Câu chuyện về lòng trung thực

Câu chuyện về lòng trung thực

(GD&TĐ) - Ngày ấy, cách đây đã nhiều năm...

Hôm ấy kiểm tra toán sáu mươi phút. Đề ra gồm có một bài đại ba câu và một bài hình. Tôi ngồi cạnh Nhu.

Thầy giáo đọc đề xong. Cả lớp im phăng phắc. Sau độ năm phút im lặng là những tiếng lạo xạo của những ngòi bút cào trên giấy. Không một tiếng nói. Không một tiếng ho. Không một bước chân đi lại. Nhưng chỉ sau đó mươi phút thì có những tiếng sột soạt và những tiếng lịch kịch trong ngăn bàn. Tôi biết thừa. Bàn ghế hồi ấy là bàn ghế đóng bằng gỗ xoan, gỗ sung, nói chung là gỗ tạp, cho nên có những cái bàn có sẵn những cái lỗ hổng từ trước. Có những cái bàn ngày hôm qua còn lành lặn, ngày hôm sau đã thủng một lỗ, hai lỗ. Những lỗ thủng chỉ to bằng nửa ngón tay và dài vài phân theo chiều ngang của bàn... Đó là những “màn ảnh nhỏ” của các “liền anh”, “liền chị” dốt và lười học.

Còn tôi, tôi không cần phải làm theo kiểu đó. Tôi đàng hoàng, tự tin như một học trò giỏi Toán. Tôi viết chữ đẹp, sáng sủa, sạch sẽ. Tôi nắn nót viết đầu bài kiểm tra. Tôi làm xong phần đại ra giấy nháp. Trước khi viết vào giấy kiểm tra, tôi ngồi thẳng lên, lấy tay che trán ra chiều suy nghĩ và liếc nhanh sang bài làm của Nhu. Tôi thấy tôi đã làm đúng như bài của Nhu. Tôi mừng lắm. Tôi cẩn thận viết phần đại vào bài kiểm tra.

Câu chuyện về lòng trung thực ảnh 1
Hồn nhiên    Ảnh: Vũ Dũng

Đến phần hình, tôi đọc đi đọc lại ba lần mà vẫn không tài nào chứng minh được. Tôi lại ngồi thẳng lên một lần nữa, lấy tay che trán ra chiều suy nghĩ, mắt liếc nhanh sang bài làm của Nhu, lần này thì lâu hơn. Nhưng không ai biết gì cả. Nghe tiếng thầy quát “Cậu kia”, tôi giật bắn người. Nhưng không, thầy đang bắt một “cuộn phim” đang “quay” dở của thằng Hùng ngồi bàn dưới. Trấn tĩnh một lúc, tôi lại “tiếp tục” nhìn trộm bài của Nhu như trước.

Thế là bài kiểm tra của tôi đã làm được tương đối nhanh chóng, lại sạch sẽ, sáng sủa nữa.

Thế rồi, ngày trả bài kiểm tra đã đến.

Trước khi trả bài, thầy giáo nói:

- Hôm nay thầy rất mừng là vì lớp ta đã có thêm một “cây Toán” nữa.

Đây là niềm vui mới của lớp. Để nghị cả lớp ta nhiệt liệt chúc mừng.

Và thầy gọi tên tôi. Tôi đứng lên trước những tràng vỗ tay và đập bàn như sấm của cả lớp.

Mặt tôi đỏ như gấc. Hai tai tôi đỏ tía và dần dần ù đặc. Mắt tôi hoa lên như có nhiều con đom đóm trước mặt. Thầy gọi tôi lên bảng chữa bài kiểm tra. Tôi lảo đảo bước lên. Trời mùa đông mà mồ hôi tôi vã ra như tắm. Viên phấn dài trong tay tôi cứ gãy nát mà tôi vẫn không tài nào viết được thành chữ số. Khó khăn lắm tôi mới làm xong được phần đại mà cũng chẳng xuất sắc gì. Đến phần hình thì tôi đứng ngây ra như phỗng.

Năm phút, rồi mười phút, có khi lâu hơn nữa, hình như có nhiều tiếng xì xào, tôi không nghe thấy gì cả... Hình như thầy sốt ruột quá. Thầy bảo tôi về chỗ.

Bàn ghế hồi ấy là bàn ghế đóng bằng gỗ xoan, gỗ sung, nói chung là gỗ tạp, cho nên có những cái bàn có sẵn những cái lỗ hổng từ trước. Có những cái bàn ngày hôm qua còn lành lặn, ngày hôm sau đã thủng một lỗ, hai lỗ. Những lỗ thủng chỉ to bằng nửa ngón tay và dài vài phân theo chiều ngang của bàn... Đó là những “màn ảnh nhỏ” của các “liền anh”, “liền chị” dốt và lười học.

Hàng trăm con mắt các bạn nam và nữ (nhất là các bạn nữ) đổ dồn vào tôi. Tôi cảm thấy những con mắt ấy như là những mũi kim hay là lửa?

Người tôi nóng ran... Tôi vừa khóc vừa chạy ra ngoài...

Không! Không! Không! Vinh quang này phải thuộc về Nhu! Tôi không xứng đáng với lời khen của thầy, không xứng đáng với Nhu, không xứng đáng với các bạn.

Cuối buổi học, tôi mon men đến phòng thầy giáo Toán. Thấy tôi thập thò ngoài cửa, thầy niềm nở mời tôi vào phòng, rót nước cho tôi uống. Tôi lấy hết dũng khí trong người nói một mạch, sợ không nói ra thì không còn cơ hội nào nữa:

- Thưa thầy! Bài toán kiểm tra vừa rồi, em chỉ làm được phần đại, còn phần hình em nhìn trộm của bạn Nhu. Em có lỗi với thầy, em có lỗi với  bạn Nhu và các bạn. Em xin lỗi thầy, em xin lỗi các bạn. Mong thầy và các bạn tha lỗi cho em... Và tôi khóc nức nở như chưa từng được khóc bao giờ.

Thầy vỗ vai tôi và bảo: “Nín đi em. Không ai tránh khỏi có lúc phạm lỗi. Nhưng dám trung thực nhận lỗi để sửa chữa là một điều đáng khen. Thầy hoan nghênh em đã làm được điều đó...” 

Thế rồi ngày hôm sau, thầy lại biểu dương tôi trước lớp. Ban đầu tôi rất xấu hổ. Nhưng rồi tất cả các bạn đã đến bắt tay tôi, nhìn tôi với những ánh mắt cảm thông và tha thứ. Tôi lại khóc một lần nữa. Nhưng rồi, tự dưng, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ lùng...

Đã nhiều năm trôi qua. Tôi học hết phổ thông, lên đường đi chiến đấu rồi trở về học đại học, làm cán bộ Nhà nước, về hưu làm cán bộ tổ dân phố, có con rồi có cháu... Bao nhiêu năm trời là bấy nhiêu buồn vui, ngọt bùi, cay đắng... Thế nhưng câu chuyện về lòng trung thực thời học trò xưa kia thì cứ in đậm mãi trong tâm trí tôi, không bao giờ phai mờ...

Thái Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