Câu chuyện về Đệ nhất hùng quan

GD&TĐ - Hải Vân là con đèo hiểm trở ngăn cách Thừa Thiên và Đà Nẵng, từ thời Nguyễn đã được mệnh danh là 'Thiên hạ đệ nhất hùng quan'.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng con đèo này hiểm trở đến mức người dân từng phải chọn đường thủy để đi. Do đó mới có chuyện, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà vua phải ra lệnh cấm thuyền đi biển chở khách ở dưới cửa quan Hải Vân, vì nguyên nhân ghi trong bộ sử “Đại Nam thực lục” rằng: “Những khách qua lại đều đi bằng thuyền, để đường quan lộ cây cỏ mọc rậm”.

Bộ sử này cũng cho biết: Năm Minh Mạng thứ 20 từng có lệnh cấm như vậy, đến năm Tự Đức thứ 7 (1854) thì thôi không cấm nữa.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Tự Đức mô tả về núi Hải Vân và ngọn đèo nổi tiếng như sau:

Núi Hải Vân ở phía Đông Nam huyện Phú Lộc, là chỗ giáp giới phủ Thừa Thiên và Quảng Nam. Nửa đèo về Bắc thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Trước kia ở chỗ bàn thạch có khắc gỗ để ghi. Phía Tây núi là Bà Sơn, phía Bắc là Hải Sơn, ba ngọn liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy giăng đến bờ biển, gần như đứng trong biển.

Đường đi chín khúc vòng vèo mới vượt đèo, hai bên cây lớn um tùm, người leo như vượn leo chim vượt, thật là hiểm trở. Trên núi có năm cái khe, là khe Kỹ, khe Vu, khe Hổ Lang, khe Bé, khe Lớn.

Về phía Bắc, chân núi kề bãi biển, có hang Dơi, có bãi Cháy, tương truyền xưa có sóng thần, thuyền đi qua đây hay bị đắm, dân gian có câu ca rằng: “Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”, là chỉ chỗ này.

Đời Minh Mạng, đặt quan ải đèo Hải Vân và hai quan ải ở núi Hải Vân, xây đá làm bậc để tiện đường đi. Lại cho tên ngọn núi cao nhất ở giữa là “Cao An lĩnh”, bên cạnh có đường đi đến địa giới Quảng Nam, sai lấp lại đặt binh canh giữ.

Hiển Tông Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu), khi tuần du Quảng Nam, khi qua đèo Hải Vân, có ngự đề thơ rằng:

Việt Nam hiểm ải thử sơn điên

Hình thế hỗn như Thục đạo thiên

Đãn kiến vận hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Tạm dịch nghĩa là:

(Núi này ải hiểm đất Việt Nam

Hình thế hệt như đường vào Thục

Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc

Biết đâu người ở mấy tầng mây).

Đời vua Minh Mạng, nhà vua đi tuần phương Nam, cũng có làm thơ đề vịnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngược dòng lịch sử về trước, “Đại Nam thực lục” cho biết, từ năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng sai hoàng tử thứ sáu (sau là chúa Nguyễn Phúc Nguyên) làm trấn thủ dinh Quảng Nam.

“Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng””, sách viết.

Nhưng đường bộ xuyên qua đèo Hải Vân đã được thông suốt từ thời đó, và đến năm 1801, khi chúa Nguyễn Ánh vẫn còn đang đánh nhau với vua Quang Toàn của nhà Tây Sơn, chúa đã sai “Đặt nhà trạm dọc đường quan từ cửa Hải Vân đến sông Gianh, lấy Cai đội đội trưởng cũ vẫn coi phu trạm để chạy trạm”.

Sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, vào năm Gia Long thứ 6 (1807), vua sai Cai cơ Mai Văn Phương quản thủ Hải Vân quan và các cửa biển Chu Mãi, Cảnh Dương, sau đó “cho sửa đường Hải Vân quan ở Quảng Đức, dân phu làm việc đều được cấp lương hằng ngày”.

Sử triều Nguyễn cũng ghi cụ thể việc xa giá vua Minh Mạng từ đi qua đèo Hải Vân khi đi tuần thú Quảng Nam vào tháng 5, năm 1825.

