Cảnh giác với đường cao tốc

GD&TĐ - Có lẽ vì muốn chạy đua với mốc thời gian quy định hoặc đã đăng ký, nhiều dự án cao tốc hiện nay chỉ đúng với cái tên còn nội dung thì sai.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 6/2, khe co giãn trên mố M1 cầu sông Nhơm tại Km 341+182 cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị bong bật tấm thép hình răng lược dài khoảng 2m, khiến nhiều ô tô bị thủng lốp.

Nặng nhất là xe của anh Bùi Quang Đề, quê Thái Bình, bị nổ cả hai lốp nên phải gọi xe cứu hộ, chi phí 20 triệu đồng. Ba xe khác cũng bị sự cố tại vị trí này nhưng chỉ nổ một lốp, các tài xế đã thay bánh xe dự phòng và tiếp tục hành trình. Rất may là tất cả các trường hợp bị nổ lốp xe nói trên đã không gây hậu quả nghiêm trọng.

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km đi qua Thanh Hóa, gồm 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ 60 - 90 km/h, được đưa vào sử dụng vào tháng 9/2023, hiện vẫn còn trong giai đoạn bảo hành của nhà thầu và chưa thu phí.

Lý giải cho sự cố này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, thời gian Tết vừa qua, lưu lượng xe qua lại cao tốc này rất đông, có cả những xe trọng tải nặng khiến bu lông khe co giãn bị hỏng và bung ra.

Không rõ các xe ô tô bị nổ lốp hôm đó (6/2) chạy tốc độ bao nhiêu km/h mà không bị lật xe? Nếu chạy với tốc độ cho phép 90 km/h thì không biết điều gì sẽ xảy ra một khi xe bị nổ lốp bất thình lình như thế.

Vậy là nguyên nhân gây nổ lốp xe đã rõ: Lưu lượng xe qua lại nhiều, nhiều xe trọng tải nặng nên đường cao tốc chịu không nổi! Có lẽ lời giải thích nguyên nhân xe nổ lốp trên đây của cơ quan quản lý không sai, nhưng lại chưa đúng lắm. Chả nhẽ làm dự án cao tốc mà trừ xe cộ qua lại đông và xe trọng tải nặng chạy thì mới đảm bảo chất lượng con đường sao?

Có lẽ vì muốn chạy đua với mốc thời gian quy định hoặc đã đăng ký, nhiều dự án cao tốc hiện nay chỉ đúng với cái tên còn nội dung thì sai. Những ai thường qua lại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì biết rõ điều này. Cao tốc mà nhiều chỗ đường gợn sóng, rất bất an.

Nếu chạy với tốc độ tối đa (120 km/h) thì khi đi qua những chỗ như mấy cái gờ gần cầu bắc qua sông Thu Bồn thì sẽ… rớt luôn xuống sông! Nhiều mố cầu trên cao tốc này có cùng “bệnh” với mố cầu sông Nhơm thuộc cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã nói ở trên.

Chạy cao tốc là để cho nhanh nhưng phải an toàn vì người đi xe ô tô chịu phí rất cao nhưng toàn tuyến cao tốc hàng trăm cây số như tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi không xây lấy một chỗ “dừng chân”. Ai có nhu cầu tiểu tiện hay đại tiện thì cứ tấp vô lề mà tự xử lý thành ra cả tuyến đường toàn giấy vệ sinh trông rất nhếch nhác.

Dù vậy, nếu bạn đỗ tại điểm nào đó mà có camera giám sát thì bạn sẽ bị phạt nặng vì “đỗ không đúng nơi quy định”, trong khi quy định nơi đỗ thì vẫn chưa làm dù đường đã đưa vào sử dụng từ năm 2018 đến nay.

Những lỗi kỹ thuật như các trường hợp dẫn ở trên là khá phổ biến trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, nếu tin vào chất lượng đường cao tốc mà chạy “hết ga” là tai nạn sẽ “thăm hỏi” bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