Thể thao Việt Nam được nhận diện sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19). Trong bối cảnh đó, đội tuyển cầu mây Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “cứu tinh”, gánh vác phần lớn trọng trách 3 - 5 Huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam.
Những bước tiến cần thiết
Trong kế hoạch hướng đến ASIAD 19, Cục TDTT xác định 7 môn mũi nhọn có thể tranh chấp Huy chương Vàng và đáng chú ý, cầu mây đứng ở vị trí số 1. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu mây Việt Nam, ông Lê Thanh Sơn, vài năm gần đây, cầu mây Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu.
Ở kỳ đại hội châu lục lần thứ 19, cầu mây Việt Nam kỳ vọng vào 2 nội dung đội tuyển nữ 4 người và đội tuyển nam 4 người. Nhưng chúng ta không được chủ quan, bởi các đối thủ ở cả 2 nội dung này đều khó chơi.
Ngược dòng thời gian, cầu mây từng là môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam, có khả năng tranh chấp chức vô địch tầm châu lục và thế giới. Chúng ta có Huy chương Vàng SEA Games 22 năm 2003, nội dung đồng đội nữ. Đặc biệt, cầu mây Việt Nam tạo ra cơn “địa chấn” tại ASIAD 2006.
Với những gương mặt như Nguyễn Đức Thu Hiền, Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo…, cầu mây Việt Nam đã giành 2 Huy chương Vàng, góp công lớn vào thành tích 3 Huy chương Vàng của cả Đoàn Thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội diễn ra ở Doha (Qatar). Vậy nên, cầu mây chính là vị cứu tinh cho thể thao Việt Nam thời điểm ấy.
Tuy nhiên, sự chuyển mình mạnh mẽ ấy chưa đủ giúp cầu mây Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đội tuyển như Trung Quốc, hay ngay khu vực Đông Nam Á với Thái Lan và Myanmar. Điều đó phần nào lý giải thực trạng không mong muốn từ sau ASIAD 2006 cho đến nay, cầu mây Việt Nam chưa một lần giành thêm Huy chương Vàng ở đại hội thể thao châu lục.
Và ở sân chơi SEA Games, phải đúng 20 năm sau kỳ đại hội trên sân nhà, chúng ta mới có thêm 1 tấm Huy chương Vàng nữa. Nhưng cũng phải nhắc lại, chức vô địch cầu mây SEA Games 32 đến ở nội dung đôi nữ vốn không có sự tham dự của Thái Lan.
Trước đó, ở kỳ đại hội khu vực lần thứ 31, Việt Nam là chủ nhà, cầu mây Việt Nam chỉ giành được 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Đáng chú ý, chúng ta không chỉ thua Thái Lan, mà còn thất bại cả trước Malaysia.
Như ở nội dung đồng đội nam 3 người, cầu mây nam Việt Nam có được một trận thắng trước tuyển Campuchia, thua dễ dàng trước Thái Lan và Malaysia, đứng hạng Ba. Hay nội dung đồng đội nữ 3 người, các nữ vận động viên Việt Nam thắng thuyết phục trước Malaysia và Lào, song vẫn thua Thái Lan ở trận quyết định chức vô địch.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Thanh Sơn, nếu như trước đây các tuyển thủ cầu mây Việt Nam thường bị ngợp trước đối thủ Thái Lan, thì hiện nay, các vận động viên sau những chuyến thi đấu và tập huấn nước ngoài đã cải thiện đáng kể về chuyên môn, bản lĩnh thi đấu tốt hơn rất nhiều.
Trong 2 năm trở lại đây, cầu mây Việt Nam giành được nhiều thành tích ấn tượng, đó là cơ sở tin cậy để chúng ta hướng đến sân chơi châu lục diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới.
Tại Giải vô địch cầu mây thế giới 2022, trong trận chung kết nội dung 4 người, các cô gái Việt Nam đã tạo ra cú sốc khó tin khi đánh bại chủ nhà Thái Lan với tỉ số 2-0 (21-15, 23-21).
Đặc biệt, xuyên suốt giải đấu, đội tuyển nữ Việt Nam đã toàn thắng trước các đối thủ trong bảng đấu là Malaysia, Campuchia và Pakistan đều với tỉ số 2-0 để lọt vào bán kết gặp tuyển Hàn Quốc. Ở trận đấu tranh suất vào chung kết, đội nữ Việt Nam áp đảo về các thông số chuyên môn so với các cô gái đến từ xứ sở kim chi và đánh bại đối thủ cũng với tỉ số 2-0.
