Cắt “lá phổi xanh”
Công viên Cầu Giấy có tổng diện tích trên 10ha, nằm giữa khu đô thị mới Cầu Giấy được ví như “lá phổi xanh” của quận này. Đây không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân phường Dịch Vọng mà cả các vùng lân cận. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người dân đến công viên tập thể dục, đi dạo, thư giãn...
Lý do để UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ (gọi tắt là Công ty Tây Hồ) nghiên cứu lập dự án chỉ là để giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, vị trí khu đất đang nghiên cứu làm bãi xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại này lại chưa có trong quy hoạch.
Công ty Tây Hồ đề xuất đưa 1,45ha đất để xây dựng 3 tầng hầm, trong đó tầng hầm 1 bố trí chức năng thương mại, dịch vụ. Tầng hầm 2 và 3 bố trí làm nơi đỗ xe. Ngoài ra, trên ô đất còn có khối công trình nổi cao khoảng 9m với diện tích xây dựng 725m2, với tổng vốn đầu tư 565 tỷ đồng. Chủ đầu tư cho biết trên mặt đất sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã “xén” đi.
Theo Sở KH&ĐT TP Hà Nội, đề xuất của Công ty Tây Hồ là phù hợp. Cơ quan này dẫn ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết ô đất định “xén” có quy hoạch là đất cây xanh đô thị. Trong bán kính 500m từ lô đất làm công viên, quy hoạch cũng đề xuất nghiên cứu 3 bãi đỗ xe tập trung diện tích khoảng 4.000 m2 phục vụ khu đô thị Dịch Vọng. Bên cạnh đó, Sở cho biết trong quy hoạch, khu đất cây xanh đô thị có đề cập đến công trình thương mại, dịch vụ (quy mô nhỏ) và được khuyến khích phát triển bãi đỗ xe ngầm, trên đó khai thác công viên cây xanh.
Lý giải về đề xuất này, chủ đầu tư cho rằng các chung cư xung quanh dự án đang thiếu chỗ đỗ xe. Cụ thể, hầm các tòa nhà chung cư gần khu vực này có sức chứa 477 xe, còn 682 chỗ đỗ khác phải gửi trực tiếp trên vỉa hè. Với 6.000 hộ dân xung quanh, chủ đầu tư cho rằng sẽ thiếu chỗ đỗ trong tương lai, chưa kể nhu cầu đỗ xe của các cơ quan, trường học, văn phòng... (khoảng 500 chỗ đỗ).
Lo ngại năng lực chủ đầu tư
Giữa “tâm bão” của những tranh cãi về việc thực hiện dự án, theo tìm hiểu của phóng viên Báo GD&TĐ, Công ty Tây Hồ được đăng ký lần đầu ngày 18/3/2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 12/3/2018). Trước đó, liên quan đến Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại khu Mễ Trì Hạ, báo chí đã phản ánh công trình này không thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quá trình thi công rơi vãi đất ra đường trong khu đô thị, gây ô nhiễm về bụi và tiếng ồn tới môi trường xung quanh, không thực hiện niêm yết kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án tại trụ sở UBND phường Mễ Trì… khiến người dân bức xúc. UBND phường Mễ Trì đã có báo cáo gửi UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Trước đó, ngày 14/6/2018, Công ty Tây Hồ có Tờ trình số 05/2018/TT-CTTH báo cáo UBND TP Hà Nội xin phép không nghiên cứu bãi đỗ xe ngầm tại vị trí công viên Trung Yên, phường Trung Yên, quận Cầu Giấy, với lý do địa chất không thuận. Mặt khác, có 60 hộ dân xung quanh không ủng hộ, đã gửi đơn kiến nghị do lo ngại việc đầu tư xây dựng tại đây sẽ ảnh hưởng, xáo trộn về đời sống dân cư… Công ty đề xuất chuyển đổi vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Trung Yên sang vị trí bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy…
Vướng phải những “lùm xùm” về quá trình thi công tại khu đô thị Mễ Trì Hạ đã bị dư luận lên tiếng, nay Công ty Tây Hồ lại tiếp tục được giao làm chủ đầu tư nghiên cứu dự án trên “lá phổi xanh” của quận Cầu Giấy trị giá hơn 500 tỷ đồng, khiến dân chúng không khỏi hoài nghi về năng lực chủ đầu tư, không có gì để đảm bảo những sai phạm cũ sẽ không tái diễn và ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Công ty Tây Hồ sẽ tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng khi thực hiện dự án như thế nào? “Năng lực công ty như vậy sẽ không dám đảm bảo chắc chắn, xây trung tâm thương mại, làm bãi đỗ xe rồi chủ đầu tư sẽ không từng bước thôn tính, độc quyền khai thác cả công viên hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất…”, một người dân băn khoăn.
Như vậy, nếu được chấp thuận đầu tư xây dựng Dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại, thì Công ty Tây Hồ sẽ là chủ đầu tư hai dự án với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng.