Cây trâu cổ còn có nhiều tên khác như: Vẩy ốc, xộp, sung thằn lằn, cơm lênh. Tên khoa học: Ficus pumila L., thuộc họ dâu tằm - Moraceae.
Trâu cổ là loại dây leo bò với rễ bám (trên các mảng tường, đá, hay thân cây lớn khác), có mủ trắng lúc cây còn non, có những nhánh bò mang lá không có cuống, gốc hình tim, nhỏ như vẩy ốc; ở dạng trưởng thành, có những nhánh tự do mang lá lớn và có cuống dài. Cụm hoa có đế hoa bao kín dạng quả vả, quả sung, khi chín có màu đỏ.
Do đặc điểm hình dáng khác biệt giữa cành sinh trưởng (lúc non) và cành sinh sản (có hoa quả) nên dễ gây lầm tưởng là hai cây khác nhau như đã nói. Toàn cây trâu cổ (gồm cành, lá, quả, nhựa) được dùng làm thuốc phổ biến từ lâu đời trong y học cổ truyền, đặc biệt theo kinh nghiệm dân gian đây là loài thuốc quý, bổ cho quý ông.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, quả trâu cổ có chứa các chất: inositol, rutin, β-sitosterol, β-amyrin acetate, taraxeryl acetate, plasmagel. Đặc biệt thành phần polysaccharid của quả trâu cổ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và ức chế nhiều dòng tế bào ung thư.
Theo Đông y, quả trâu cổ có vị ngọt, tính mát; có tác dụng tráng dương cố tinh, lợi thấp thông sữa; dùng trị lỵ lâu ngày sinh lòi dom, kinh nguyệt không đều, ít sữa, tắc tia sữa, viêm tinh hoàn, phong thấp, ung thũng, cũng dùng cho người bệnh di tinh, liệt dương, đái ra dưỡng trấp.
Dây có vị hơi đắng tính bình; cùng với rễ có tác dụng khu phong hoạt lạc, hoạt huyết giải độc; dùng trị phong thấp tê mỏi, sang độc, ung nhọt và kinh nguyệt không đều.
Lá có vị hơi chua, chát, tính mát, có tác dụng tiêu thũng giải độc; được dùng trị viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn ngã tổn thương, cũng dùng trị đinh sang, ngứa lở. Dân gian còn dùng nhựa cây để bôi ghẻ lở, hắc lào. Trâu cổ còn có tác dụng khu phong, lợi thấp, hoạt huyết, giải độc; trị phong thấp tý thống (viêm khớp dạng thấp), ỉa chảy kiết lỵ, chứng lâm (viêm tiết niệu), viêm tinh hoàn; té ngã tổn thương, ung nhọt sưng đau.
Đĩa nho, trâu cổ và thạch quả trâu cổ
Sau đây là một số tác dụng của trẩu cổ:
Chữa di tinh, liệt dương: Quả trâu cổ 12g, dây sàn sạt 12g. Sắc uống. Hoặc dùng cành lá trâu cổ phối hợp với đậu đen sao thơm, ngâm rượu uống bổ, chữa di tinh, liệt dương, đau mình mẩy, đau lưng.
- Chữa trẻ em gầy còm: Dây trâu cổ 60g, hầm với thịt gà ăn.
- Chữa tiểu ra máu, tiểu khó, tiểu buốt: Trâu cổ 40g, cam thảo 4g, sắc uống. Hoặc dùng dây trâu cổ 30g, rễ tranh 30g, rau mã đề 20g, sắc chia 2 lần uống.
- Chữa suy nhược sau khi ốm dậy: Dây trâu cổ 80g, hầm với 100g thịt heo nạc ăn.
- Chữa tắc tia sữa, sưng vú, ít sữa: Quả trâu cổ 40g, bồ công anh, lá mua, mỗi vị 15g, sắc uống. Ngoài dùng lá bồ công anh giã nhỏ chế giấm, chưng nóng chườm, đắp. Lại dùng điếu ngải cứu, đốt hơ chỗ ngực ngang 2 núm vú và chỗ chân vú bên bị tắc, hơ đến mức thấy nóng rát thì thôi.
- Chữa sán khí (thoát vị bẹn, sa tinh hoàn): Dây trâu cổ (dùng loại cành lớn có quả) 40g, rễ mộc thông ba lá 60g, sắc bỏ bã, lấy nước thêm 1 trứng gà nấu uống, mỗi ngày 1 thang.
- Chữa trẻ quáng gà: Nấu canh quả trâu cổ với gan lợn (20 - 30g) ăn.
- Chữa triệu chứng dọa sảy thai: Cành lá trâu cổ (dùng cành lá non) 40g, cuống lá sen 7 cái, rễ lá gai 4g, sắc lấy nước cho 3 trứng gà vào nấu uống. Hoặc chỉ dùng độc vị cành lá trâu cổ sắc uống cũng được.
- Chữa sữa không xuống (hoặc quá ít) sau khi đẻ: Quả trâu cổ: 7 quả chín, hầm với 1 cái chân giò lợn, ăn và uống hết nước (quả tươi hoặc khô đều được).
- Chữa mụt nhọt sưng đau: Trâu cổ 40g, sắc uống; lấy thêm lá tươi giã nhuyễn đắp lên chỗ đau.
- Chế thạch giải khát, thanh nhiệt: Quả trâu cổ chín, rửa sạch, xay nhuyễn cho vào túi vải ép lấy nước cốt. Để yên nước này sẽ đông thành khối thạch màu trắng, cắt nhỏ thạch thành sợi, cho vào cốc nước đường uống....