(GD&TĐ) - Khi mà các hãng sữa đã và đang rục rịch tăng giá bất chấp nỗ lực quản lí giá của Bộ Y tế và khiến các bà mẹ con nhỏ bức xúc, thì người dân và chuyên gia lại hết sức ngỡ ngàng với điều chỉnh giá xăng tăng mạnh sau lần giảm giá nhẹ tháng trước.
Trong khi người tiêu dùng chưa kịp vui mừng và lạc quan với chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng rất nhẹ (chỉ 0,34%) thì việc những mặt hàng thiết yếu như trên tăng giá đang khiến người dân lo ngại về một đợt tăng giá dây chuyền tới các ngành sản xuất, vận tải… dịp cuối năm.
Tiên phong trong tăng giá sữa vẫn là các hãng sữa lớn nước ngoài. Loại sữa Enfa của Mead Johnson tăng giá 5 - 7%, cụ thể như loại sữa Enfa Grow 3A+ tăng 54.000 đồng từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g. Một hãng sữa có thị phần lớn khác là Abbot cũng dự kiến tăng giá sữa 3% vào cuối tháng 12…
Sữa luôn là mặt hàng nhạy cảm vì là món hàng “không thể không mua” với những gia đình con nhỏ dưới 6 tuổi.
Trong nhiều năm qua, sữa cũng là mặt hàng luôn giữ nhịp tăng cao và liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến gói chi tiêu của hộ gia đình. Bộ Y tế đã có Thông tư 30/TT -BYT về việc quản lí giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi, chính thức có hiệu lực từ 20/11.
Tuy nhiên việc nhiều hãng sữa thoải mái tăng giá dịp cuối năm này cho thấy những văn bản quản lí hành chính vẫn chỉ có ý nghĩa về mặt giấy tờ.
Nếu như tăng giá sữa ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu hộ gia đình có con nhỏ thì ảnh hưởng tới nền kinh tế của tăng giá xăng còn lớn hơn nhiều. Vào ngày 26/11, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối giữ nguyên giá bán các mặt hàng xăng dầu dù doanh nghiệp đang bị lỗ.
Tuy nhiên chỉ hơn nửa tháng sau, vào chiều 18/12, Bộ Tài chính đã cho phép điều chỉnh tăng giá xăng. Giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 584 đồng/ lít đối với xăng RON 92, lên thành 24.214 đồng/ lít; giá dầu diesel và dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng giá.
Mức tăng giá xăng lần này khá cao, gấp hơn 2 lần so với mức giảm giá xăng lần gần đây nhất (ngày 11/11) – giảm 241 đồng/ lít xăng.
Lập luận tăng giá xăng lần này của Bộ Tài chính do là giá xăng dầu thế giới ở mức cao, nguồn Quỹ bình ổn giá không còn nhiều…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế thì việc tăng giá có công khai nhưng vẫn chưa minh bạch. Giá thành đầu vào của xăng dầu là bao nhiêu, quĩ bình ổn vẫn do doanh nghiệp quản lí, giá tăng giảm bao nhiêu vẫn do doanh nghiệp đề xuất…
Điều quan trọng nữa là liệu đã có sự tính toán vĩ mô hệ quả của tăng giá xăng tới nền kinh tế hay chưa. Cuối năm là mùa nhu cầu hàng hóa lớn và đây là giai đoạn doanh nghiệp sản xuất hoạt động tích cực nhất. Nguồn nhiên liệu đầu vào tăng giá sẽ dẫn tới tăng giá thành sản xuất và dẫn tới khó tiêu thụ sản phẩm.
Đối với ngành vận tải hoạt động hết công suất vào mùa Tết cũng không tránh khỏi lo lắng. Một số doanh nghiệp đã tính tới mức tăng giá cước vận tải 10 – 15% để bù đắp chi phí tăng giá xăng. Trong khi đó các doanh nghiệp vận tải cũng vẫn phải tăng giá vé do đặc thù vận chuyển một chiều (khách tập trung đi chiều từ Nam ra Bắc trước Tết và ngược lại sau Tết).
Điều này sẽ dẫn tới tăng giá kép gây khó khăn lớn cho người lao động nghèo về quê ăn Tết.
Sữa tăng giá do không thể kiểm soát, xăng tăng giá do “bất khả thi”… – đó là những dấu hiệu khó lường về đợt tăng giá dây chuyền trong tháng cận Tết.
Ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp kịp thời ngăn chặn việc tăng giá không hợp lí của các ngành hàng khác. Một mặt điều này giúp giảm khó khăn cuộc sống cho người dân, một mặt đưa nền kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2013 đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 6,8%.
Đức Duy