Cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

GD&TĐ -Nhiều đại biểu cho rằng cần khai thác hiệu quả kho số biển số ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 1, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 4.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 1, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 4.

Đấu giá minh bạch, tăng ngân sách nhà nước

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đa số đại biểu Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm khai thác hiệu quả kho số biển số ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô đã được triển khai từ nhiều năm tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành nghị quyết là xuất phát từ thực tiễn xã hội, nhu cầu chính đáng của người dân. Thực tế, từ năm 1993, Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô nhưng do nhiều lý do trong đó thiếu cơ chế pháp lý nên phải dừng lại. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân có điều kiện, mà còn làm cho việc đấu giá minh bạch, tăng ngân sách nhà nước.

Về phạm vi điều chỉnh của nghị quyết vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến tán thành chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương, có ý kiến đề nghị nên áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm nên áp dụng trên phạm vi toàn quốc và tổ chức đấu giá tập trung theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn công tác quản lý việc cấp đăng ký sau khi đấu giá, khi người trúng đấu giá phải đến địa phương khác đăng ký nếu biển số không cùng địa bàn người trúng đấu giá sinh sống.

Một số đại biểu nêu ví dụ nếu đấu giá toàn quốc đối với biển Hà Nội sẽ không khả thi, vì theo quy định của Bộ Công an, việc quản lý biển số theo địa giới hành chính, như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, có ý kiến cho rằng chỉ nên đấu giá đối với xe ô tô biển trắng (xe cá nhân), có ý kiến đề nghị đấu giá cả xe ô tô biển vàng chữ đen. Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị chỉ nên đấu giá đối với xe biển trắng, chữ đen, nếu mở rộng thí điểm sẽ vướng nhiều quy định của pháp luật, vì thực tế vẫn có xe ô tô biển vàng do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý.

Quy định rõ trong Nghị quyết hay giao địa phương?

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết xây dựng với 2 mức giá: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh): 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20 triệu đồng.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, việc xác định giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào Nghị quyết sẽ khó triển khai trên thực tế.

Theo đại biểu, việc xác định 2 mức giá này là ngang bằng với thuế trước bạ của các địa phương là 20 triệu và 40 triệu đối với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị chỉ quy định một mức giá 40 triệu như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định chi tiết mức giá khởi điểm, mà giao cho Hội đồng nhân dân các địa phương quyết định, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm, quy định về giá khởi điểm cần căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh, thành phố, nên chăng giao các địa phương quyết định sẽ tạo sự chủ động; đồng thời cần nghiên cứu thêm quy định về việc sử dụng ngân sách từ việc đấu giá như thế nào đối với từng cấp (trung ương và địa phương).

Đại biểu lo ngại, nếu đấu giá toàn quốc đối với biển ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ không đảm bảo tính khả thi, bởi hiện Bộ Công an quản lý biển số theo địa giới hành chính, quy định như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Tương tự, đối với bước giá, có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng bước giá là 5 triệu, không nhất thiết áp dụng đấu giá lần lượt theo từng bước giá, mà có thể linh hoạt theo nhu cầu của người đấu giá. Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, kỹ thuật đấu giá là vấn đề chuyên sâu cần được quy định trong pháp luật về đấu giá.

Đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến

Quy định về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô trong dự thảo Nghị quyết cũng được đại biểu quan tâm cho ý kiến. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định: Người được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình, có ý kiến băn khoăn nếu tách rời biển số trúng đấu giá chuyển từ xe này sang xe khác thì sẽ gây hệ lụy phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị biển số xe trúng đấu giá cần gắn với phương tiện, khi phương tiện hết niên hạn sẽ do Nhà nước quản lý biển số.

Chưa đồng tình với quy định tại khoản 3, Điều 1 quy định: “Biển số ô tô là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc thù)”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu quan điểm, khi biển số đã cấp cho người được phép lựa chọn thì đó là tài sản tư, khi đó tất cả quyền, nghĩa vụ không nên hạn chế, phải được quyền tặng, cho, thừa kế, mua bán, tuy nhiên cần quy định rõ chỉ được thực hiện các quyền này trong trường hợp biển đã gắn với xe ô tô.

Thảo luận về các nội dung khác của dự thảo Nghị quyết, đa số đại biểu thống nhất với hình thức đấu giá biển số xe ô tô qua hình thức trực tuyến. Thời gian thí điểm của nghị quyết là 3 năm, nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc linh hoạt thời gian thí điểm nếu tiến hành sửa đổi Luật Giao thông đường bộ và các luật liên quan sẽ tiến hành tổng kết và đưa vào luật.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp có nhiều người trả cùng một mức giá, quy định cụ thể hơn về trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa phổ quát, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính xuyên suốt, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Một số đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu Nghị quyết được thông qua, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.