Theo “Thực lục” thì “Ngày Ất Mùi, xa giá từ Kinh sư đi. Ngày Bính Thân, xa giá đến bến Thừa Phước. Có người đàn bà 85 tuổi đón đường lạy mừng, thưởng cho 5 lạng bạc. Ngày Đinh Dậu, xa giá qua núi Hải Vân. Thưởng cho dân ở trên núi mỗi nhà”. Như vậy từ Kinh sư đi qua núi Hải Vân, đoàn của nhà vua đi mất 2 ngày.

Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), triều Nguyễn mới cho xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, cụ thể chính sử cho biết: Phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ Hải Vân quan, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng mạnh thứ nhất thiên hạ); hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau).

Sai Thừa Thiên và Quảng Nam thuê dân làm, vài tháng làm xong. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam.

Tuy nhiên từ giữa năm Tự Đức thứ 9 (1856), quân Pháp, Tây Ban Nha bắt đầu nhòm ngó, có ý đồ tấn công Đà Nẵng, khiến người dân bắt đầu ngại di chuyển qua đèo Hải Vân, dẫn đến lệnh cấm chở thuyền như ở trên đã đề cập.

“Thực lục” cho biết: “Thuyền của người Tây Dương sinh sự ở vùng Trà Sơn, cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam. Lần này cửa biển Đà Nẵng có việc, đã chuẩn cho quan tỉnh Quảng Nam họp tập biền binh tuỳ cơ ngăn đánh rồi. Duy có cửa ải Hải Vân cùng với cửa biển ấy tin tức có quan hệ với nhau, chuẩn phái Phó vệ úy Tiền vệ dinh Long Võ là Lê Nghị đem theo 100 tên cấm binh đến ngay ải Hải Vân hiệp cùng quan quân nguyên phái đi trước để canh phòng”.

Tháng 9 năm ấy, khâm phái trấn dương sự vụ là bọn Đào Trí, Nguyễn Duy xin vua phái thêm 200 lính ở Kinh đến ải Hải Vân canh gác ngăn chặn để phòng lâm thời sách ứng. Vua cho rằng, ải Hải Vân trước đã phái thêm 100 binh Tuyển phong đóng giữ rồi, không cho phái thêm nữa.

Cuối tháng đó, vua Tự Đức lại cho rằng người Tây Dương tính hay tráo trở, chuẩn cho phái thêm lính vệ Tuyển Phong 50 người đi đến đồn Cu Đê, 100 người đi đến ải Hải Vân, hiệp cùng với quân phái trước đóng giữ “để thêm mạnh thanh thế”.

Tiếp đó, sức ép chiến tranh tăng cao khiến vua Tự Đức lại phải phái Vệ úy là Nguyễn Biểu đem 200 lính Vũ lâm và rút hơn 400 lính các vệ Hải Vân quan bổ sung cho chiến trường Đà Nẵng và “lấy 350 lính dinh Kỳ võ giữ Hải Vân quan”.

Sang đến năm 1859, quân Pháp đánh phá pháo đài Định Hải ở Quảng Nam, chiếm giữ đồn Chân Sảng, khiến người dân Quảng Nam chạy loạn về Kinh, đường ải Hải Vân bị nghẽn. Vua sai Thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức Đề đốc quân vụ, đem Phó vệ úy là Nguyễn Hợp, Quản cơ là Phạm Tân mang 300 lính Tuyển phong đi chống đánh.

Một chi tiết trong sử triều Nguyễn cũng cho biết, vua Tự Đức biết các đồn ở ải Hải Vân đất có nhiều khí độc, nên đã sai Phủ thần Thừa Thiên mua thuốc và phái thầy thuốc đi theo quân để điều trị.

Sau cuộc chiến với Pháp, đường qua đèo Hải Vân đã trở nên thông suốt, nên vào năm Tự Đức thứ 31 (1878), sử ghi rằng: “Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị đói, dân phần nhiều dắt nhau qua cửa Hải Vân để kiếm ăn, vua sai quan phủ phát gạo kho ra để chẩn cấp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.