Đó chính là nhà tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Amazon. Công ty của ông dự định xây dựng các quần thể vệ tinh micro để tạo ra Internet vũ trụ, đồng thời cạnh tranh với mạng StarLink thuộc Công ty SpaceX của Elon Musk. Trong vòng vài năm gần đây, Tập đoàn Amazon dự định đưa 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo quanh Trái đất. Theo dự án Project Kuiper, các vệ tinh này sẽ bay trên độ cao từ 590 đến 630 km trên bề mặt hành tinh chúng ta.
Tất nhiên, việc thực hiện giai đoạn chuẩn bị được giao cho Công ty hàng không vũ trụ Blue Origin cũng của Jeff Bezos. Hiện tại công ty này cạnh tranh gay gắt với SpaceX của Elon Musk. Bezos và nhóm của ông ta đang ở trong quá trình xây dựng tên lửa khổng lồ New Glenn, cạnh tranh với loại tên lửa Falcon Heavy không chỉ trong vấn đề đưa hàng hóa, vật liệu, thiết bị lên quỹ đạo quanh Trái đất, mà cả lên Mặt trăng để xây dựng các căn cứ tương lai.
Có nguồn tin cho rằng, Công ty Blue Origin sẽ xây dựng hệ thống Internet vũ trụ theo hợp đồng với Công ty TeleSat (Canada). Đây là công ty thứ ba trên thế giới dự định cung cấp mạng Internet siêu tốc nhờ các vệ tinh micro.
Amazon không hé lộ thêm chi tiết về Dự án Project Kuiper; tuy nhiên đã xuất hiện tin đồn rằng TeleSat cũng quan tâm đến loại tên lửa New Glenn của Blue Origin và dự định sử dụng tên lửa này để xây dựng hệ thống Internet vũ trụ. Tên lửa sẽ có tải trọng 45 tấn lên quỹ đạo thấp quanh Trái đất (LEO). Đại diện công ty cho biết, sử dụng tên lửa này có thể nhanh chóng đưa hàng chục thiết bị lên quỹ đạo chỉ trong một lần phóng. Điều này dẫn đến chi phí xây dựng cả hệ thống vệ tinh micro giảm rõ rệt.
Vấn đề chưa rõ ràng ở đây là Amazon xây dựng Internet vũ trụ cùng Công ty TeleSat, hay thực hiện việc đó một mình. Dù sao thì hiện đang xuất hiện sự cạnh tranh khá lớn trong vấn đề cung cấp Internet vũ trụ. Chắc chắn đây sẽ là bước đột phá lịch sử trong giai đoạn hình thành mạng 5G.
Đối thủ cạnh tranh nặng ký đối với SpaceX không chỉ là TeleSat, mà còn có cả Công ty OneWeb. Công ty này cũng có những kế hoạch tương tự: Họ dự định xây dựng trên quỹ đạo thấp một cấu trúc thông tin bao gồm hơn 2.000 thiết bị, có thể bảo đảm tốc độ truy cập mạng lên tới 50 Mbit/s.
6 vệ tinh thử nghiệm đầu tiên đã được chế tạo ở Trung tâm Airbus (Toulouse, Pháp) và vừa được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Soyuz. Điều thú vị là, những vệ tinh tiếp sau sẽ lên quỹ đạo bằng tên lửa mới Ariane 6.
Nhiều tháng nay, các kỹ sư của SpaceX đã thử nghiệm hai thiết bị đầu tiên trên quỹ đạo trong khuôn khổ dự án StarLink. Toàn bộ hệ thống bao gồm 7.518 thiết bị và sẽ cung cấp tốc độ Internet ở mức 1Gb/s.
Internet vũ trụ đang có những bước đi lớn. Những điểm đen về thiếu Internet trên bản đồ thế giới đang dần biến mất. Trong tương lai không xa, những cụm vệ tinh cung cấp Internet vũ trụ sẽ được xây dựng trên quỹ đạo Mặt trăng, sao Hỏa và sao Kim.