Cảnh nóng, máu me vẫn bị cắt với hệ thống phân loại phim mới

Sau hơn một tuần được thông qua, bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới của Cục Điện ảnh chưa tạo ra nhiều sự thay đổi.

Cảnh nóng, máu me vẫn bị cắt với hệ thống phân loại phim mới

Bộ Văn hóa, Thể Thao Du lịch và Cục Điện ảnh mới thông qua bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới từ hôm 1/1.

Theo đó, các tác phẩm được trình chiếu tại rạp sẽ chia theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 (C18).

Trong nhiều năm trở lại đây, các bộ phim ra rạp tại Việt Nam chỉ bị phân loại theo hai mức độ là phổ biến rộng rãi (G) hoặc cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (NC-16).

Tiêu chí để Cục Điện ảnh đưa ra phân loại lứa tuổi mới cho các tác phẩm điện ảnh bao gồm chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, mức độ cảnh khỏa thân hoặc quan hệ tình dục, mức độ cảnh sử dụng ma túy, chất kích thích...

Canh nong, mau me van bi cat voi he thong phan loai phim moi - Anh 1

Một bảng thông báo về tiêu chí phân loại phim theo lứa tuổi mới được dựng tại cụm rạp CGV. Ảnh: Vũ Đức Lương.

Anh Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD), phát biểu: “Chuyện phân loại chi tiết độ tuổi khán giả khi tới rạp là điều bình thường nhưng hết sức quan trọng đối với các nền điện ảnh trên thế giới.

Tại Việt Nam, tôi thấy hơi lạ khi điều luật phải đến tận năm nay mới được thông qua, ban hành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, muộn còn hơn không”.

“Tôi tin rằng Cục Điện ảnh trước khi đề ra bốn mức độ phân loại mới đã tham khảo rất kỹ việc dán nhãn phim tại nhiều quốc gia khác nhau, đồng thời nghiên cứu sâu nhu cầu, bản sắc văn hóa, giáo dục tại Việt Nam.

Cách phân loại của chúng ta có hơi khác so với nhiều nước, nhưng chuyện đó là hoàn toàn bình thường, và tôi ủng hộ bước đi tuy muộn nhưng quan trọng của Cục Điện ảnh”, anh Phương nói thêm.

Các rạp chiếu phim đã ở tư thế sẵn sàng

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, tại các cụm rạp CGV, ban quản lý đã cho dựng nhiều standee tại sảnh để thông báo về tiêu chí phân loại phim mới tới cho khán giả trong hơn một tuần qua.

Anh Vũ Đức Lương, quản lý chuỗi cụm rạp CGV khu vực phía Bắc, cho biết: “Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Cục Điện ảnh. Cũng giống như trước đây khi mới chỉ có nhãn NC-16, nhân viên sẽ yêu cầu khách hàng xuất trình CMND hoặc thẻ sinh viên khi họ muốn mua vé các bộ phim bị yêu cầu hạn chế phổ biến”.

Tuần 6/1, khán giả đón nhận một số phim mới như Patriots Day, Arrival, Special Female Force, My Annoying Brother… Tuy nhiên, hầu hết nhóm tác phẩm đã được duyệt từ trước ngày 1/1, tức thời điểm Cục Điện ảnh vẫn chỉ áp dụng hai mức phân loại độ tuổi là G và NC-16. Do đó, các cụm rạp hiện chưa gặp mấy khó khăn trong việc kiểm soát khán giả theo quyết định mới.

Canh nong, mau me van bi cat voi he thong phan loai phim moi - Anh 2

Các rạp chiếu phim chưa gặp khó khăn trong việc kiểm soát khán giả theo quy định mới của Cục Điện ảnh. Ảnh: Platinum Cineplex.

Mọi chuyện có thể trở nên phức tạp hơn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, khi khán giả ồ ạt kéo tới rạp và hàng loạt bộ phim mới, của cả Việt Nam lẫn nước ngoài, chính thức khởi chiếu.