Tháng 7 vừa qua, Giải vô địch cầu mây thế giới diễn ra ở Thái Lan, cầu mây Việt Nam đã bảo vệ thành công chức vô địch nội dung 4 người. Thành công này thể hiện bước tiến rất dài của các nữ vận động viên Việt Nam. Bởi ở giải đấu vô địch thế giới năm nay, đội cầu mây nữ Việt Nam rơi vào bảng đấu rất khó.
Nhưng các nữ tuyển thủ dưới sự chỉ đạo của bộ đôi huấn luyện viên Trần Thị Vui và Hoàng Thái Xuân đã thi đấu xuất sắc, lần lượt đánh bại Hàn Quốc và Myanmar với cùng tỉ số 2-1, thắng Nhật Bản 2-0 ở vòng bảng và thắng tiếp đội Lào ở bán kết 2-0. Ở trận chung kết, đội Việt Nam đánh bại Indonesia với tỉ số 2-0.
Bên cạnh thành tích của nội dung 4 người dành cho nữ, tại giải thế giới 2023, cầu mây Việt Nam giành Huy chương Bạc nội dung hoop nam (tâng cầu), Huy chương Đồng nội dung hoop nữ; Huy chương Đồng nội dung đội tuyển nam 4 người, Huy chương Đồng nội dung đội tuyển nữ 3 người; Huy chương Bạc nội dung đồng đội 3 người.
Trong đó, nội dung đội tuyển nam 4 người cũng được kỳ vọng sẽ mang đến bất ngờ ở ASIAD 19. Năm 2022, cũng nội dung này tại giải thế giới, cầu mây nam Việt Nam xuất sắc lọt vào trận chung kết, song các nam vận động viên để thua đáng tiếc trước Hàn Quốc.
Thành viên đội tuyển cầu mây Việt Nam vô địch SEA Games 32 nội dung đôi nữ. Ảnh: INT. |
Không được chủ quan
Trước thềm ASIAD 19, Giải vô địch cầu mây châu Á 2023 được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) được coi là kỳ sát hạch lực lượng cũng như tham vọng của các đội tuyển. Tại giải đấu này, đội tuyển cầu mây Việt Nam tham dự 2 nội dung dành cho nữ, đội 3 người và đội 4 người, và đều giành Huy chương Vàng.
Theo ông Lê Thanh Sơn, đây là chiến thắng đầy nỗ lực của cầu mây nữ Việt Nam. Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu nhưng thành tích ở Hàng Châu là sự khích lệ dành cho các vận động vốn là những gương mặt còn trẻ cũng như tập thể đội tuyển cầu mây Việt Nam.
5 năm trước, tại Indonesia, thể thao Việt Nam giành 5 Huy chương Vàng. Nhưng 2 trong số đó thuộc về pencak silat, môn võ không được đưa vào chương trình thi đấu của đại hội châu lục lần thứ 19. 2 Huy chương Vàng điền kinh của Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo được xem như kỳ tích, khó có thể xuất hiện trở lại.
Một phần do Thu Thảo sa sút phong độ, không còn duy trì được thành tích ngay ở sân chơi khu vực. Quách Thị Lan đang trong thời hạn bị cấm thi đấu. Những gương mặt sáng giá nhất của điền kinh Việt Nam lúc này gần như chưa thể cạnh tranh ngôi vô địch châu lục tại Trung Quốc.
Vì thế, thể thao Việt Nam sau 2 kỳ SEA Games thành công rực rỡ trong 2 năm liên tiếp chỉ dám đặt chỉ tiêu cố gắng giành 3 - 5 Huy chương Vàng tại ASIAD 19. Nhưng trên thực tế, để chạm ngưỡng thấp nhất, 3 Huy chương vàng cũng là con số rất gian nan cho thể thao Việt Nam.
Đấu trường ASIAD rất khác… SEA Games. Số vận động viên của Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á như “lá mùa Thu”, với một vài người như Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Tâm (boxing) và Nguyễn Thị Thật (xe đạp). Trong số này, triển vọng vàng của Nguyễn Thị Thật có vẻ rõ ràng hơn hẳn so với những gương mặt khác trong nhóm có khả năng tranh chấp chức vô địch.
