Cấp thiết đưa giáo dục tài chính vào trường phổ thông

GD&TĐ - Theo GS.TS Lê Anh Vinh, đưa giáo dục tài chính vào trường phổ thông là ưu tiên cấp thiết, giúp học sinh hình thành tư duy tài chính đúng đắn.

Học viên chia sẻ về việc lồng ghép giáo dục tài chính và giáo dục xã hội cho học sinh trong các tiết giảng. Ảnh: Báo Đăk Nông.
Học viên chia sẻ về việc lồng ghép giáo dục tài chính và giáo dục xã hội cho học sinh trong các tiết giảng. Ảnh: Báo Đăk Nông.

Ngày 17/4, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông tổ chức tập huấn “Giáo dục tài chính và giáo dục xã hội cho học sinh phổ thông Việt Nam”.

Hơn 100 cán bộ, giáo viên đến từ các bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã tham lớp tập huấn. Theo đó, các học viên được trang bị các nội dung về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục tài chính và giáo dục xã hội trong trường học; tích hợp 2 nội dung này vào chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cán bộ, giáo viên được hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu của Aflatoun và các học liệu đi kèm trong dạy học; phương pháp, kỹ thuật giảng dạy giúp học sinh phát triển kỹ năng tài chính và xã hội. Học viên được thực hành và báo cáo kết quả nhằm nâng cao năng lực chuyên môn.

giaoductaichinh.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại khóa học.

Phát biểu tại lớp tập huấn, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, xây dựng tài liệu và tập huấn giáo dục tài chính và xã hội là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 600 giáo viên cốt cán các cấp tại 6 tỉnh đại diện tại các vùng kinh tế xã hội. Đăk Nông là tỉnh đầu tiên triển khai tập huấn nội dung này.

giaoductaichinhjpg1.jpg
Các đại biểu, giáo viên tham dự lớp học.

GS.TS Lê Anh Vinh thông tin, theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, khoảng 63% người trưởng thành trên thế giới không có kiến thức tài chính cơ bản để quản lý tiền bạc, tài chính cá nhân.

Ở Việt Nam, khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2022 cho thấy, khoảng 30% người trẻ dưới 25 tuổi có hiểu biết về các khái niệm tài chính đơn giản như: ngân sách cá nhân hay tiết kiệm. Đây là con số thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tương lai.

“Thiếu kiến thức tài chính dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trẻ mắc nợ tiêu dùng quá mức, không lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, thậm chí dễ bị rơi vào bẫy tài chính” - GS.TS Lê Anh Vinh nêu thực trạng.

giaoductaichinhjpg4.jpg
Học viên được trang bị các nội dung thiết thực liên quan đến giáo dục tài chính và giáo dục xã hội cho học sinh phổ thông. Ảnh: Báo Đăk Nông.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, những năm gần đây, hiện tượng người Việt Nam bị lừa gạt là vấn nạn đang phải giải quyết, trong đó những người bị rơi vào các bẫy tài chính của các tội phạm cũng không ít, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở các tỉnh xa xôi, vùng biên giới.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy cũng cho thấy, học sinh và sinh viên khi được đào tạo về tài chính từ sớm sẽ có thói quen tiết kiệm, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu cá nhân và hình thành tư duy tài chính đúng đắn.

“Trong bối cảnh phát triển kinh tế số và xã hội hiện đại, việc trang bị kiến thức tài chính cho học sinh phổ thông không còn chỉ là nhu cầu, mà trở thành yêu cầu tất yếu” - GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

giaoductaichinhjpg2.jpg
Lớp học diễn ra thành công.

Giáo dục tài chính không chỉ giúp học sinh quản lý tài chính cá nhân, mà còn góp phần xây dựng xã hội bền vững, giảm thiểu các nguy cơ về tài chính trong cộng đồng. Vì thế, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, việc đưa giáo dục tài chính vào trường học phổ thông ở Việt Nam là ưu tiên cấp thiết.

“Sau đợt tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ xây dựng kế hoạch bài dạy của mình, lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục tài chính một cách thiết thực và phù hợp, góp phần tạo ra thế hệ trẻ nắm vững tài chính thông minh và có trách nhiệm, sẵn sàng đón nhận những cơ hội cũng như thách thức của tương lai”- GS.TS Lê Anh Vinh tin tưởng.

Theo Ban tổ chức, kết thúc lớp học, 50 giáo viên xuất sắc tiếp tục được hỗ trợ xây dựng bài giảng tích hợp giáo dục tài chính và xã hội, với sản phẩm sẽ gửi về Sở GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNICEF.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Để thoát khỏi xiềng xích của chứng nghiện điện thoại di động, đã đến lúc bạn phải bỏ điện thoại xuống và biến mình thành nhân vật chính trong cuộc sống của mình. (Ảnh: ITN).

5 cách cai điện thoại hiệu quả

GD&TĐ - Giải quyết chứng nghiện điện thoại sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Mặc dù rất nhiều người hiểu điều này nhưng thật khó để rời bỏ chúng.