Cặp đôi chi 2 tỷ đồng để ‘hồi sinh’ chú chó cưng đã chết

Một cặp đôi người Anh đang chờ đợi sự ra đời của hai chú chó được nhân bản từ chú cún cưng đã qua đời của họ.

Cặp đôi chi 2 tỷ đồng để ‘hồi sinh’ chú chó cưng đã chết

Chị Laura, một người chuyên nhận dắt chó đi dạo và anh Richard, quản lý một công ty xây dựng ở Anh đang hồi hộp chờ đợi sự ra đời của hai chú cún được nhân bản từ chú chó cưng đã qua đời của họ.

Dylan, một chú chó giống boxer do cặp đôi này nuôi dưỡng vừa chết vì căn bệnh u não vào tháng 6 vừa rồi. Dylan được chị Laura mang về nuôi kể từ khi còn bé xíu. Chị Laura chia sẻ với tờ Guardian rằng Dylan như là con của chị và chú là cả thế giới đối với chị.

chuyen la blogtamsu

Chú chó Dylan của anh chị Laura và Richard đã qua đời tháng 6 vừa rồi.

Nếu việc nhân bản thành công thì năm nay anh chị sẽ hạnh phúc như được đón tận 5 lễ Giáng sinh cùng một lúc. Dự tính, cặp đôi phải chi khoảng 67 nghìn Bảng Anh (hơn 2 tỷ Đồng) cho việc ‘hồi sinh’ chú cún cưng.

Phòng thí nghiệm của Quỹ Nghiên cứu Công nghệ sinh học Sooam, đơn vị tiên phong trong vấn đề nhân bản thú cưng là nơi đã hỗ trợ Laura và Richard “hồi sinh” Dylan. Laura biết tới Sooam khi xem một bộ phim tài liệu về trường hợp của cô Rebecca Smith – người Anh đầu tiên được Sooam giúp nhân bản chú chó Winnie giống Dachshund của mình ngay khi chú còn sống. Rebecca gọi chú chó mới của mình là “Mini-Winnie”. Sau khi Dylan chết, Laura đã liên lạc với Sooam và chính tay hai anh chị đã lấy mẫu DNA của Dylan để cung cấp cho phòng thí nghiệm.

Richard đã phải trực tiếp bay tới Hàn Quốc hai lần do mẻ DNA đầu tiên không phát triển. Cuối cùng, khi phòng thí nghiệm thông báo hai chú chó cái đã đậu thai với trứng mang DNA của Dylan, hai anh chị đã vỡ òa vì vui mừng. Laura kể lại: “Lúc đó chúng tôi bị sốc và đồng thời vô cùng phấn khích. Hai chân của tôi cứ nhũn cả ra như thạch vậy”. Phòng thí nghiệm cho biết chú chó đầu tiên sẽ ra đời vào ngày 26/12, chú thứ hai sẽ “oe oe” sau đó một ngày.

chuyen la blogtamsu1

Chị Rebecca Smith và hai chú chó dachshund “một cũ một mới” của mình.

Để nhân bản, phòng thí nghiệm đã cấy DNA của chú chó “phiên bản gốc” vào trứng đã được bỏ nhân của một cô chó cái. Trứng này sau đó sẽ được sốc điện để kích hoạt quá trình phát triển tế bào. Rồi nó sẽ được cấy vào tử cung của một cô chó cái khác đảm nhận nhiệm vụ mang thai hộ.

David Kim – một nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm Sooam cho biết việc nhân bản thành công “thế hệ F1” của Dylan chỉ sau 12 ngày chú chó này qua đời là một bước tiến đối với phòng thí nghiệm. Ông hy vọng thành công này sẽ là bước đệm giúp phòng thí nghiệm có thể kéo dài thời gian sau khi một cá thể chết để nhân bản nó. Chủ nhân những thú cưng đã chết được phòng thí nghiệm lưu ý rằng phải quấn xác thú cưng vào trong những chiếc khăn ướt trước khi cho vào tủ lạnh để bảo quản phục vụ cho mục đích nhân bản.

Theo trang web của Sooam, 5 ngày là thời gian tối đa sau khi một cá thể chết để lấy mẫu tế bào. Họ cũng bày tỏ việc nhân bản thú cưng sẽ giúp những người chủ yêu thương chúng tránh khỏi đau khổ vì thương nhớ. Sooam tuyên bố họ có thể nhân bản bất kỳ chú chó nào ở bất kể mọi độ tuổi, kích cỡ hay giống nòi. Cho tới nay, 700 chú chó đã được nhân bản tại đây.

chuyen la blogtamsu2

Anh Richard, chị Laura bên những chú chó cưng của mình.

Tuy nhiên, Hội chống bạo hành động vật hoàng gia Úc lại phản đối việc nhân bản thú cưng. Người phát ngôn của hội lên tiếng cho rằng xét trên khía cạnh đạo đức lẫn sức khỏe , có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan tới việc áp dụng công nghệ nhân bản lên loài vật. Việc nhân bản loài vật đòi hỏi những quy trình gây đau đớn và khổ sở cho loài vật. Xác suất thất bại và tử vong cực kỳ cao. Ngoài ra cũng có nhiều bằng chứng về việc những con vật được nhân bản sau này gặp phải nhiều vấn đề về bệnh tật như có u, ung thư và phát triển các cơ quan bộ phận bất thường.

Theo các nhà khoa học, những con vật được nhân bản không hoàn toàn giống con vật cũ. Dù DNA giống nhau nhưng chúng được phát triển từ trong trứng khác nhau. Chúng được sinh ra vào hai thời điểm khác nhau, trải nghiệm những điều không giống nhau. Vì thế, dù vẻ ngoài đáng yêu, dễ thương như thế nào, chúng vẫn là một cá thể hoàn toàn khác. Có những điều, có những vật chỉ đến một lần trong đời chúng ta mà thôi.

Theo Một thế giới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.