Cây phong lá đỏ chỉ hợp với vùng lạnh

GD&TĐ - Hàng cây phong lá đỏ được trồng trên một số tuyến phố ở Hà Nội với hy vọng cây sẽ cho màu sắc giống như ở châu Âu là rất khó. Thời tiết, khí hậu ở Hà Nội sẽ khiến lá phong không thể đỏ như trồng ở châu Âu hay trồng trên các vùng núi cao.

Phong lá đỏ được trồng trên nhiều tuyến phố.
Phong lá đỏ được trồng trên nhiều tuyến phố.

Chỉ phù hợp trồng ở núi cao

Đầu năm 2018, 300 cây phong lá đỏ được trồng tại dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng (Hà Nội). Các hàng phong lá đỏ này nằm trong hoạt động trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn Thủ đô đến năm 2020. Thân cây cao khoảng 7m, đường kính thân khoảng 25cm. Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc cây thông lá đỏ có phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Nội không?

Theo các chuyên gia, cây vẫn sinh trưởng được, nhưng rất khó để cho ra màu lá đỏ giống như cây được trồng ở các nước châu Âu. Đến nay đã hơn 2 năm, cây phong trồng ở trên đường Trần Duy Hưng vẫn xanh tốt, nhưng chưa bao giờ chuyển màu đỏ, dù thời tiết có rơi vào đợt lạnh sâu đến đâu.

TS Nguyễn Thị Kim Lý, Trung tâm Hoa, Cây cảnh, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, thông lá đỏ là loài cây ưa lạnh, nếu có trồng phong lá đỏ thì nên trồng ở khu vực có khí hậu mát mẻ, ở các vùng núi cao thì phù hợp hơn là trồng ở Hà Nội. Thời tiết nắng nóng, không phù hợp, cây không chết nhưng lá sẽ không đỏ mà chỉ có màu nhờ nhờ vàng. Trong khi đó, nếu trồng trong điều kiện thời tiết phù hợp, cây sẽ chuyển sang màu đỏ đậm rất đẹp mắt khi mùa đông đến. Thời tiết không phù hợp, cây sẽ rất khó chuyển màu.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng cho rằng, nếu cây phong lá đỏ mà trồng trên khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt may ra còn sống được, vì nó ưa lạnh, không chịu được nóng. Vào mùa hè, sẽ phải tưới nước liên tục cho cây vì loài này không chịu được nóng, nghĩa là sẽ mất thời gian chăm sóc nhiều hơn các loại cây khác, không cẩn thận thì sẽ khó có thể sống được

Hiện nay, chưa có tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại vùng đô thị như Hà Nội. Bất kỳ loại cây đô thị nào cũng cần được thử nghiệm của cơ quan khoa học. Nếu trồng cây vẫn sống nhưng không đẹp như kỳ vọng thì phải xem xét lại. Nên chăng trồng trước ở các vùng núi cao rồi chuyển dần về cho chúng có điều kiện thích nghi với thời tiết, khí hậu nhiệt đới.

Cây không chết, nhưng lá không đỏ

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia về lâm nghiệp, cây phong lá đỏ có hàng trăm loại khác nhau như phong triều đỏ, phong san hô… là loại cây phát triển nhanh và được sử dụng làm cây đô thị ở nhiều nước. Nhưng trước khi trồng phải thử nghiệm về sự phù hợp. Các loại cây sấu, cây bàng, xà cừ… trồng trên phố Hà Nội hiện nay cũng phải có nghiên cứu, trồng thử nghiệm từ trước. Vì vậy, muốn trồng đại trà cây phong lá đỏ trong thành phố thì nên thử trồng cây ở công viên, khu vườn riêng biệt để đánh giá mức độ thích nghi. Thêm nữa, phải công bố kết quả trồng thí nghiệm để người dân biết và hiểu đúng

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Nghiệp (Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội) cho hay, hiện nay chưa có bất cứ tài liệu nào nói về việc thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ tại Việt Nam. Do vậy, việc trồng phong lá đỏ tại dải phân cách của các tuyến phố ở Thủ đô mà chưa có thử nghiệm có thể sẽ đem lại rủi ro. Theo GS Đê, ông đã từng trồng thử cây dương (cùng họ với cây phong lá đỏ) đưa từ xứ lạnh về Việt Nam. Năm đầu tiên cây dương lớn nhanh, phát triển tốt nhưng đến năm thứ 2 cây không phát triển được và sang những năm kế tiếp cây chết dần.

“Ta phải trồng thử một thời gian xem kết quả. Trước đây, chúng tôi có nhập cây dương ở Đức mất 3 năm trồng thử mới đi đến kết luận được. Hiện nay, cây phong có thể khô nhưng chúng ta nên đợi thêm mùa năm nay nữa xem nó phát triển thế nào. Các loài mới nhập khác ta nên trồng trong các vườn, như vườn Bách Thảo chẳng hạn. Theo tôi, việc nhập cây mới để trồng nên thư thư lại, chúng ta nên trồng những cây bản địa - đánh các cây ở rừng ra dễ thích nghi và hợp khí hậu”, GS.TS Ngô Quang Đê cho biết.

Đại diện Công ty Cây xanh Hà Nội (đơn vị trồng cây phong lá đỏ) cho biết thêm, hiện nay Hà Nội mới trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ trên một số tuyến phố. Cây được trồng là do một đơn vị nước ngoài tặng nên trồng thử. Vì vậy, nếu như trồng thử thành công, Hà Nội mới tính đến chuyện trồng thêm loài cây này ở một số tuyến phố khác.

Thực tế, phong lá đỏ là loại cây trồng phổ biến ở nhiều nước ôn đới. Đây là loại cây được nhiều người yêu thích bởi màu lá lãng mạn đầy chất tình thơ mỗi khi mùa Thu về và nhất là khi rụng lá. Tại Việt Nam, một số nơi cũng xuất hiện cây phong, chủ yếu trong các khu rừng vùng núi phía Bắc như Tả Liên, Putaleng (Lai Châu), Chế Tạo (Yên Bái)… và trong Nam tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Việc trồng cây phong lá đỏ nằm trong chủ trương quy hoạch cây xanh đô thị của thành phố Hà Nội. Dự kiến, đến năm 2020, đường phố Hà Nội sẽ được phủ kín khoảng 1 triệu cây xanh. Loài cây này có nguồn gốc từ châu Á sau đó được di thực sang một số vùng có khí hậu ôn đới ở các châu lục khác. Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước nổi tiếng với những con đường phong lá đỏ đẹp nên thơ, thu hút rất đông khách du lịch đến thưởng ngoạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.