Thấu hiếu khó khăn, vất vả các thầy, cô phải trải qua, Công đoàn ngành không chỉ là người đồng hành, mà còn là cầu nối để đồng nghiệp, xã hội đồng cảm, sẻ chia giúp họ vươn lên, hoàn thành sứ mệnh trồng người.
Nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn ngành
Thống kê của Công đoàn Giáo dục (CĐ GD) Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có trên 44 ngàn trường học, cơ sở giáo dục với trên 1,5 triệu cán bộ, nhà giáo và người lao động.
Theo Chủ tịch CĐ GD Việt Nam Vũ Minh Đức, nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động cơ bản đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ đào tạo và các chuẩn theo quy định; thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành; Tận tụy với công việc; Có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác; Yêu nghề, tâm huyết, sáng tạo, đổi mới, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với hơn 1,5 triệu cán bộ, nhà giáo và người lao động công tác trong ngành có không ít người là giáo viên cắm bản, đang công tác tại vùng sâu, vùng xa… Trong số này, có thầy cô gặp khó khăn về kinh tế, bệnh tật cần sự giúp đỡ. Thực hiện sứ mệnh của mình, CĐ ngành luôn đồng hành để động viên, giúp đỡ đoàn viên và trở thành cầu nối để cộng đồng đồng cảm, sẻ chia với khó khăn của họ.
Những năm qua, CĐ ngành xây dựng một chương trình về Quyên góp xây dựng nhà công vụ, giúp đỡ nhà giáo, người lao động ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Từ năm 2015, CĐ GD Việt Nam đã đổi mới hình thức triển khai cuộc vận động theo phương châm tập trung nguồn lực, giải quyết dứt điểm một số khó khăn tồn đọng lâu dài ở cơ sở, tránh dàn trải. 5 năm qua, CĐ ngành đã quyên góp được trên 700 tỷ đồng, xây dựng được 1.687 nhà công vụ giáo viên và hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động gặp khó khăn, thiên tai, rủi ro. Tính riêng trong năm 2017, CĐ GD Việt Nam vận động quyên góp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão lũ đạt trên 8 tỷ đồng.
Những cách làm sáng tạo
Từ đổi mới của CĐ ngành, nhiều đơn vị cũng có cách làm sáng tạo, triển khai đạt kết quả tốt.
Điển hình như Trường ĐH Cần Thơ có chính sách hỗ trợ mua đất ở cho cán bộ, nhà giáo và người lao động. Trường ĐH Nha Trang hỗ trợ người dân bị hỏa hoạn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hỗ trợ đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo 70 triệu/người, đoàn viên ốm đau 15 triệu/người. Còn ĐH Đà Nẵng tạo điều kiện cho cán bộ viên chức vay 300 triệu/1 năm để học tập nâng cao trình độ, xây dựng quỹ “Tình thương”, quỹ “Phụ nữ nghèo” vay không lãi 300 triệu/người.
Tại Trường ĐH Huế, nhiều năm qua, CĐ đã duy trì chương trình hỗ trợ vay vốn không tính lãi hỗ trợ cán bộ mua thiết bị để dạy học và học tập, hỗ trợ cán bộ trẻ, cán bộ, nhà giáo, người lao động có thu nhập thấp thuê nhà ở. Các tỉnh Long An, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bình Phước triển khai Quỹ Vòng tay đồng nghiệp nhằm giúp giáo viên vay vốn lãi suất 0% phát triển kinh tế gia đình…
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong trường, các cơ sở GD đã dành sự quan tâm của mình cho các đồng nghiệp. Công trình đem lại hiệu quả thiết thực cho thầy, trò vùng khó là 6 hệ thống điện năng lượng mặt trời, 6 máy tính xách tay, 6 máy in và 1 đường cấp nước cho 6 điểm trường của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong, Nghệ An) của Công đoàn Trường ĐH Bách khoa.
Kinh phí vận động từ Quỹ Tấm lòng Vàng, Quỹ Tấm lòng Việt, sự ủng hộ của Trường ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và các nhà tài trợ (trên 600 triệu đồng), CĐ ngành đã tổ chức 4 chương trình đón Tết sớm; 2 chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trên 600 cán bộ, nhà giáo và người lao động vùng khó khăn của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và huyện Định Hóa (Thái Nguyên).