(GD&T Đ) - Chẳng biết từ lúc nào mà bộ cốt “ông ba mươi” sau khi được đun nấu, cô đặc thành cao lại được thiên hạ đồn thổi rằng sẽ “cải tử hoàn sinh”, “biến le le thành đại bàng dũng mãnh chốn phòng the”… Chỉ biết rằng nhiều năm qua, nó luôn là hấp lực vô địch trong tâm thức cư dân Việt. Vì lẽ đó mà những người khá giả bây giờ xem việc thủ sẵn trong nhà mấy cục cao đen bóng được tinh luyện từ cốt hổ phòng khi đau yếu cần tăng cường sức lực là mốt…
Sử dụng cao hổ nhưng có mấy ai tận tường hành trình vào tủ lạnh của những “ông ba mươi” uy dũng? Qua tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của nhiều chuyên gia, lương y hàng đầu Việt Nam, cũng như xâm nhập vào các lò nấu cao, chúng tôi phát hiện từ chốn đại ngàn thâm u về tới phố thị chỉ còn là những miếng cao bé xíu đen xì là chuyến “kinh lí” nhuốm đủ sắc màu li kì, huyền hoặc của chúa tể rừng xanh. Cùng đó là những xảo thuật luyện cao hổ quái dị tiềm ẩn lắm mối nguy mà nếu thiếu hiểu biết, ai đó không chỉ mất khoản tiền khổng lồ mà còn rước thêm bệnh tật với những lát cao mà họ tin được ninh từ cốt hổ.
Muốn luyện cao hổ phải có “hổ hình cốt”…
Qua nhiều “mối” giới thiệu, chúng tôi tiếp cận với một người đàn ông tên Hà, chuyên bán cao hổ dã chiến sống ở vành đai rừng đặc dụng Tà Nung (tỉnh Đăk Nông). Gặp nhau tại thị xã Gia Nghĩa, Hà cho biết 3 năm qua anh ta không còn ninh cốt hổ mà chuyển sang luyện cao các loài động vật thông thường như cao khỉ, cao rắn… Hà bảo: “Bây giờ nhiều tay rao bán cốt hổ tràn lan nhưng toàn cốt đểu, cốt kém chất lượng không hà. Cốt đểu là cốt có nguồn gốc từ gấu, chó becgiê, đôi khi là heo rừng, báo. Gửi tặng chúng tôi tấm hình một bộ hổ cốt với giọng điệu úp úp mở mở “tin thật là thật, tin giả là giả”, Hà kể mánh lừa phổ biến nhất vẫn là màn truyền đến tai người có nhu cầu mua cao hổ có nội dung ông A, ông B hiện đang sở hữu mẻ cốt hổ (được mông má từ cốt hổ hoặc chó becgiê) cần bán. “Khi con mồi tiếp nhận nguồn tin thì mình sẽ đóng giả làm khách hạng sang tình cờ gặp và ngỏ ý mời ‘tôi có quen ông thầy chuyên thẩm định cao hổ, nếu đúng là cốt xịn thì anh em mình cùng chung tiền cưa đôi’. Ông thầy là người của đám con buôn ma mãnh mà phán đúng thì đố có con cá nào thoát!”.
Hổ - động vật quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng |
Không nỡ để chúng tôi trở về tay không, H. mách nước: “Anh chị cần gì phải nhọc sức lên tận đây. Muốn tìm hiểu kỹ thuật nấu cao thì cứ ghé phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở Quận 5, nơi đó tập trung nhiều chuyên gia ninh cao hổ thứ thiệt không đấy, nhiều tay như Bảy Ph., Mười Nh., Luông Đ.… cao tay đến độ liên tục được các đại gia khắp trong Nam ngoài Bắc thỉnh về tư gia nhờ luyện thần dược”. Hà nhiệt tình cho chúng tôi số điện thoại của “chuyên gia” luyện cao Bảy Ph.. Qua a lô, thật may khi biết ông này đang trên đường đến xã Đăk Ha (huyện Đăk Song) dự đám giỗ một người bạn. Hẹn gặp tại một quán nhậu dã chiến cạnh UBND xã Đăk Ha, sau vài tuần rượu, khi tình cảm thấm đượm rồi, Bảy Ph. mới trút những bí mật thuộc dạng thâm cung bí sử của nghề luyện cao hổ cốt: “Ngoài phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông, hồi trước Sài Gòn có mấy lò luyện cao ở các quận huyện ngoại ô như Củ Chi, quận 12, Thủ Đức. Nhưng sau do hổ hiếm nên các lò đã rã đám, dân luyện cao hổ chuyển sang ninh cao thuê cho những ông bà chủ lắm tiền thôi!”.
Các cao nhân từng ít nhiều có kinh nghiệm ninh cốt hổ như H., Bảy Ph.… khẳng định, cốt hổ muốn ninh cao có chất lượng phải thỏa mãn các tiêu chí ngặt nghèo như phải nặng từ 7 kg trở lên, nếu nhỏ hơn thì cho ra thành phẩm kém chất lượng. Ngoài ra, bộ xương ấy không được thiếu chi tiết nào. “Một con hổ trung bình có từ 10 - 12 kg xương và một bộ xương hổ được xem là tốt phải nặng từ 7 kg trở lên. Quý nhất của bộ cốt hổ là xương đầu và xương 4 chân, đặc biệt là 2 chân trước. Trong Lĩnh Nam Bản Thảo - quyển hạ viết về cốt hổ, Hải Thượng Lãn Ông nhận xét, hổ khỏe dữ lắm, chỉ nhờ ống chân trước (hổ lĩnh cốt) vì tuy đã chết mà chân nó vẫn thẳng không ngã, cho nên xương ống chân mạnh gấp 100 lần xương ở các bộ phận khác”.
