Đây là cơ hội để các bạn trẻ được hiểu hơn về những câu chuyện ẩn giấu đằng sau chiếc mặt nạ giấy bồi quen thuộc mỗi mùa Trung Thu về, cùng sẻ chia về những trăn trở của người Việt trẻ trong hành trình giữ "lửa" cho những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Mặt nạ là đồ chơi cho trẻ em, nhưng không chỉ đơn giản là một món đồ chơi, những chiếc mặt nạ còn mang ý nghĩa biểu tượng của một nền văn hóa nông nghiệp Việt.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường đồ chơi cho thiếu nhi cũng thay đổi rất nhiều. Trên thị trường phần lớn là đồ chơi ngoại nhập, trong khi đó các mặt hàng đồ chơi truyền thống đã từng một thời gắn bó với biết bao thế hệ đang dần vắng bóng.
Tuy vậy đâu đó tại những góc phố nhỏ của Hà Nội, vẫn còn đó những người thợ cặm cụi ngày đêm để làm ra những món đồ chơi cổ truyền độc đáo như mặt nạ giấy, tàu thủy sắt tây, đèn ông sao, đầu lân sư tử... với mong muốn những món đồ chơi dân gian sẽ không bị lấn át bởi đồ chơi ngoại nhập, gìn giữ những nét tinh hoa của ông cha ta.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa |
Đó là hai vợ chồng ông Hòa tại một căn gác nhỏ trên phố Hàng Than. Có thể họ là những người cuối cùng còn gắn bó với những chiếc mặt nạ giấy. Với hơn 30 năm làm nghề, trước đây vừa đi làm nhà nước vừa làm mặt nạ, nay cả hai đã về hưu nên họ lại dành tất cả tâm huyết vào những chiếc mặt nạ giấy. Hai vợ chồng ông làm mặt nạ quanh năm, và vẫn giữ được cách làm truyền thống.
Tuy cùng một khuôn nhưng không chiếc mặt nạ nào giống chiếc nào, chính những nét vẽ nghộ nghĩnh, giản dị đã thổi nên cái hồn cho những chiếc mặt nạ. Ở vào tuổi gần 70, ông Hòa vẫn hồn nhiên tâm sự: "Chừng nào còn sức khỏe thì tôi vẫn còn làm mặt nạ giấy".