Tuy nghề này dễ hái ra tiền nhưng cũng rất vất vả, thậm chí là nguy hiểm khi gặp gió bão.
Để tận mục nghề câu bạch tuộc ở đảo ngọc Phú Quốc, chúng tôi được anh Võ Văn Lập (ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) cho lên tàu cùng anh và hai nhân công khác ra khơi câu bạch tuộc.
Ban đầu nghe nói đi câu bạch tuộc, chúng tôi cứ tưởng phải có cần câu, lưỡi câu và mồi nhử. Nhưng lại thấy trên tàu đống vỏ ốc lộn xộn và dây gân ngoằn ngoèo nằm lẫn nhau.
Anh Lập giải thích: “Câu bạch tuộc không dùng cần câu, lưỡi câu… mà dùng số vỏ ốc. Khi đến nơi chỉ cần buông luồng câu xuống biển, không cần để mồi, chờ đến sáng hôm sau ra thăm câu thì tha hồ mà bắt bạch tuộc”.
Thì ra "lưỡi câu” để bẫy bạch tuộc là những vỏ ốc biển to bằng trái cam, mắc vào sợi dây thông qua một sợi dây nhỏ khác có độ dài khoảng 1m. Các “lưỡi câu” có khoảng cách từ 3 - 4m/lưỡi câu. Dụng cụ bẫy bạch tuộc chỉ có thế và theo kinh nghiệm của người câu bạch tuộc khi nhìn vào màu nước, độ sâu cạn, luồng chảy… để thả câu bẫy bạch tuộc.
Theo anh Lập, mỗi vỏ ốc có giá từ 15.000 - 17.000 đồng (tùy theo vỏ ốc mới hay cũ, to nhỏ). Do vậy đầu tư 1 thiên câu phải tiêu tốn khoảng 15 - 18 triệu đồng. Nhưng nặng vốn nhất đối với dân câu bạch tuộc vẫn là tiền đóng tàu, vì một chiếc tàu nhỏ cũng phải mất 300 triệu đồng.
Được biết, tại thị trấn Dương Đông có khoảng 400 hộ dân sinh sống bằng nghề câu bạch tuộc nhưng đa phần là những ngư dân có thu nhập thấp. Để có tiền đóng tàu, sắm ngư cụ, đa số bà con phải đi "vay nóng" bên ngoài. Do đó, những ngư dân sống bằng nghề này rất mong Nhà nước hỗ trợ xem xét cho vay tiền, đóng được tàu lớn, trang bị ngư cụ để đánh bắt xa bờ và an tâm hơn khi gặp gió bão.
Nghề câu bạch tuộc có vất vả nhưng cho thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên thời gian gần đây hiện tượng mất câu xảy ra liên tục, nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, bán ngư cụ để trừ nợ rồi đi đến những địa phương khác tìm kế sinh nhai…