Cây đã được Nhà nước coi là Di sản Quốc gia và được xếp là cây dã hương cổ thụ độc nhất vô nhị của thế giới
Cây có dáng bề thế và rất uy nghi, chỗ to nhất của thân cây là 17,4 mét (khoảng 8 người dang tay ôm mới hết) chiều cao của cây là 36 mét, trên ngọn cây có những cành đã khô, nhưng vân rất vững vàng, lớp vỏ cây dày trung bình khoảng 15 cm.
Hỏi chuyện người dân ở đây chẳng ai cung cấp được tài liệu chính xác cây dã hương này có tự thuở nào. Các cụ bô lão trong thôn cho biết: Trước kia trong ngọc phả của thôn còn có ghi lại câu chuyện: Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”.
Dân làng ở đây lưu truyền câu chuyện: Cây dã hương ở đất Bắc mà vươn tới tận Huế, vì có một vị quan về đây chặt một đoạn rễ đem về kinh thành tiến Vua; cây dã hương ở trời Nam mà cành sang tận trời Tây (ấy là năm 1905, toàn quyền P.Doumer đã cưa một cành dã hương ở đây cho người làm hai cây thánh giá làm lưu niệm và năm 1932, ảnh cây dã hương đã được trưng bày ở Hội chợ Marseille, Pháp)…
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Người dân trong xã Tiên Lục cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà nhân dân ở đây có sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan.
Cây được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Đề - Phụ trách quản lý cụm di tích - cho biết: Các bậc cao niên nơi đây đã nghiệm ra một hiện tượng khá thú vị, đó là mối liên hệ giữa cây dã hương cổ thụ với đời sống xã hội đương thời.
Rằng: cây dã hương chẳng bao giờ gãy cành vì gió bão, nhưng khi có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên là đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước.
Như năm 1945 cành lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công; Năm 1954, cành phía tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm 1964 cành phía nam gãy gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ chiến tranh mở rộng ra miền Bắc; Năm 1975 cành phía tây gãy gắn với sự kiện giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước;
Năm 1984 cành phía tây bắc gãy gắn với “khoán 10” và cành ở đỉnh ngọn phía nam gãy vào chiều 22/10/2006 thì 16 ngày sau nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (mà trong sổ ghi chép những sự kiện liên quan đến cây dã hương, được người dân ở đây ghi sự kiện này là “cành hội nhập”)…
Mặc dù cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác tuổi đời của cây dã hương này, nhưng theo người dân ở nơi đây thì vẫn gọi là cây dã hương ngàn năm.
Còn trong cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học tổ chức năm 2001 được các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định:
Cây dã hương này đã tồn tại khoảng 1.000 năm và trên thế giới chỉ có hai cây dã hương quý như thế, một ở châu Phi đã chết nên cây dã hương này được xem là cây nhiều tuổi nhất thế giới.
Theo các nhà khoa học Trung tâm Đa dạng sinh học (Đại học Sư phạm Hà Nội và khoa Công nghệ sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Nghiên cứu cây Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp - PTNT đã xác định đây là cây hạt kín rất hiếm hoi còn sót lại sau trận đại hồng thủy biển tiến muộn.
Cây dã hương đã được các cơ quan chức năng xác định giá trị và bảo vệ như một tài sản - di sản văn hóa. Đích thân nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã chỉ đạo và giao cho UBND tỉnh Bắc Giang lập dự án bảo tồn cây dã hương này cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa xung quanh. Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cũ) đã xếp cây dã hương là Cây Di sản Quốc gia.