Cụ thể, việc phối hợp giữa Công ty cổ phần thương mại miền núi với UBND các huyện và UBND các xã chưa chặt chẽ, dẫn đến việc cấp phát hiện vật và tiền mặt không cùng một thời điểm theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh quy định. Vận chuyển, cấp phát hàng hóa chưa đưa đến được trung tâm các thôn, bản, chủ yếu là cấp tại UBND xã.
Việc tổ chức cấp phát, kinh phí cấp phát hiện vật, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Công ty cổ phần thương mại miền núi thực hiện nhưng công ty không tổ chức cấp phát trực tiếp đến từng hộ nghèo mà giao cho trưởng thôn trực tiếp làm là trái quy định, dẫn đến cấp sai đối tượng như ở huyện miền núi Quan Hóa.
Ngoài ra, qua giám sát của Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho thấy việc bình xét hộ nghèo ở một số địa phương còn thiếu khách quan. Một số nơi số khẩu nghèo sau khi ra soát có sự chênh lệch lớn phải xác minh như: Ngọc Lặc, Thạch Thành, Quan Sơn, Lang Chánh…
Do có một số bất cập trong việc cấp phát hiện vật (muối I ốt) cho các hộ nghèo, Ban dân tộc đã có kiến nghị ngành chức năng xem xét thay đổi nội dung hỗ trợ muối I ốt và bột canh I ốt sang hỗ trợ tiền mặt do hiện việc hỗ trợ muối I ốt và bột canh I ốt không còn phù hợp với nhu cầu thực tế đại đa số hộ nghèo.
Các địa phương đề nghị cần thay đổi nội dung hỗ trợ nhưng cơ quan tham mưu và UBND tỉnh Thanh Hóa chậm xem xét, đưa ra giải pháp giải quyết… Bên cạnh đó, việc cấp phát hiện vật (muối I ốt, bột canh I ốt) chỉ thực hiện 1 lần trong năm với số lượng nhiều nên nhiều hộ gia đình đông khẩu không kịp sử dụng, phải chia cho hộ khác, thậm chí có thôn đem ra chia đều cho các hộ trong thôn.
Ngoài ra, việc cấp tiền mặt sau khi đã trừ đi giá trị hiện vật (một số nơi dùng tiền mặt được cấp chuyển sang mua bán phân bón với chi nhánh Công ty cổ phần thương mại miền núi. Việc mua bán không có hợp đồng, sổ ghi chép… làm mất tác dụng, ý nghĩa nhân văn của chính sách…