Cấp tập chuẩn bị cho năm học mới

GD&TĐ - Từ tháng 8, giáo viên quay trở lại trường học. Thời điểm này, các nhà trường cũng chính thức các công việc chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025.

Cô trò Trường tiểu học Hạ Hòa, Phú Thọ.
Cô trò Trường tiểu học Hạ Hòa, Phú Thọ.

Cấp tập công việc sau hè

Sau thời gian nghỉ hè, cô Bùi Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình chính thức quay trở lại trường từ 1/8 để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới.

Nhiều công việc triển khai được cô Bùi Thị Thơ chia sẻ như: Chuẩn bị cơ sở vật chất, bàn ghế, thiết bị dạy học, vệ sinh trường lớp; tổ chức tư vấn cho khối lớp 10 lựa chọn môn học, ổn định tổ chức lớp; đăng ký mua sách giáo khoa; phân công chuyên môn cho năm học mới; tổ chức ôn tập và thi lại cho học sinh khối 11, 12; rà soát lại kế hoạch dạy học…

Qua kết quả năm học trước, kết quả thi tốt nghiệp THPT, Ban giám hiệu cùng giáo viên cùng trao đổi, phân tích, chỉ ra các ưu điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm, chuẩn bị tốt cho năm học 2024 -2025.

“Năm học 2024 -2025 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới đối với khối 12. Tôi cũng như các giáo viên khác dành thời gian đọc và nghiên cứu sách giáo khoa; xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy của môn học, thu thập các tài liệu tham khảo. Thông qua việc áp dụng chương trình mới đối với khối 10, 11 rút ra các kinh nghiệm dạy học, cũng như tìm tòi và vận dụng các phương pháp dạy học mới sao cho phù hợp với học sinh khối 12. Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ tiến hành xây dựng một số đề kiểm tra theo dạng thức mới của Bộ đối với lớp 12, chuẩn bị cho các đợt tập huấn của Sở GD&ĐT”, cô Bùi Thị Thơ chia sẻ.

Tại Trường tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ, cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hạnh cho biết, ngay từ khi kết thúc năm học 2023-2024, nhà trường đã tiến hành kiểm kê cơ sở vật chất để làm cơ sở lên kế hoạch bổ sung cho năm học tới.

Dựa trên những nội dung đã kiểm tra, nhà trường tiến hành sửa chữa bổ sung cơ sở vật chất ngay trong hè để khi vào năm học không ảnh hưởng đến việc học tập và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Nhà trường cũng tiến hành tập huấn sách giáo khoa lớp 5 và các nội dung chuyên môn liên quan đối với toàn thể đội ngũ; lên kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên; rà soát, đề xuất với các cấp có thẩm quyền bổ sung đội ngũ còn thiếu; tiến hành tuyển sinh lớp 1, làm thủ tục cho học sinh chuyển đi, chuyển đến theo nhu cầu học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường.

Chia sẻ những công việc giáo viên sẽ triển khai trong tháng 8, cô Trần Thị Bích Hạnh thông tin về việc bồi dưỡng chuyên môn (bồi dưỡng tập trung theo đơn vị trường, tổ chuyên môn và tự bồi dưỡng); điều tra phổ cập giáo dục và xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học, chuẩn bị sách vở, thiết bị dạy học…

Thời gian này, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh học sinh vệ sinh trường lớp; bổ sung cơ sở vật chất; chuẩn bị cho khai giảng và bồi dưỡng, tiến hành kiểm tra những học sinh chưa hoàn thành môn học của năm học trước.

“Về công việc chuyên môn, thầy cô sẽ nghiên cứu lại các văn bản hướng dẫn chuyên môn và tập huấn sách giáo khoa, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục. Các tổ chuyên môn căn cứ kế hoạch giáo dục nhà trường, căn cứ thực tế để xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch bài dạy phù hợp”, cô Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ.

sinh hoat chuyen mon.jpg
Chuẩn bị công tác chuyên môn là một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên trước năm học mới.

