Đó là bức tranh vẽ cảnh nhà anh Võ Đức (51 tuổi) và chị Lương Thị Tường Vy (31 tuổi). Cả hai là người khuyết tật.
Tình yêu như tranh vẽ
Năm 2007, trong lần chữa bệnh vật lí trị liệu do các bác sĩ chữa miễn phí tại Hội trường Bảo tàng Quảng Nam, anh Đức và chị Vy gặp nhau. “Buổi đầu mình thấy ảnh hay liếc nhìn mình, buổi sau cũng rứa. Đến buổi cuối cùng, lúc ra về ảnh tự nhiên chạy lại mình đưa một mẩu giấy ghi cho anh biết địa chỉ nhà em với, chả hiểu răng mình cho ngay” - chị Vy kể.
Sớm tinh mơ hôm sau, anh Đức đạp xe gần 30 km từ nhà mình ở Tam Thanh đến nhà chị ở xã Tam Xuân 1 (Núi Thành - Quảng Nam). Anh bị câm, lại điếc nên hỏi đường không được, bèn viết ra một mẩu giấy trong đó có ghi họ tên chị Vy, ú ớ đưa người đi đường xem. Đến 3 giờ chiều mới tìm được nhà. Đứng ngoài ngõ nửa tiếng mới chịu vào. Nói không được, anh chỉ ngồi im, chị cười. Ngày hôm sau anh đạp xe đến, cũng ngồi im và chị cười. Đạp xe mỗi tuần 7 lần như vậy, cho đến một chiều, anh dìu chị từng bước khập khiễng ra quán chè. “Lúc ấy mình run lắm, mình biết nếu nói được ảnh sẽ nói gì. Ảnh nhìn qua mình, nắm lấy cái tay mình, mình để nguyên, như rứa là yêu nhau đấy” – Chị nhớ.
Ba tháng rưỡi sau lần tỏ tình này, cũng tại quán chè này, ngồi bên chị anh đưa chị một mẩu giấy có ghi “trước đó anh đã để ý nhiều cô nhưng chưa thấy cô nào nết na như em”. Chị cười. Anh lại chìa ra mẩu giấy thứ hai ghi “chúng mình cưới nhau nghen”. Chị gật.
Mùa xuân năm 2007, bên bãi biển Tam Thanh gió lộng, nơi anh đã dựng lên một căn nhà cấp bốn nhỏ nhỏ, một đám cưới nhỏ nhỏ được tổ chức. Chú rể hơn cô dâu đến 20 tuổi, dìu cô dâu từng bước khập khiễng ra hôn trường. Bây giờ, căn nhà nhỏ ấy được các họa sĩ tô lên tường màu vôi xanh đỏ, có chồng đang ngồi bên bàn may, có vợ ôm đứa con gái nhỏ và đứa con trai đang nhoẻn miệng cười.
Ngôn ngữ tình yêu
Sinh ra cũng bình thường như bao con người khác, học đến lớp 6, một ngày, chân tay chị Vy bỗng co rút. Bác sĩ bảo chị bị tổn thương tiểu não. Từ đó, chị liệt nửa người bên phải, tay phải run run, chân phải khập khiễng.
Chị kể chuyện của anh Đức cũng đáng buồn. Sau một trận thương hàn hồi học lớp 5, miệng anh bị câm, tai bị điếc, phải nghỉ học. Thấy mình vô dụng, lại là con trai đầu trong gia đình 5 chị em, mười bảy tuổi, anh khăn gói lên Tam Kỳ học nghề may. 6 tháng may được cái áo, mừng chảy nước mắt. Hơn 1 năm là ra nghề. Nghề may không kiếm nhiều thu nhập, anh mày mò thêm nghề điện cơ. Cũng chả học thầy gì; nhà có cái máy bơm, anh tháo ra, lắp lại; mua một cái ổ cắm, anh tháo ra, lắp lại. Ấy thế thành nghề. Với nghề may và nghề điện cơ tự học, anh dành tiền, để đến năm 1999, xây một căn nhà, tính cưới vợ nhưng chưa ai chịu ưng.
Chị kể tới đây, anh lấy tay quờ quạng, miệng ú ớ; chị thông dịch: “ảnh nói may là gặp mình chứ không căn nhà này ảnh phải ở một mình”. Chị tiếp: “Hồi trước mới quen cũng chỉ nhìn nhau mà hiểu nhau thôi, vậy mà sau 10 năm chung sống chừ ảnh đã biết nói ú ớ rồi”. Anh cười, đoạn, lấy tay quờ quạng, ú ớ; chị thông dịch: “ảnh đang giải thích rằng hồi trước không có ai nói chuyện, có mình rồi có người nói chuyện nên nói được”. Tôi thắc mắc chị nói sao anh nghe được; và khi anh lấy tay quờ quạng, miệng ú ớ vậy sao chị hiểu được, chị bảo: “Ảnh nhìn vào miệng mình là biết mình nói gì; ảnh ú ớ quờ quạng ra sao chỉ mình mới hiểu được thôi”.
Anh chị có hai con. Con trai Võ Giăng Bon học lớp 3, năm nào cũng được học sinh giỏi. Con gái nhỏ Võ Đa Đa mới 4 tuổi. Mỗi tháng, anh chị nhận tiền hỗ trợ khuyết tật được hơn 800.000, thêm nghề may và điện cơ của anh Đức cũng trang trải được. Làng bích họa Tam Thanh được khai trương, du khách tới làng nườm nượp, chị bảo sẽ dành dụm dựng một quán nhỏ bán nước giải khát để lấy tiền cho con gái học mẫu giáo.
Dòng sông Trường Giang qua Tam Thanh là dòng sông độc nhất Việt Nam, chảy song song với biển mà không chịu đổ ra biển. Nơi đây, gắn kết biển với sông không phải bởi cửa biển, mà bởi hàng dừa hàng thùy dương yên ả; bởi những bức họa có cảnh em bé nô đùa, chiếc thuyền vươn khơi, đàn cá tung tăng, có ông thần đèn đưa ra những điều ước và có câu chuyện của hai người đang nói với nhau bằng ngôn ngữ của yêu thương.
Ngày 28/6/2016, UBND Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ khánh thành Dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ). Dự án hoàn thành sau hơn 20 ngày khởi động, do hàng chục họa sĩ tình nguyện viên Hàn Quốc thực hiện.
Dự án do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện với sự hỗ trợ của chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN Habitat). Dưới bàn tay của tình nguyện viên Hàn Quốc, 120 bức bích họa về phong cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa dân làng biển và nhân vật hoạt hình vui nhộn được vẽ ở hơn 100 ngôi nhà ở Tam Thanh. Đây là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam.