Đề xuất bất ngờ
Ý tưởng điên rồ này đã được các nhà khoa học trên thế giới đưa ra, đặc biệt là sau những lần trí tuệ nhân loại vào chào thua trước trí thông minh nhân tạo. Hơn nữa các nhà khoa học còn đưa ra một viễn cảnh con người có thể trở thành nô lệ của máy móc nếu để trí thông minh nhân tạo vượt xa ngoài tầm kiểm soát. Trong những bộ phim giả tưởng, điều này cũng đã được nhắc tới không ít lần. “Nếu con người không muốn trở thành thú cưng của trí thông minh nhân tạo thì cần phải cấy ghép công nghệ vào não để có thêm sức mạnh chống lại những hệ thống máy tính biết tự học hỏi và hoàn thiện trong tương lai gần”, đó là tầm nhìn của Elon Musk, người sáng lập Cty SpaceX, đồng sáng lập hãng Tesla Motors và PayPal nêu ra. Elon Musk được xem là con người của những ý tưởng độc đáo, nhưng cũng rất thành công với những ý tưởng của mình. Ý tưởng cấy ghép công nghệ vào não người vừa mới được ông tiết lộ tại sự kiện phỏng vấn gần đây và theo ông con người cần được cấy một dạng như là nút thần kinh trực tiếp vào não để tăng cường trí thông minh tự nhiên bằng cách kết nối với hệ thống máy tính, từ đó duy trì quyền lực thống trị của nhân loại.
Ông Elon Musk chia sẻ rằng: “Tôi không thích suy nghĩ sẽ biến thành một con mèo nuôi trong nhà nhưng liệu có giải pháp nào để tránh khỏi điều đó? Tôi nghĩ rằng một trong những giải pháp tốt nhất có thể là thêm một lớp trí thông minh nhân tạo mới. Cũng tương tự như vỏ não của bạn hoạt động cộng sinh cùng với hệ thống thần kinh vòng viền, lớp thứ 3 dưới dạng kỹ thuật số sẽ được thêm vào để hoạt động tương hỗ với những gì sẵn có trong não”. Mặc dù trước giờ Musk luôn là một trong những người có nhiều đóng góp nhất trong sự phát triển của AI nhưng ông cũng nhiều lần đưa quan điểm lo ngại về tương lai của các hệ thống này. Cùng với Stephen Hawking và hàng chục nhà nghiên cứu khác, Musk sợ rằng một ngày nào đó AI sẽ tự phát triển tới mức có thể làm phản con người và do đó, ông luôn tìm cách ngăn chặn viễn cảnh đó.
Theo Elon Musk thì mặc dù AI có thể giúp ích rất nhiều cho người, từ việc chữa bệnh đến giải quyết các vấn đề toàn cầu nhưng không rồi một ngày nó sẽ thông minh hơn loài người, từ từ nghĩ rằng con người nhỏ bé hơn AI và cuối cùng là biến họ trở thành những con vật nuôi ngu ngốc của nó. Và đó chỉ là kịch bản tốt nhất, còn tệ hơn nữa là sẽ có ngày AI nghĩ rằng con người phá hủy môi trường nhiều quá, cần phải cho một quả bom nguyên tử hoặc thứ gì tương tự để tiêu diệt toàn bộ loài người. Do đó, Musk nghĩ rằng cần phải cấy một thiết bị công nghệ nào đó vào não để cho con người không bị tụt hậu so với trí tuệ nhân tạo hoặc bị nó vượt mặt. Nghe có vẻ hơi viễn tưởng một chút nhưng thực ra thì từ trước giờ các nhà khoa học vẫn đang phát triển cách đưa những tế bào mới vào não nhằm cải thiện khả năng của nó. Gần đây nhất là hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc đưa mạng lưới thần kinh vào não chuột - một bước đầu tiên trong việc tạo nên những nút thần kinh kết nối não với bên ngoài. Mặt khác, Musk nhận định rằng đây không chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu mà tất cả mọi người cần phải nghĩ tới điều đó. Vậy làm thế nào các nút thần kinh này có thể hoạt động trong cơ thể người? Musk cho rằng chắc chắn sẽ không cần mổ não bởi điều đó rất nguy hiểm nhưng có thể thay thế bằng cách khác an toàn hơn, thí dụ như đưa vào qua tĩnh mạch cổ và nó sẽ được dòng máu đưa vào trong sọ.
Elon Musk luôn được biết tới là người của những ý tưởng độc đáo tới mức điên rồ.
Ý tưởng đã có tiền lệ
Trên thực tế ý tưởng độc đáo này của Elon Musk đã từng được nhắc tới trước kia, cũng như đã có các dự án liên quan tới việc cải thiện sức mạnh của não bộ con người dưới sự hỗ trợ của công nghệ. Đầu tiên phải nhắc tới một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu HRL Laboratories (California, Hoa Kỳ). Để tiến hành những thử nghiệm cho nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các tín hiệu điện trong não của một phi công dày dặn kinh nghiệm. Sau đó, họ truyền những tín hiệu điện này tới những phi công đang còn ở dạng học viên.
