Cao Bằng đặt mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95%

GD&TĐ - Ngày 2/3, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách Nhà nước năm 2023.

Cao Bằng đặt mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95%.
Cao Bằng đặt mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95%.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng: Nguyễn Trung Thảo, Nguyễn Bích Ngọc, Trịnh Trường Huy. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 10 điểm cầu các huyện, Thành phố.

Tại hội nghị, Báo cáo công tác giải ngân vốn đầu tư công nêu rõ, năm 2022, địa phương giải ngân vốn đầu tư công được 2.934 tỷ đồng, bằng 65,4% kế hoạch. Theo Sở Xây dựng Cao Bằng nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư kéo dài, chậm, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng chậm là một rào cản giải ngân vốn đầu tư tại một số dự án trọng điểm.

Một số nhà thầu khi triển khai thi công, huy động nhân lực và máy móc thiết bị không bảo đảm đúng hồ sơ dự thầu; trình độ, năng lực của cán bộ kỹ thuật, công nhân còn hạn chế, thi công công trình không đạt tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch-Đầu tư Cao Bằng cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, các dự án khởi công mới năm 2022, đã được phân bổ kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, tuy nhiên rất nhiều dự án chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đến quý III/2022, đa số các dự án mới hoàn thiện các thủ tục và mới có thể được giao vốn để thực hiện các công việc tiếp theo.

Bên cạnh việc chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc không khảo sát kỹ tại thực địa, năng lực của một số đơn vị tư vấn còn hạn chế nên hồ sơ dự án, chất lượng không cao, phải điều chỉnh nhiều lần mới có thể phê duyệt, hoặc phải điều chỉnh trong quá trình thi công, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Năm 2023, vốn đầu tư công của tỉnh Cao Bằng được giao 4.625 tỷ đồng, địa phương đặt mục tiêu sẽ giải ngân hơn 95% số vốn được giao theo yêu cầu của Chính phủ. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư cần tập trung triển khai phân bố ngay kế hoạch vốn được giao, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan thực hiện công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách Nhà nước và các chương trình mục tiêu quốc gia. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với công tác xây dựng cơ bản, các cấp, ngành, đơn vị, chủ đầu tư tập trung nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, phát huy vai trò của người đứng đầu. Thực hiện tốt và nghiêm túc, minh bạch việc công bố, công khai quy hoạch, tuyên truyền và công khai hồ sơ quy hoạch đến từng phường, xã để mọi người dân biết và thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt.

Quá thực hiện các nhiệm vụ trong dự án đầu tư công, các chủ đầu tư, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ đầu tư, người đứng đầu các đơn vị, địa phương.

Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các chủ đầu tư, đến 31/1/2024, phải giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công, đối với dự án chuyển tiếp từ năm 2022, kéo dài thực hiện sang năm 2023, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...