Lương y Nguyễn Minh Đường (Quận 5), người từng nhiều lần nhận được những lời đề nghị hấp dẫn từ các vị đại gia “sẵn sàng trả thù lao đậm nếu chỉ mối cung ứng xương hoặc cao hổ cốt chính hiệu”, bật mí: “Theo y văn, hổ cốt được coi là loại tốt phải thỏa các tiêu chuẩn, quy cách như còn đầy đủ các loại xương chi tiết không bị vỡ vụn, không lẫn xương các loài thú khác, chắc, khô, trong rỗng, màu vàng ngà”. Còn lương y Nguyễn Đức Nghĩa thì cho biết: “Cốt hổ dù nguyên vẹn, to cỡ nào nhưng nếu có màu đen hoặc màu xanh lam không được dùng bởi đó là dấu hiệu cho thấy hổ chết do trúng độc!”.
Cao hổ cốt thật giả khó lường |
“Đồ độc” nên coi chừng bị lừa…
Về kỹ thuật nấu cao hổ có quá nhiều người bán. Ở đây, chúng tôi xin nói về những tác dụng của cao hổ cốt có đúng như thiên hạ đồn đại, lương y Nguyễn Thái Bình trò chuyện: “Trong Nam Dược Thần Hiệu, danh y Tuệ Tĩnh ghi rõ xương hổ dùng chữa các chứng đau lưng, đau chân, đau nhức khớp xương, chữa bỏng lửa phồng da. Các y văn khác ghi trong xương hổ có vị cay, tính ôn đi vào 2 kinh can và thận, có tác dụng khu phong làm hết đau, mạnh gân cốt, trấn kinh…”.
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (NXB Y học và NXB Thời đại), cố giáo sư - tiến sĩ Đỗ Tất Lợi ghi rõ: “Xương hổ và cao hổ cốt chủ yếu dùng trong những bệnh đau xương, tê thấp, đi lại khó khăn, đau nhức. Còn được dùng trong những bệnh cảm gió, điên cuồng. Có khi dùng làm thuốc bổ nhưng thường hay dùng trong bệnh tê thấp nhức mỏi. Việc xác định giá trị chữa bệnh của cao hổ cốt gặp khó khăn vì ít khi người ta chỉ dùng riêng xương hổ mà thường dùng nó phối hợp với nhiều vị thuốc khác…”.
Từ y văn, dân gian vẫn nghĩ là nếu dùng nó sẽ tạo ra một công lực “tráng dương, mạnh khớp” và chữa... bách bệnh. Thực tế cao hổ cốt có phải như vậy, hợp với thể tạng của tất cả mọi người hay không thì chưa ai dám khẳng định.
Một ông lão 74 tuổi cho biết: Đã là xương bất kỳ loài động vật nào nấu ra cũng đều tốt cả. Ngay như cái chân giò lợn thôi, là động vật ăn cám khi nấu cháo còn đem lại nhiều sữa cho phụ nữ khi sinh nữa là cao hổ - một loại chỉ ăn thức ăn là động vật. Thế nhưng tôi nghĩ nó không tốt như người ta đồn thổi. Ngay như bản thân tôi, tính đến giờ đã ăn tới cả chục lạng cao hổ rồi. Ấy thế mà vẫn đau xương đau khớp như người khác. Nếu cao hổ có tác dụng chữa xương khớp đến mức thâm hậu như vậy tôi đã không mắc thứ bệnh ấy.
Bên cạnh đó, do hổ là động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới nên không dễ có được chính phẩm cao hổ cốt. Khả năng bị mắc lừa là rất cao.
Thị trường TP.HCM hiện ngập tràn cao hổ nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, có đến 99,99% là cao hổ trời ơi được tinh chế từ xương gia súc, gia cầm. Và như một số lương y, nhà khoa học cho biết, các mẻ cao này “thần hiệu” nhờ pha trộn với các loại tân dược kháng viêm, giảm đau cực mạnh được ngành y tế liệt vào dạng cực độc, chỉ bán khi có chỉ định của bác sĩ và bán theo toa, nếu sử dụng bừa bãi sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe nguy kịch như suy thận, gan. Như nhiều lương y khác, lương y Minh trăn trở: “Có không ít bệnh nhân ung thư vì cả tin vào sự thần diệu của mấy mẻ cao hổ tân dược, dùng thấy bớt đau nhức mà bỏ ngang phác đồ điều trị, tự ý bỏ dở việc hóa trị, xạ trị. Họ nào biết tác dụng kia là nhờ tân dược trong mẻ cao và hóa chất khi truyền vào cơ thể. Đến khi hối hận thì mọi chuyện đã quá muộn!”.
Phúc Trinh – Hải Âu