Trời lạnh, anh Thái Viết Hảo (SN 1980, trú xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An) ngồi co ro trên giường, chiếc chăn khoác trên người cứ chuội xuống nhưng anh không thể nào kéo lên được.
Chốc chốc chị Hiền – vợ anh lại chạy vào xua muỗi, kéo chăn đắp lại cho chồng. Anh ngồi đó, mặt ngó ra cửa nhưng chẳng thấy gì. Một bên mắt đã “biến mất”, chỉ con là một màng thịt kéo từ má lên trái. Con mắt bên kia bị teo nhãn cầu, co lại chỉ nhìn thấy một đường ngang. “Bác sỹ bảo mắt này cũng hỏng rồi em ạ” - Anh rầu rĩ.
Từ trụ cột gia đình, anh Hảo trở thành phế nhân khi mất hai mắt, hai bàn tay.
Thỉnh thoảng, anh đưa cái cùi tay cụt đến cổ tay lên, dụi dụi vào mắt để lau khô dòng nước, có khi là dịch mủ chảy ra. Chiếc tay còn lại cũng cụt mất bàn, chỉ huơ lên rồi hạ xuống chứ chẳng thể làm được gì khác. Mấy con ruồi, con muỗi chỉ chực bay vào, đậu lên những vết thương đã bắt đầu kéo da non.
Anh Hảo vốn là phụ xe khách Vinh – Hà Nội. Thu nhập tính theo ngày, cứ mỗi lần lên xe, xuống xe được chủ xe trả 150 nghìn đồng, đủ để chi phí ăn uống của 4 con người.
Chị Hiền đi xuất khẩu lao động nhưng không gặp thời. Sau 3 năm ở xứ người, số tiền kiếm được, trả hết nợ còn dư được một ít, bố mẹ chồng phụ vào xây căn nhà 3 gian để “ra riêng”.
Một ngày giữa tháng 9/2014, chiếc xe anh Hảo phụ có nhận chuyển một chiếc loa cho khách. Tuy nhiên, gọi theo số điện thoại ghi trên tấm giấy dán trước loa thì không có ai nhận quà. Ngày 30/9, anh Hảo tò mò, cắm điện cho loa để nghe thì khối thuốc nổ dấu trong loa phát nổ. Vụ nổ khiến 3 người của nhà xe bị thương.
Anh Hảo không thể tự chăm sóc được bản thân mình.
Bị chấn thương sọ não, anh Hảo hôn mê sâu, nằm viện cả tháng trời mới tính. “Tỉnh dậy, anh hoảng loạn cực độ. Anh không còn tay, không còn mắt nữa. Lúc đó anh ước sao mình không chết đi, sống mà không làm được việc, không nhìn được gì, sống mà như chết thế này thì khổ mình, khổ bố mẹ, vợ con lắm…” - Giọng anh rầu rầu như chực khóc.
Sau nhiều lần cắt da ở đùi để vá các vết bỏng ở mặt, anh Hảo được xuất viện với hai tay cụt đến cổ, hai con mắt mù hẳn và vô số vết thương trên người.
Ngoài việc cầm cố ngôi nhà, chị Hiền phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để chữa trị cho chồng. Anh Hảo xuất viện, được đưa thẳng về nhà bố mẹ đẻ để tá túc.
“Bên này còn có ông bà đỡ đần trong việc chăm sóc, vệ sinh cho anh chứ ở nhà, mình chị chăm cả chồng, cả 2 đứa con không kham nổi. Với lại số nợ đó giờ mình trả không nổi, sớm hay muộn người ta cũng xiết nợ ngôi nhà ấy thôi, có phải của mình nữa đâu mà về” - Chị Hiền rơm rơm nước mắt.
Nhìn đứa con trai vốn khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình bổng chốc tàn phế, đôi mắt ông Thái Viết Thông đỏ hoe. “Người ta nói giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay mà thằng Hảo mất hết cả, sống như răng đây.