Cú đúp Huy chương Vàng tại Giải vô địch cầu mây châu Á 2023 tiếp tục mang đến sự tự tin rất lớn cho cầu mây Việt Nam. Sau 17 năm, môn thể thao này sẽ gánh vác trọng trách vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Nhưng khó ở chỗ, nếu như năm 2006, cầu mây Việt Nam vốn không được đánh giá cao đã bất ngờ tỏa sáng.
Kỳ tích đó là tổng hòa của nhiều nguyên nhân, sự nỗ lực của vận động viên, may mắn và cả tâm lý chưa đánh giá cao đội tuyển Việt Nam của các đối thủ. Nhưng 2 năm qua, cầu mây Việt Nam bứt lên, trở thành đối thủ đáng gờm ở sân chơi châu lục và thế giới. Vô hình trung, yếu tố bất ngờ cũng không còn.
Bên cạnh đó, sau những thất bại từ giải thế giới năm 2022, cầu mây Thái Lan nhanh chóng bước vào chiến dịch cải tổ, được đánh giá sâu rộng nhằm lấy lại vị thế ở ASIAD 19. Và cũng cần nhấn mạnh, tại giải vô địch châu Á 2023 vừa qua ở Trung Quốc, các đội mạnh như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc đều không đăng ký nội dung dành cho nữ.
Pha tấn công của Trần Thị Ngọc Yến ở SEA Games 31 trước người Thái. |
Điều đó báo hiệu cuộc đua khốc liệt, khó lường ở kỳ ASIAD 19. Những diễn biến ấy buộc Đoàn Thể thao Việt Nam cũng như bộ môn cầu mây đã có bước đi mang tính quyết định là tránh những nội dung có sự hiện diện của Thái Lan.
Theo thông tin từ Đoàn Thể thao Việt Nam, đội tuyển cầu mây sẽ tranh tài ở nội dung đồng đội 3 người, theo bốc thăm, đội nữ nằm ở bảng A cùng Ấn Độ và Trung Quốc, bảng B có Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar; với đội nam, chúng ta ở bảng A cùng Malaysia, Singapore trong khi bảng B có Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Myanmar.
Đáng chú ý, ở nội dung chủ công với trọng trách vàng, theo bốc thăm, nội dung 4 người nữ, chúng ta nằm ở bảng A cùng Indonesia, Nhật bản, Myanmar và bảng B có Philippines, Lào, Ấn Độ và Trung Quốc; tại nội dung 4 người nam, Việt Nam ở bảng A cùng Indonesia, Myanmar và Lào còn bảng B có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ và Philippines.
Toan tính là thế, song yếu tố bất ngờ, phong độ và sự may rủi vẫn có tác động lớn đến thành tích thi đấu.
Theo ông Lê Thanh Sơn, tại Giải cầu mây vô địch thế giới 2023, đội cầu mây nữ Việt Nam đánh bại Indonesia trong trận chung kết để giành Huy chương Vàng nội dung 4 người.
Chúng ta cũng có chiến thắng cùng nội dung trên, trước Thái Lan tại Giải cầu mây vô địch thế giới 2022. Tại ASIAD 19, đội tuyển Thái Lan không tham dự nội dung 4 người này và về lý thuyết, đội cầu mây 4 người nữ của Việt Nam đang mạnh nhất thế giới. Nhưng đây vẫn là nội dung khó. Cầu mây Việt Nam cần phải thận trọng. Indonesia vẫn là đối thủ rất khó chơi.
Thành tích Huy chương Vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội châu lục khá thất thường.
Chúng ta tham dự ASIAD từ năm 1982 (diễn ra ở Ấn Độ) và đến đại hội năm 1994 (Nhật Bản) mới có Huy chương Vàng đầu tiên và thành tích này lặp lại ở đại hội năm 1998 (Thái Lan).
Thể thao Việt Nam bứt phá mạnh mẽ với 4 Huy chương Vàng năm 2002 (Hàn Quốc), nhưng sau đó đi xuống với 3 Huy chương Vàng năm 2006 (Qatar).
Đặc biệt, 2 kỳ đại hội 2010 (Trung Quốc) và 2014 (Hàn Quốc), thể thao Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn 1 Huy chương Vàng/đại hội.
Đến kỳ đại hội lần thứ 18 (Indonesia), thể thao Việt Nam vượt ngưỡng với thành tích 5 Huy chương Vàng. Trong đó, chức vô địch 400m rào của Quách Thị Lan được trao sau khi nhà vô địch nội dung này, Kemi Adekoya (Bahrain) có mẫu thử dương tính với chất cấm và bị tước Huy chương Vàng.