Để sẵn sàng cho ngày tựu trường

Tại Thừa Thiên Huế, học sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 sẽ tập trung vào ngày 20/8 để tổ chức biên chế lớp học, làm quen với giáo viên và môi trường học tập mới, dặn dò, phổ biến quy chế nhà trường. Các khối lớp thuộc các cấp học còn lại tập trung vào ngày 26/8. Mầm non bắt đầu đón trẻ đến trường từ ngày 4/9.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân, đã thành truyền thống, từ 1/8 tất cả giáo viên đến trường trả phép; tất cả các công việc chuẩn bị cho năm học mới chính thức bắt đầu, như tập huấn chuyên môn, rà soát điều kiện, biên chế lớp, sinh hoạt chính trị…

Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế hướng dẫn các công việc cụ thể trước ngày tựu trường.

Trong đó có việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đội ngũ; công tác chuẩn bị sách giáo khoa, điều kiện học tập của học sinh; tổng vệ sinh khuôn viên trường, lớp học, sẵn sàng đón học sinh trở lại sau hè.

Cùng với đó, hoàn thành biên chế lớp học các lớp đầu cấp; thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp; phân công giáo viên giữ mối liên hệ thường xuyên với phụ huynh và học sinh để chuẩn bị tâm thế, điều kiện, phương tiện sẵn sàng cho năm học mới; thông báo, hướng dẫn cụ thể đến phụ huynh, học sinh về sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường.

Thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan phát triển giáo dục áp dụng tại nhà trường, địa phương. Nắm rõ và có kế hoạch hỗ trợ học sinh thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh mồ côi, khuyết tật; giải quyết việc tiếp nhận và chuyển trường học sinh theo đúng quy định hiện hành, hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới.

Hoàn thành việc sinh hoạt chính trị đầu năm học; triển khai và tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp bồi dưỡng thường xuyên năm 2024; các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12; tập huấn sử dụng các phần mềm dạy học, các quy tắc vận hành đúng thiết bị dạy học; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mầm non.

Sở GD&ĐT yêu cầu tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn ngay từ đầu năm để nghiên cứu nội dung Chương trình GDPT 2018, thảo luận, trao đổi, thống nhất trong việc tổ chức dạy học sách giáo khoa mới đạt hiệu quả; đánh giá kết quả 4 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới và có giải pháp cụ thể để hoàn thành chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong năm học 2024 - 2025.

Tổ chức họp Hội đồng giáo dục đầu năm học, trong đó, tập trung đánh giá, phân tích nghiêm túc, cụ thể kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và có những phương án phân công chuyên môn hợp lí nhằm nâng cao chất lượng dạy học, các hoạt động giáo dục, chuẩn bị tốt việc thi theo hình thức mới từ năm 2025.

Cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các kế hoạch của nhà trường năm học 2024 - 2025 trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch, các cơ sở giáo dục cần đánh giá kết quả giáo dục năm học 2023-2024, khắc phục tối đa những hạn chế trong công tác quản lý và dạy học, đề ra các mục tiêu (được lượng hoá) và giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm, thời gian hoàn thành cho từng cá nhân, tổ chức.

Xây dựng, rà soát nội quy, quy chế trong nhà trường đảm bảo các quy định, phù hợp với văn hóa và đặc điểm tình hình của địa phương.

Chuẩn bị các điều kiện để triển khai đại trà Học bạ số từ cấp tiểu học đến THPT theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, rà soát chứng thư số của cán bộ quản lý, giáo viên và chứng thư đại diện của đơn vị, phân công đội ngũ và chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị để triển khai Học bạ số…

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế lưu ý: Thực hiện chuyển giao kịp thời sách giáo khoa, máy tính bảng được tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn năm học 2024-2025 theo phân bổ của Sở GD&ĐT và UBND tỉnh. Huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để mua tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa phục vụ học tập cho năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.