Anh Vũ Minh Chiến - giám đốc quản lý chuỗi cụm rạp Platinum Cineplex - nhận định hệ thống phân loại độ tuổi khán giả xem phim mới là động thái đổi mới tích cực đến từ Cục Điện ảnh.

Tuy nhiên, để áp dụng thực hiện nó triệt để là điều không hề đơn giản. Đối với những bộ phim cấm trẻ em dưới 18 hoặc 16 tuổi, nhà rạp có thể bán vé dựa trên chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên. Còn với những phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi, nhân viên rạp chiếu phim rất khó có thể nhận diện.

"Thời gian tới là kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, với số lượng khán giả ra rạp đông đảo. Để thực hiện quy chế mới, chúng tôi sẽ phải tăng cường nhân viên tại quầy bán vé để thông báo về quy định độ tuổi dành cho mỗi tác phẩm, nhân viên soát vé (usher) tại cửa phòng chiếu để kiểm soát khán giả thêm một lần nữa. Nhìn chung, chúng tôi cũng kêu gọi ý thức tự giác từ chính khán giả khi đến rạp” - anh Chiến nói.

Ý kiến nhận được sự đồng tình từ anh Nguyễn Hoàng Phương. Giám đốc trung tâm TPD nói: “Điều luật được ban hành nhưng việc thực thi từ trên xuống dưới là khá phức tạp. Nó liên quan tới nhiều khâu, từ truyền thông cho tới nhận thức của khán giả, từ nhà sản xuất phim cho đến các hệ thống rạp đang hoạt động trên toàn quốc".

Theo anh Phương, Cục Điện ảnh phải kết hợp với báo chí cùng nhiều bên liên quan để tích cực truyền thông về hệ thống phân loại độ tuổi mới. Chính khán giả cũng cần phải tự giác khi mua vé.

Nhiều trường hợp phụ huynh vẫn tặc lưỡi mua vé cho con nhỏ theo dõi các bộ phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Đó là hành động nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm trong việc phát triển tư duy, nhận thức trẻ nhỏ.

"Bản thân các hệ thống rạp cần phải thực hiện chặt chẽ và nghiêm minh khâu bán vé. Khi ra nước ngoài xem phim, dù tại Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore hay Malaysia, nếu muốn theo dõi một tác phẩm bị gắn mác NC-17 hoặc R, tôi luôn phải xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh thư” - anh Phương phát biểu.

“Cấm nhưng vẫn cắt”?

Trước khi một bộ phim có thể tiếp cận khán giả Việt Nam ngoài rạp, nó cần trải qua buổi chiếu kiểm duyệt tại Cục Điện ảnh. Việc phim có cần phải cắt bỏ trường đoạn nào, gắn nhãn ra sao sẽ được thông báo qua Giấy phép Phổ biến phim do Cục Điện ảnh cung cấp.

Sau đó, nhà phát hành có nhiệm vụ gửi bản copy của giấy phép tới các nhà rạp nhận chiếu tác phẩm đó, và các đơn vị rạp sẽ tiếp tục thông báo tới cho khán giả.

Trong quá khứ, một bộ phim tuy đã gắn mác NC-16 tại Việt Nam, nó vẫn có thể bị lược bỏ những trường đoạn bị cho là trái với thuần phong mỹ tục, mà Fifty Shades of Grey - 50 sắc thái là một trường hợp điển hình.

Khi Cục Điện ảnh đưa ra bảng tiêu chí phân loại phim mới, nhiều nhà sản xuất và phát hành đã tỏ ra vui mừng khi họ cho rằng mức C16 và C18 có thể giúp mình không bị áp lực khi mang phim đi duyệt, nhất là với các tác phẩm chứa đựng nhiều cảnh nóng, bạo lực, máu me.

Anh Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc bộ phận Phát hành phim của CGV, chia sẻ: “Nhiều tác phẩm trước đây bị cấm khán giả dưới 16 tuổi, nhưng thực chất chỉ cần cấm khán giả dưới 13.

