Trí tuệ và nhân văn
6 giờ sáng ngày 4/10/1988, cặp song sinh Việt-Đức được chuyển vào phòng mổ của Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) trong sự hồi hộp, lo âu và căng thẳng của cả bệnh viện. Ca mổ kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ, được tường thuật trực tiếp, đã thành công tốt đẹp.
Các bạn Nhật Bản cùng với bác sĩ, nhân viên của bệnh viện theo dõi cuộc mổ đến gần nửa đêm, đã vỡ òa cảm xúc khi mũi kim cuối cùng đóng kín vết mổ. Cứu sống Việt - Đức là thành tích chung của y tế Việt Nam - Nhật Bản và của tình hữu nghị giữa 2 nước.
Hàng chục nghìn con chim giấy đã được trẻ em Nhật Bản xếp và gửi tặng Việt - Đức! Kỷ lục về lòng nhân đạo, thời gian mổ, kỹ thuật mổ… được phổ biến rộng rãi trên thế giới và được sách kỉ lục Guinness ghi nhận năm 1991.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng- nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ, TPHCM nhớ lại: “Trực tiếp chỉ đạo chuyên môn ca mổ là Viện sĩ.TS.BS Dương Quang Trung cùng với GS Ngô Gia Hy. Ông đã điều động 72 người từ các BV, kể cả BV Chợ Rẫy, đủ hết tất cả chuyên khoa cần thiết để giải quyết tất cả tình huống xấu dự liệu có thể xảy ra trong ca mổ, hồi sức và hậu phẫu.
Tầm nhìn bao quát chiến lược của ông đã quyết định cho sự thành công. Phương án mổ cũng đã được thảo luận thấu đáo trong suốt cả tháng. Phần hậu cần đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của kíp mổ, với cả trăm bác sĩ – điều dưỡng, ròng rã ngày đêm gần 3 tháng trời thuộc về BV Từ Dũ. Bấy giờ tình hình kinh tế của những năm vừa đổi mới còn thiếu thốn trăm bề, đây là một cố gắng và thành tích lớn”.
GS.BS Trần Đông A, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, trưởng kíp kiêm phẫu thuật viên chính, nhớ lại: “30 năm đã trôi qua từ khi chúng ta thực hiện ca mổ Việt – Đức, một ca mổ chẳng những khó đối với chúng ta mà còn khó với cả thế giới. Ca mổ lại phải thực hiện trong hoàn cảnh chúng ta đang bị cấm vận ngặt nghèo, thiếu thốn trăm bề. Thế mà, với sự giúp đỡ của nhân dân Nhật Bản thông qua Hội chữ thập Đỏ Nhật mà đại diện là Hoàng thân Konoé và Hội về sự phát triển Việt Đức, chúng ta đã có được các trang thiết bị cần thiết để thực hiện ca mổ.
Sự thành công của ca mổ đã đem lại niềm tự hào, sung sướng cho nhân dân Việt Nam thể hiện qua hàng đoàn người, gồm đủ lứa tuổi nghề nghiệp, đến từ mọi miền đất nước, tự nguyện đến thăm hai cháu và ê-kíp mổ trong những ngày sau mổ. Ca mổ cũng góp phần không ít vào việc tạo thêm thiện cảm của nhân dân thế giới đối với nhân dân ta ở thời điểm chúng ta đang bị cấm vận”.
Hội ngộ sau 30 năm của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong ê kíp ca mổ, niềm vui khi Đức đã có vợ và 2 con khôn lớn |
Sự hồi sinh kỳ diệu
GS.BS Trần Đông A cho biết: “Cháu Việt, dù sống đời thực vật trước khi mổ, lại có hậu môn nhân tạo và lỗ thông tiểu rất gần nhau trên thành bụng mà vẫn sống được 19 năm sau mổ đã là một kỳ tích về y đức và sự chăm sóc của Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Làng Hòa Bình và BV Từ Dũ. Đức (năm nay 37 tuổi) đã có gia đình riêng và có hai con là Phú Sĩ và Anh Đào.
Đó là điều chưa hề có trong lịch sử y khoa thế giới qua 19 ca tương tự đã được công bố. Cuộc sống của Đức và gia đình riêng hiện nay là phần thưởng chung cho tất cả những ai đã tham gia vào ca mổ lịch sử này, kể cả các bạn Nhật Bản và Hội về sự phát triển Việt Đức”.
Nguyễn Đức không thôi cảm kích về người anh của mình: “Em luôn cảm phục vì sự dũng cảm, đức hi sinh cao cả của anh Việt. Dù anh Việt sống đời thực vật nhưng vẫn kiên cường sống, tới khi anh mất năm 2007, gần 20 năm sau ca mổ. Em luôn kính trọng anh, người đã dành cho em phần thân thể của mình. Và luôn tâm niệm phải luôn nỗ lực, phấn đấu xứng đáng với anh Việt và với sự mong đợi của các cha mẹ nuôi”.
Riêng Nguyễn Đức, sau khi ca mổ được thành công, đã nhận được bao bọc của các “cha mẹ” nuôi ở Làng Hòa Bình, được đi học như các bạn, hết cấp hai được theo học nghề CNTT. Tốt nghiệp, Đức về làm công việc văn phòng tại Làng Hòa Bình.
Đức rất tự hào được trở thành nhân viên trong ngành Y, được làm việc và tiếp tục gắn bó với các ba, các má, các anh chị đã cho mình cuộc sống hôm nay.
Ngoài làm việc bình thường như bao người khác, Đức còn tham gia các hoạt động cộng đồng, chia sẻ với các bạn trẻ về nghị lực sống, tham gia các chuyến thực tế giới thiệu cho các du khách Nhật Bản biết được văn hóa và ẩm thực Việt Nam.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM chia sẻ: “Ba mươi năm là một chặng đường đầy gian nan đối với Đức, cũng là gian khổ cho đội ngũ chăm sóc, dạy dỗ cháu và nhất là các bạn Nhật.
Hội Negaukai được GS Bunro Fujimoto thành lập từ năm 1985, đã theo dõi, giúp đỡ cháu cả vật chất lẫn tinh thần, khuyến khích cháu học tập suốt ngần ấy thời gian! Bản thân Đức cũng đã có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện, tu thân...
Giờ cháu đã là một người trưởng thành, sống có trách nhiệm với vợ con và biết đảm đương nhiều việc xã hội, giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ. Cháu quảng giao rộng rãi, nói tiếng Nhật khá trôi chảy”.
Chuyện tình của Nguyễn Đức và hạnh phúc gia đình của anh cũng là một kỳ tích hiếm thấy. Trong dịp đi dự đám cưới người bạn, tình cờ Đức gặp và quen được Thanh Tuyền - người vợ hiện nay.
Lúc đó Đức là bạn của chú rể còn Tuyền là bạn của cô dâu. Đôi bạn quen, tìm hiểu một thời gian rồi yêu nhau và tổ chức đám cưới vào năm 2006. Gia đình nhỏ của Đức đang sống ở quận 10, TPHCM. Hai con của Đức đang học lớp 4 ở quận 1, các cháu khỏe mạnh và đã biết tự lập và giúp đỡ cha mẹ.
“Đặt tên con là Phú Sĩ và Anh Đào, những biểu tượng của đất nước Nhật Bản là em muốn tri ân sự giúp đỡ của các bác sĩ cũng như các tổ chức hữu nghị Nhật Bản đã hỗ trợ em trong suốt thời gian qua”- Đức cho biết.