Kết quả của điều này là những người được truyền sóng não có kỹ năng lái máy bay cải thiện hơn hẳn (khoảng 33%) so với những người còn lại. Theo giải thích của giáo sư Matthew Phillips: “Hệ thống của chúng tôi là một trong những hệ thống đầu tiên sử dụng công nghệ này. Nó là một hệ thống kích thích não bộ”. Cũng theo lời giáo sư Matthew Phillips “Khi bạn học một điều gì mới, não của bạn bị thay đổi về mặt vật lý. Những sự kết nối được thiết lập và củng cố trong một quy trình với nên gọi là neuro-plasticity. Một số chức năng cụ thể trong não, ví dụ như ngôn ngữ và trí nhớ, được đặt tại những khu vực riêng trong não, có kích thước bằng đầu ngón út”. Vị giáo sư này cho rằng: “Những gì mà hệ thống của chúng tôi làm được đó là tập trung vào những thay đổi trên một số vùng cụ thể của não bộ khi bạn học.
Phương pháp này khá cũ, trên thực tế, người Ai Cập cổ đại cách đây 4000 năm đã sử dụng cá điện để kích thích và giảm đau. Thậm chí Ben Franklin cũng đã từng đưa dòng điện vào đầu, nhưng những nghiên cứu khoa học thực thụ của phương pháp này mới chỉ bắt đầu từ những năm 2000, và những gì chúng tôi đang phát triển dựa trên nghiên cứu này là nhằm cá nhân hóa việc kích thích theo cách hiệu quả nhất có thể. Não của bạn sẽ rất khác biệt so với não của tôi khi chúng ta cùng làm một việc. Cái chúng tôi tìm ra là kích thích não dường như có hiệu quả khi cải thiện việc học”.
Giáo sư Matthew Phillips và các cộng sự tin rằng sự thành công trong kết quả nghiên cứu của họ sẽ có ích trong việc giúp chúng ta tìm hiểu về các bí ẩn của bộ não con người. Bên cạnh đó nó còn mở ra cơ hội giúp con người có thể giảm thời gian và tăng cường các trải nghiệm về học tập của bộ não trong tương lai.
Còn vào năm 2015, trang tin MIT Technology Review, đã đưa thông tin về việc Phil Kennedy, nhà khoa học thần kinh tiên phong trong lĩnh vực công nghệ kết nối não người với máy tính vừa quyết định cấy thiết bị vào não của chính mình. Các giao diện máy tính não (BCI) là những thiết bị ghi lại hoạt động điện tử của hàng trăm tế bào não và diễn dịch chúng thành tín hiệu có thể sử dụng để điều khiển các vật thể như máy tính và chi robot.
Một số BCI thuộc dạng không xâm nhập, giống như điện cực EEG đặt lên da đầu, còn một số cần phải thông qua phẫu thuật để đặt chúng vào bên trong não, cho phép bắt những tín hiệu từ các dây thần kinh cụ thể. Kennedy là người phát triển BCI đầu tiên cho phép một bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do mắc hội chứng “nhốt trong” có thể di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính. Kể từ đó, mục tiêu của ông là phát triển một dạng máy giải mã ngôn ngữ, và đã sáng lập Cty Neural Signals để theo đuổi mục đích.
Vào năm 2008, một người đàn ông không thể di chuyển hoặc nói chuyện đã nhận được thiết bị ghép não của Kennedy và sau đó có thể trao đổi bằng cách phát ra nguyên âm thông qua thiết bị tạo ra lời nói. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nguồn quỹ cho nỗ lực nghiên cứu này đã cạn kiệt và Kennedy nhận ra rằng để có thể tiếp tục dự án, ông phải tự thí nghiệm lên bản thân mình.
Vào tháng 6-2014, Kennedy bay đến Belize ở Trung Mỹ và trả 25.000 USD cho một đội ngũ phẫu thuật gia để cấy điện cực vào vỏ não vận động, chịu trách nhiệm kiểm soát khả năng cử động và di chuyển ở người. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật kéo dài 12 giờ đã không diễn ra suôn sẻ. Khi tỉnh dậy, Kennedy phát hiện mình mất khả năng nói. Huyết áp gia tăng trong lúc phẫu thuật đã khiến não bị sưng, khiến ông rơi vào tình trạng bị liệt tạm thời.
Thế nhưng, Kennedy gần như không bỏ cuộc. Trong vòng vài tháng, ông hồi phục và quay lại làm phẫu thuật đợt hai để cấy thiết bị điện tử ghi nhận các tín hiệu từ não. Khi trở về phòng thí nghiệm ở TP.Duluth (bang Georgia, Mỹ), Kennedy bắt đầu ghi âm các tín hiệu não trong lúc thốt ra hoặc nghĩ về những âm tiết hoặc từ cơ bản, như “mận” hoặc “xin chào thế giới”. Dự án của Kennedy từng có thời gian bị chỉ trích, thế nhưng những nỗ lực của chuyên gia khoa học này lại được ghi nhận, không chỉ bởi sự dũng cảm của nhà khoa học này, mà còn bởi sự cách mạng trong cách con người tiếp cận với công nghệ, xử lý và làm chủ công nghệ.
Dẫu sao sự nguy hiểm luôn tiềm ẩn nhưng khi bước những bước chân “tiên phong” thì việc chấp nhận hiểm nguy là điều chắc chắn. Những người như Kennedy, Matthew Phillips hay Elon Musk biết đâu sau này sẽ được nhân loại nhắc tới như là những người đặt nền tảng cho việc cấy ghép công nghệ hỗ trợ não bộ của con người và mở ra một kỷ nguyên mới cho nền tri thức của nhân loại…