Cạnh tranh cần lành mạnh

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh những năm gần đây, để thu hút thí sinh, các trường ĐH, CĐ, trường phổ thông ngoài công lập đã quan tâm đến công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh đối với công chúng và người học, tăng năng lực cạnh tranh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều trường còn tăng cường tiếp thị, quảng bá qua việc lập kênh truyền hình, YouTube để tư vấn trực tuyến, livestream, cam kết đầu ra, thực hiện những chính sách đặc biệt về học bổng, học phí, giới thiệu việc làm…

Việc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường là tín hiệu tốt, thể hiện sự năng động, sáng tạo của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích cho người học và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh chung khá tích cực vẫn còn tồn tại những chiêu trò cạnh tranh trong tuyển sinh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị khác hoặc người học.

Vài tháng trước, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng một số trường ĐH ở khu vực phía Nam đã in và phát giấy báo trúng tuyển cho học sinh, nhằm tận thu nguồn tuyển. Trước đó, cũng có hiện tượng một số trường xét tuyển học bạ yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước ngày xét tuyển chung. Nhiều thí sinh phải đứng trước lựa chọn: Xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay là lấy kết quả thi để đăng ký xét tuyển. Chuyện có trường ĐH, để thu hút thí sinh đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí 50% - 100% cho con em của hiệu trưởng trường THPT, con em lãnh đạo sở GD&ĐT ở các tỉnh, thành phố trúng tuyển vào trường, cũng từng râm ran trong giới làm công tác tuyển sinh. Thậm chí có thông tin vài trường còn mạnh tay chi hoa hồng cho ban giám hiệu trên mỗi học sinh lớp 12 đăng ký theo học tại trường!

Gần đây nhất, cộng đồng mạng miền Trung tỏ ra khá bức xúc trước việc một số trường ĐH trong khu vực bị bôi bẩn bởi những thông tin trên một số fanpage. Thoạt nhìn các thông tin này là hình thức tư vấn tuyển sinh về học phí, ngành học nhưng đọc kỹ thì thấy tác giả “tâng” một trường và “hạ” một số trường ở địa phương. Hiện vụ việc chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng nhiều ý kiến khẳng định biết rõ “trường đó là trường nào” và cho rằng đấy là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Nghi án kiểu truyền thông “bôi bẩn” liên quan đến cạnh tranh trong tuyển sinh trước đó cũng đã xảy ra tại một số trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội, khi dấy lên loạt thông tin trên mạng xã hội về sự hà khắc ở trường này, thông tin trường “ma” ở đơn vị khác, hay có việc rải ‘truyền đơn” khu vực gần trường.

Tự chủ tài chính khiến các trường không thể không tính đến nguồn thu, chỉ tiêu tuyển sinh phải đạt được. Bởi nếu tuyển không đủ chỉ tiêu, các trường sẽ khó cân đối tài chính, vì nguồn thu lớn nhất vẫn nằm ở học phí. Thế nên việc đẩy mạnh các biện pháp cạnh tranh nhằm thu hút thí sinh là điều dễ hiểu và cũng là cần thiết đối với các trường, nhất là khối công lập tự chủ tài chính, tư thục. Trong cuộc cạnh tranh này, đơn vị nào mạnh sẽ tiếp tục tiến về phía trước, đơn vị yếu sẽ bị đào thải theo quy luật. 

Tuy nhiên, việc cạnh tranh nhất thiết phải lành mạnh, công khai minh bạch, trong một sân chơi bình đẳng, tạo dựng uy tín cho giáo dục, chứ không phải bằng các chiêu trò. Môi trường học đường là nơi cần chuẩn mực, nêu gương cao. Mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục không chỉ làm tổn hại đến người học và đơn vị khác, mà còn là con đường ngắn nhất để nhà trường tự phá bỏ hình ảnh, thương hiệu của chính mình. Bởi, không ai muốn gửi niềm tin, hi vọng, tương lai của mình cho những cơ sở giáo dục có cách hành xử không đẹp, thậm chí phản giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