Cách phân loại mới sẽ giúp ích cho không ít bộ phim, đặc biệt là phim Việt Nam, về mặt doanh thu. Hoặc có những phim trước đây chúng tôi không dám mang về để phổ biến, nhưng nay vì có mức C18 nên có thể mạnh dạn lựa chọn”.

Canh nong, mau me van bi cat voi he thong phan loai phim moi - Anh 3

Hệ thống phân loại độ tuổi mới chưa chắc đã giúp cho các tác phẩm mang nặng tính tình dục cho Fifty Shades Darker - phần hai của 50 sắc thái - có thể ra rạp tại Việt Nam một cách trọn vẹn. Ảnh: Universal.

Tuy nhiên, chuyện khán giả Việt Nam có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm chứa đựng những yếu tố tình dục hoặc bạo lực ngoài rạp chưa chắc đã xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia - khẳng định: “Quy định phân loại phim mới có thể giúp nhiều bộ phim không còn bị cấm chiếu. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có khoảng 30 tác phẩm không qua được vòng kiểm duyệt.

Song, với các trường đoạn, chi tiết, ngôn ngữ… không phù hợp với văn hóa Việt Nam, chúng vẫn cần phải bị cắt bỏ. Nếu số lượng cảnh nóng, cảnh bạo lực trong phim vượt mức quy định cho phép, tác phẩm có thể cần bị cắt trước rồi mới được phân loại”.

Đại diện của nhà phát hành phim Bạch Kim M.V.P., anh Vũ Hải Đăng, tỏ ra khá thực tế khi cho rằng: “Đây là điều mà chúng tôi đã lường trước. Song, hai mức C16 và C18 ít nhất cũng giúp cho các nhà phát hành phim mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn phát hành một số tác phẩm thuộc dạng ‘nặng đô’ của điện ảnh nước ngoài trong tương lai”.

Nhìn chung, bảng tiêu chí phân loại phim mới được thông qua hôm 1/1 chưa lập tức tạo ra sự thay đổi trông thấy, và câu chuyện phim bị cắt khi ra rạp nhiều khả năng sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Anh Nguyễn Hoàng Phương kết luận: “Tôi cho rằng đã phân loại đối tượng xem phim mà vẫn cắt phim là điều bất cập. Nếu đó là vì chính trị hoặc gây ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước, cắt phim là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu vì bạo lực hay tình dục liên quan tới nội dung phim mà vẫn bị cắt, điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm, nhất là với các phim C18. Khán giả chắc chắn sẽ khó lòng có thể hiểu được hết điều mà đội ngũ làm phim muốn truyền đạt”.

Từ 1/1/2017, các bộ phim trình chiếu ngoài rạp tại Việt Nam sẽ được chia theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 (C18).

Mức G, tức phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng sẽ cấm các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, khỏa thân, tình dục, sử dụng ma túy và chất kích thích, gây nghiện, cũng như các cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục.

Các cảnh nhạy cảm sau đó được nới lỏng dần theo lứa tuổi. Với C13, phim bị cấm những hành động bạo lực miêu tả chi tiết, có thời lượng kéo dài; chỉ chấp nhận hình ảnh khỏa thân không trực diện phía trước, phía sau hoặc hình ảnh khỏa thân phần trên phía trước của phụ nữ không liên quan đến tình dục hoặc trong các phim khoa giáo, phim liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe, cách sống của thổ dân, dân tộc thiểu sổ.

Với C16, phim bị cấm các cảnh giết người, gây đau đớn, thương tích, chảy máu thường xuyên, cũng như các hình ảnh khỏa thân và hoạt động tình dục được miêu tả chi tiết, kéo dài.

Cuối cùng, với C18, các tiêu chí phân loại được nới lỏng hơn, chỉ cấm các cảnh phim tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh đến người xem; cấm các hình ảnh khỏa thân toàn phần hoặc cảnh miêu tả chi tiết bộ phận sinh dục cũng như hoạt động tình dục; cảnh miêu tả chi tiết việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.