Hà Nội xin được tiếp tục trông giữ xe dưới gầm cầu vượt

Hà Nội kiến nghị Bộ GT-VT cho phép thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu vượt hết năm 2023 trong khi chưa có quỹ đất thay thế.

Hà Nội xin được tiếp tục trông giữ xe dưới gầm cầu vượt

Để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/09/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngày 9/10/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT.

ha noi xin duoc tiep tuc trong giu xe duoi gam cau vuot hinh 1
Gầm cầu vượt Chương Dương đang góp phần giải quyết nhu cầu trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và người dân phố cổ vào các tối cuối tuần.

Theo Thông tư số 35, Hà Nội sẽ không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 01/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Trường hợp không thực hiện hoàn trả sẽ bị cưỡng chế giải tỏa theo quy định....

Theo Thông tư số 35 của Bộ GT-VT thì hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện phải đóng cửa từ ngày 31/12/2018. Thế nhưng, thực tế đến nay các vị trí này vẫn tiếp tục trông giữ các phương tiện.

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc triển khai thực hiện theo Thông tư 35 có những khó khăn, vướng mắc. 4 vị trí gầm cầu này được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận tổ chức trông giữ phương tiện trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35. Với dung lượng hiện có 4 gầm cầu này đang giải quyết tốt một phần nhu cầu giao thông tĩnh của  khu vực. Cụ thể, gầm cầu Vĩnh Tuy hoạt động từ năm 2010 có sức chứa khoảng 350 ô tô; gầm cầu Chương Dương sức chứa khoảng 300 xe máy (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối 3 ngày cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm); gầm cầu Mai Dịch sức chứa khoảng 30 ô tô và 200 xe máy (trông giữ phương tiện của sinh viên và Đội CSGT số 6); gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai do bệnh viện quá tải không đủ chỗ trông giữ xe).

Hiện nay nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân trên địa thành phố Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe.

Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Còn tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.

Trong khi đó, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh, các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân, các cơ quan, đơn vị, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của Thành phố Hà Nội.

Chính vì thế phát sinh tình trạng trông giữ xe không phép để trục lợi; giá trông giữ xe đắt gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí gấp 4 lần  giá quy định của thành phố.

Theo ghi nhận của phóng viên, thực tế vào các ngày cuối tuần người dân ra khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm để vui chơi rất đông. Vì thế nhu cầu gửi xe tại vị trí gầm cầu Chương Dương cũng rất cao vì điểm này trông giữ phương tiện miễn phí, bãi hết chỗ giữ xe người dân phải gửi xe tại các điểm trông giữ xe tự phát phát không phép giá 20.000 đồng, cao gấp 4 lần giá quy định của thành phố.

Chị Trịnh Thu Dung ở quận Hai Bà Trưng cho biết: Tôi có 2 con nhỏ nên ngày thứ 7 hoặc chủ nhật tuần nào cũng đưa các cháu lên không gian khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để vui chơi. Tôi thường tới gửi xe miễn phí tại gầm Chương Dương. Tuy nhiên, có hôm lên vị trí này đông không nhận trông nữa phải ra ngã tư Lò Sũ- Hàng Dầu gửi xe, 20.000 đồng/xe. Hai xe máy của gia đình là tốn mất 40 nghìn đồng. Tôi mong muốn thành phố nên tiếp tục duy trì bãi trông xe miễn phí gầm cầu Chương Dương này, thậm chí mở thêm các bãi xe miễn phí khác để phục vụ người dân có thu nhập không cao tới vui chơi.

Trong khi đó, những cư dân khu phố cổ Mã Mây, Lương Văn Can, Phất Lộc bày tỏ thất vọng khi hay tin điểm trông giữ xe gầm cầu Chương Dương phải đóng cửa. Theo những người dân nơi đây, hiện nay vào các tối từ thứ 6 đến  chủ nhật, mở cửa phố đi bộ người dân được hưởng lợi nhiều, xe cộ được gửi miễn phí dưới gầm cầu có người trông nom.

“Người dân chúng tôi sống trong khu phố cổ chật trội, nhất là những nhà trong ngõ điều kiện còn khó khăn hơn, ngõ nhỏ đi 2 người đã phải nghiêng người lách, dắt được chiếc xe máy vào nhà đã khổ rồi nhưng trong nhà cũng trật trội không có chỗ dựng xe. Giờ không cho đỗ vào tối cuối tuần chúng tôi biết đỗ xe ở đâu. Chúng tôi kiến nghị Thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện cho người dân phố cổ tất cả các ngày trong tuần”- ông Trần Hồng Thái ở phường Hàng Buồm nói.

Tương tự các vị trí gầm cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch xung quanh có mật độ dân cư đông. Các điểm trông giữ phương tiện này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện của người dân.

ha noi xin duoc tiep tuc trong giu xe duoi gam cau vuot hinh 2
Gầm cầu Ngã Tư Vọng, đường Giải Phóng góp phần phục vụ nhu cầu của người dân gửi xe đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện khác đang quá tải chỗ để phương tiện.

Các chuyên gia giao thông đô thị bày tỏ trong bối cảnh hiện nay đề xuất của Hà Nội tiếp tục duy trì các điểm đỗ xe dưới gầm cầu là hợp lý, để giải quyết nhu cầu dân sinh cần thiết của người dân quanh khu vực. Tránh tình trạng đỗ xe tràn làn ngoài đường, vỉa hè gây mất trật tự ATGT và cũng hạn chế tình trạng các bãi xe tự phát. Trong trường hợp giải tỏa hết các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu nói trên nếu không làm rào thép B40 như cầu Ngã Tư Sở thì các điểm này cũng trở thành điểm kinh doanh quán nước, hàng rong, thậm chí là bãi xe “lậu”. Hiện nhiều thành phố lớn trong khu vực  tận dụng các khoảng trống dưới gầm cầu cho phép kios  kinh doanh hoặc  trông giữ xe có đủ điều kiện không phải là ngoại lệ.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, đề xuất sửa đổi Thông tư 35 là để phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác.

Lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội khẳng định nếu Thông tư 35 được sửa đổi, Hà Nội chỉ cấp phép hoạt động cho 4 bãi trông giữ xe dưới gầm nêu trên.

Theo ông Tuấn, các vị trí nêu trên đã được nghiên cứu cụ thể tất cả các yếu tố như tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Khi đáp ứng đủ các điều kiện Sở mới đề xuất Thành phố cấp phép.  Thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu đơn vị các khai thác đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, để minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu.

“Các điểm này cũng chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023. Hiện nay Quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội đã được phê duyệt. Khi Quy hoạch được triển khai vào thực tế, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, TP sẽ chấm dứt hoạt động của các điểm này”- Ông Tuấn nói.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giảm áp lực cho giáo viên

GD&TĐ - Có ý kiến đề xuất cần tránh việc thu nhập của GV lại phụ thuộc vào việc người ấy có tham gia vào nhiều công việc ngoài chuyên môn hay không...