Câu chuyện về nhân vật tạo hấp dẫn mỗi giờ học Lịch sử

GD&TĐ - Làm cho học sinh yêu thích môn học là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử. Giáo viên có vai trò quan trọng quyết định trong việc này bằng việc đổi mới phương pháp, giúp giờ học trở nên hấp dẫn.

Cô Trần Thị Vui trong giờ dạy Lịch sử.
Cô Trần Thị Vui trong giờ dạy Lịch sử.

Phải đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử

Cô Vũ Thị Anh và Đoàn Thị Nguyên, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) đã thông qua phiếu điều tra, phỏng vấn 20 giáo viên giảng dạy Lịch sử tại các trường THPT của tỉnh Hưng Yên.

Những câu trả lời cho thấy học sinh vẫn thích tìm hiểu quá khứ, cội nguồn của dân tộc để biết mình là ai, mình từ đâu đến, với những chặng đường lịch sử anh hùng của cha ông; nhưng đồng thời các em vẫn còn sợ học Lịch sử vì môn học quá nhiều sự kiện, năm tháng.

Từ đó, yêu cầu đặt ra là giáo viên phải làm sao tạo cho học sinh hứng thú học tập, từ đó coi Lịch sử là môn học mình yêu thích và say mê nghiên cứu.

“Dạy học Lịch sử ở trường phổ thông không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, mà qua đó còn giáo dục các em những tư tưởng, tình cảm đúng đắn, giúp các em phát triển toàn diện.

Song, muốn thực hiện chức năng, nhiệm vụ môn học, cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo tinh thần: phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng cho học sinh năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Một trong những giải pháp hiệu quả được hai cô giáo dạy Lịch sử của Trường THPT Ân Thi áp dụng, đó là khai thác, sử dụng tài liệu văn học một cách phù hợp trong những giờ dạy, giúp bài học không khô khan và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.

“Sử dụng tài liệu văn học trong dạy học Lịch sử sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết sinh động, cụ thể về lịch sử dân tộc; giúp các em hiểu được mối quan hệ qua lại giữa văn học với lịch sử; bài giảng lịch sử trở nên hấp dẫn, thuyết phục.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng nguồn tài liệu văn học, giáo viên cũng phải lưu ý bởi tính phong phú, đa dạng của tài liệu. Trong mỗi tiết học, thầy cô nên có sự chọn lọc để đáp ứng mục tiêu bài học và thời gian quy định của chương trình, không “biến giờ Sử thành giờ Văn”” - cô Vũ Thị Anh lưu ý.

Ngoài sử dụng tài liệu văn học, cô Vũ Thị Anh chia sẻ thêm giải pháp đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để thu hút học sinh bằng sử dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề; sử dụng phương pháp trò chơi nhằm tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên

Theo cô Vũ Thị Anh, sử dụng trò chơi trong dạy học Lịch sử giúp học sinh thay đổi hình thức, phương pháp học truyền thống trước đây, làm cho giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, đồng thời phát triển các phẩm chất, kỹ năng.

Giáo viên có thể thiết kế các mini game, như: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, Quay số, Đúng hay sai... Ví dụ, với trò chơi “Đúng hay sai”, giáo viên nêu tên một nhân vật/niên đại và 3 sự kiện cùng với mỗi nhân vật/niên đại đó để học sinh lựa chọn những sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử/niên đại; chỉ cần trả lời đúng hoặc sai…

“Các trò chơi bao giờ cũng được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Giáo viên cần chọn trò chơi phù hợp, xác định được phạm vi, mục đích của trò chơi; tổ chức, biên soạn câu hỏi cho trò chơi phải bám sát “chuẩn kiến thức kĩ năng” của bộ môn. Trò chơi cần động viên, khích lệ học sinh tham gia bằng cách cho điểm hoặc khen ngợi các em có câu trả lời nhanh và đúng nhất” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Cô Vũ Thị Anh và học trò.
Cô Vũ Thị Anh và học trò.

Sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học lịch sử

 “Tại sao học sinh ít hứng thú với môn Lịch sử?”. Trả lời câu hỏi này, cô Trần Thị Vui, giáo viên Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) cho rằng, một trong những nguyên nhân là việc chậm đổi mới phương pháp dạy học.

Để nâng cao hiệu quả từng loại bài học lịch sử, đồng thời tạo hứng thú học tập cho học sinh, hiện nay đã có nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Theo cô Trần Thị Vui, giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, như: Kết hợp các phương pháp hiện đại (dạy học hợp tác, dự án…) với các phương pháp truyền thống (như miêu tả, tường thuật hay kể chuyện lịch sử…) để nâng cao hiệu quả bài học tốt nhất.

Cô Trần Thị Vui cũng cho rằng, mỗi câu chuyện lịch sử sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong các bài học. Bởi qua đó học sinh có thêm hứng thú với bài học, bộ môn, có ham muốn khám phá tri thức lịch sử; đặc biệt giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn.

“Việc thường xuyên sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học lịch sử sẽ góp phần quan trọng hình thành kiến thức, giáo dục và phát triển toàn diện học sinh theo mục tiêu bộ môn Lịch sử hiện nay”. Khẳng định điều này, cô Trần Thị Vui lưu ý, khi sử dụng câu chuyện lịch sử, giáo viên phải biết chắt lọc, kể gọn và sau mỗi câu chuyện phải biết đặt những câu hỏi hoặc gợi ý cho học sinh nêu lên suy nghĩ của mình, từ đó giáo dục tư tưởng cho học sinh.

Thay bằng việc kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu và kể lại câu chuyện; như vậy chính các em sẽ được hóa thân vào nhân vật, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều.

“Nguyên tắc khi kể chuyện trong giờ học lịch sử là không kể tràn lan và phải thông qua câu chuyện để làm nổi bật nội dung bài, giáo dục tư tưởng cho học sinh.

Lúc kể những câu chuyện lịch sử chính là lúc học sinh tập trung chú ý lắng nghe, đó là cơ hội tốt để giáo dục tư tưởng cho học sinh, làm cho các em càng thêm yêu dân tộc mình, biết thêm những điều mà trong sách giáo khoa chưa cung cấp nhưng lại rất cần thiết trong cuộc sống.

Hoặc giáo viên giao nhiệm vụ về nhà học sinh có thể tự chuẩn bị trước và lên thuyết trình. Điều này là áp dụng cách thức tổ chức mới, giúp học sinh có thể chủ động lĩnh hội kiến thức, chắc chắn rằng học sinh sẽ nhớ nội dung của mỗi bài nhiều hơn nhờ những câu chuyện này. Đặc biệt học sinh sẽ biết nhiều hơn về mỗi triều đại, biết nhiều nhân vật lịch sử hơn; từ đó sẽ yêu thích môn Lịch sử hơn” - cô Trần Thị Vui cho hay.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