Dù chính phủ Syria cực lực bác bỏ sự liên quan, nhưng rõ ràng đây là cái cơ không thể tốt hơn để Mỹ và phương Tây theo đuổi đến cùng quyết tâm lật đổ ông Syria Bashar al-Assad.
Mỹ lên án cả chính phủ Syria lẫn Nga
Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công hóa học được đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trên Twitter, chỉ đích danh Tổng thống Syria Basharal-Assad, đồng thời cáo buộc nặng nề Nga.
Sở dĩ Nga liên đới, không chỉ vì sự hậu thuẫn lớn cho chính phủ ông Bashar al-Assad trong những năm qua để đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đẩy lùi dần các nhóm phiến quân, mà khi các cáo buộc liên quan đến ông Bashar
al-Assad xuất hiện, trong đó khả năng về vụ tấn công hóa học vừa đưa ra, Nga cũng luôn lên tiếng bác bỏ hoặc quyết liệt bênh vực đương kim Tổng thống Syria.
Trở lại cáo buộc tấn công vũ khí hóa học lần này, theo thông tin từ Reuters dẫn một tuyên bố chung của các cơ quan cứu trợ hoạt động ở các vùng nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy nói rằng 49 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công cuối ngày 7/4 ở thị trấn Douma. Hãng tin Anh này còn cho rằng có cơ sở cho thấy con số thương vong trên thực tế cao hơn nhiều. Tuy nhiên, Reuters cũng cho biết hãng này chưa thể kiểm chứng độc lập các thông tin được cung cấp.
Chưa có một kiểm chứng thực tế về vụ tấn công, cũng như không hề có kết luận nào về thủ phạm đứng đằng sau, nhưng hầu hết các truyền thông phương Tây và Mỹ đều dẫn lời các quan chức chính phủ nước mình, đổ lỗi cho các lực lượng chính phủ Syria. Damascus tất nhiên lên tiếng bác bỏ, còn Nga, đồng minh lớn nhất của Tổng thống al-Assad, coi đó là thông tin không xác thực.
Không quan tâm tới phản bác của chính phủ Syria hay phản ứng của Nga, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đó là một cuộc tấn công “thiếu suy nghĩ”, Nga và Iran “phải chịu trách nhiệm” còn ông Assad “sẽ phải trả giá đắt”.
Cái cớ để Mỹ và đồng minh can thiệp sâu
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, vào rạng sáng 9/4, một căn cứ quân sự của quân chính phủ Syria đã bị trúng tên lửa hành trình, với nghi vấn do Mỹ hoặc đồng minh thực hiện.
Điều này không bất ngờ, bởi chính ông Trump cũng từng ra lệnh tấn công bằng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân Syria năm ngoái, nhằm đáp trả một vụ tấn công bằng khí độc thần kinh ở Tây Bắc Syria với cáo buộc ông Assad thực hiện. Chưa kể một trong các cố vấn hàng đầu của ông Trump về an ninh nội địa hôm 8/4 không loại trừ việc Mỹ mở một cuộc tấn công bằng tên lửa khác vào Syria.
Vào tuần trước, khi cáo buộc về vụ tấn công hóa học mới chưa được đưa ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố chính sách quân sự Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria không có gì thay đổi và quân đội chưa nhận được thời điểm rút quân.
Thông báo này của Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi Tổng thống Trump, trong cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia, đã đồng ý giữ lính Mỹ lại Syria thêm một thời gian nữa để đánh bại hoàn toàn IS, dù rằng vẫn quả quyết rằng trước sau ông luôn muốn sớm rút quân.
Thực tế trong một bài phát biểu vào đầu tháng này tại bang Ohio, ông Trump đã bày tỏ mong muốn rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria. Trong một cuộc họp báo đầu tuần trước với các nhà lãnh đạo các nước vùng Baltic, ông Trump cũng tuyên bố rằng Mỹ đã rất thành công trong cuộc chiến chống lại IS, nhưng “đôi khi đến lúc phải trở về nhà”. Trong khi đó, các cố vấn của tổng thống đã thúc giục ông duy trì ít nhất một lực lượng nhỏ ở Syria để đảm bảo những kẻ khủng bố bị đánh bại và ngăn chặn Iran, đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giành được một chỗ đứng quan trọng tại quốc gia Trung Đông này, cũng như giảm thiểu khả năng về tầm ảnh hưởng bao trùm của Nga đối với Damascus.
Rõ ràng, cáo buộc về vụ tấn công hóa học mới là cái cớ không thể tốt hơn để Mỹ và các đồng minh có thể “đàng hoàng” ở lại Syria, thậm chí là tăng cường các hoạt động quân sự để thực hiện mục đích riêng.