trúc đào bằng danh từ khác:

* Pháp: Laurier rose

* Tây Ban Nha: Adelfa

* Indonesia: Bunga jepun

* Thổ Nhĩ Kỳ: Zakkum

* Hy Lạp: πικροδάφνη [pikrodáfni]

* Hàn: 서양 협죽도 [seoyang hyeobjugdo]

* Nhật: キョウチクトウ [kyōchikutō]

* Thái: ต้นยี่โถ [t̂n yī̀t̄ho]

* Lào: ນໍ້າມັນ [noa man]

Trúc đào được quốc tế định danh khoa học Nerium oleander L. thuộc họ Apocyanaceae.

Cây trổ hoa đẹp thơm dẫu ích lợi nhưng...độc hại: Chiều nay nhớ ngọn trúc đào ảnh 1
Trúc đào trổ hoa hồng ngay trước cổng chào của khu du lịch Cổ Thạch, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Phanxipăng

Đặc tính sinh học

Trúc đào vốn mọc hoang trên địa vực khá rộng, từ Maroc và Bồ Đào Nha kéo dài đến Địa Trung Hải, cả vùng Nam Á.

Đó là cây cao 2 - 6m. Các cành mọc gần như thẳng. Lá dày, bóng, màu lục sẫm, hình mũi mác hẹp (dài 5 - 21cm, rộng 1 - 3,5cm), các mép nhẵn. Mọc thành từng cụm ở đầu mỗi cành, hoa rất xinh tươi (đường kính 2,5 - 5cm, tràng 5 thùy với tua bao quanh ống) tỏa hương thơm dịu nhẹ. Quả nang dài nhưng hẹp, kích thước 2 - 23cm, khi chín thì nứt ra để giải phóng các hạt nhỏ phủ đầy lông tơ.

Hiện, đã phân lập hơn 400 giống trúc đào, mỗi giống có màu hoa khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, cam, vàng, trắng.

Trúc đào có khả năng chịu khô hạn, lại đủ sức chịu sương giá không thường xuyên đến -100C. Loài thực vật này rất thích hợp với các vùng suối khô và vùng ven biển. Tính đến nay, trúc đào đã được di thực đến nhiều châu lục chủ yếu để trồng làm cảnh, ngoài ra còn trồng làm nguyên liệu cho ngành dược điều chế thuốc.

Cảnh báo: Lợi ích nhưng... chết người!

Toàn thân trúc đào, nhất là lá, chứa nhiều glicozit tim. Ấy là các steroid có hoạt tính ở tim, chia sẻ cấu trúc vòng aglycon, gây tác động tăng co sợi cơ, ảnh hưởng điện sinh lý. Chiết xuất glicozit từ lá trúc đào thu được chủ yếu gồm oleandrin, neriin, adynerin và neriantin. Các cơ sở sản xuất dược phẩm vẫn dùng lá trúc đào để bào chế thuốc dạng dung dịch và dạng viên 0,1mg hoặc 0,2mg, dùng chữa suy tim, sung huyết và sử dụng cục bộ để điều trị rối loạn da. Dù chữa bệnh gì, bệnh nhân uống các dạng thuốc ấy cần nghiêm cẩn tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bởi glicozit cực độc.

Độc tính nọ từ lâu đã được cư dân một số địa phương tận dụng bằng cách dùng trúc đào để đánh bả chuột. Tuy nhiên, éo le thay, có những người, nhất là trẻ con, vì không biết mà nhai lá trúc đào, lại còn dùng cành trúc đào khuấy và gắp thức ăn đồ uống rồi phải vào bệnh viện điều trị, thậm chí đã xuất hiện trường hợp tử vong!

Đối với tính mạng người và động vật khác, ngay cả trúc đào khô cũng nguy hiểm. Thí nghiệm vào năm 1999 chứng minh rằng, chỉ 1 lạng tức 100g lá trúc đào khô đủ giết chết con ngựa trưởng thành.

Phản ứng vì ngộ độc trúc đào xuất hiện nhanh. Đó là các triệu chứng tim mạch, đường tiêu hóa, cả hệ thần kinh trung ương; bao gồm tim đập nhanh rồi đập chậm vượt mức bình thường, tuần hoàn máu kém hoặc không ổn định, tiết nhiều nước bọt, buồn nôn, rát mắt, tay chân cùng các cơ run rẩy, viêm da, tiêu chảy có hoặc không có máu.

Bất kỳ trường hợp nào biết, kể cả nghi ngờ bị ngộ độc trúc đào, những người chung quanh phản ứng sao thật đúng đắn kịp thời? Cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, bằng không thì đón nhận hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Để tránh hậu quả đáng tiếc, các cơ quan chức năng đã ban hành quy định: Trúc đào thuộc danh mục cây xanh hạn chế trồng hoặc/và cấm trồng. Không trồng trúc đào tại những tụ điểm đông người như trường học, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, công viên, cơ sở tôn giáo, lề đường… Khu vực cây thuốc, nơi ươm giống cây cảnh, sân vườn nhà nếu trồng trúc đào thì chủ nhân cùng người có trách nhiệm cần chuẩn bị sẵn biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an sinh. Lưu ý tránh để cây trúc đào gần tầm tay con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.