Tôi sẵn sàng hiến cho con đôi mắt của mình nhưng các bác sỹ bảo kỹ thuật ở Việt Nam chưa thể ghép được, ở nước ngoài thì may ra… Nhưng họ bảo chi phí cũng lên đến vài tỷ đồng cô ạ”. Ông quay mặt đi, cố nén tiếng thở dài.
Mọi sinh hoạt cá nhân, tù việc nhỏ nhất đều phải nhờ vào vợ.
Vợ chồng anh Hảo sinh được 2 mụn con thì thằng út lại bị sứt môi, hở hàm ếch. Đợt vừa rồi, gia đình mới đưa cháu đi vá được môi ngoài, phải mất 2 đợt phẫu thuật nữa mới có thể khắc phục được khiếm khuyết này. Cũng bởi bị hở hàm ếch nên hơn 18 tháng rồi nhưng bé Vũ Phong cũng chưa nói được, chỉ ư ư được vài tiếng trong cổ.
Bố trở về từ bệnh viện với khuôn mặt biến dạng khiến thằng bé sợ hãi chẳng dám lại gần. Không nhìn được con, không được ôm con, cũng không thể nghe được con nói, anh Hảo tủi phận mình, thương con đến phát khóc.
Được mọi người dỗ dành, dần dần thằng bé cũng “dạn” bố hơn. Chứng kiến thằng bé con chưa đầy 2 tuổi đút chuối cho bố, quả chuối cứ truội khỏi miệng vì bố nó không nhìn thấy ai cũng xót xa.
Mọi sinh hoạt cá nhân của anh Hảo đều phải nhờ cậy vào vợ thành ra chị Hiền chẳng làm được gì, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ chồng chăm sóc vườn rau.
Bố chồng bị mất sức, nghỉ hưu sớm, lại đau ốm quanh năm, anh Hảo lại bị tàn phế, thành ra cuộc sống của 6 con người chỉ trông chờ vào vườn rau và gánh hành xén của mẹ chồng. Khó khăn lại càng chồng chất hơn. Đến nỗi, chị Hiền bảo, chẳng dám nghĩ đến tương lai bởi nhìn đâu cũng thấy mịt mờ.
Anh chỉ ước còn một mắt thôi cũng được, để được nhìn con khôn lớn.
“Vừa rồi công an có đến đưa anh Hảo đi giám định thương tật. Họ bảo người chèn thuốc nổ vào cái loa gửi cho nhà xe đã bị bắt, sớm muộn gì cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Họ bảo, người ta phải chịu trách nhiệm đền bù cho gia đình em, cho anh Hảo nhưng “đòi được vạ thì má đã sưng” rồi. Đền bù thế nào cho hết cả đời được?” - Chị Hiền rầu rĩ.
Đưa bàn tay cụt đến cổ, anh Hảo dụi dụi vào con mắt trái đã teo nhãn cầu, từ hốc mắt ấy, nhiều khi là mủ, rỉ chảy ra. “Anh chỉ ước giá mình còn một con mắt thôi cũng được, để có thể nhìn các con lớn lên.
Nếu anh còn khỏe mạnh, biết đâu giờ đã gom được ít tiền để phẫu thuật cho con, ít nhất nó có thể nói được như những đứa trẻ khác. Nhiều khi anh chỉ muốn được ôm con mà khóc, biết đâu sẽ nhẹ lòng hơn nhưng nó sợ bố, có dám lại gần đâu. Đời anh còn dài, đời con anh cũng mới bắt đầu, biết sống như thế nào đây em?”.
Anh Hảo mất đôi bàn tay, đôi mắt, gia đình mất đi trụ cột kinh tế và lâm vào cảnh khánh kiệt.
Anh hỏi tôi mà như hỏi chính mình. Sống như thế nào đây khi trong anh chỉ là bóng tối bủa vây, khi đôi bàn tay chẳng có lấy một ngón để mà bấu víu vào tia hi vọng dù là nhỏ nhoi nhất?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Thái Viết Hảo – Xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, Nghi Lôc, Nghệ An. ĐT: 0978244034 (chị Hiền – vợ anh Hảo) |