Cảnh giác thủ đoạn cài cắm link quảng cáo cờ bạc, tín dụng đen

GD&TĐ - Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen... hay "khoá SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao là hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến.

Nhiều trang web của cơ quan nhà nước có tên miền gov.vn bị cài cắm nội dung không phù hợp. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều trang web của cơ quan nhà nước có tên miền gov.vn bị cài cắm nội dung không phù hợp. Ảnh chụp màn hình.

Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, lợi dụng tính năng cho phép đăng thông tin của trang web như đăng hỏi đáp, diễn đàn, tải tập tin, các đối tượng xấu đã đưa quảng cáo lên.

Các ứng dụng vay tiền trực tuyến hay các link quảng cáo cờ bạc, cá độ thường được quảng cáo rộng rãi trên các trang web với những tiêu đề thu hút như “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… hoặc nhắn tin qua số điện thoại kèm theo đường link đến ứng dụng…

Người có nhu cầu tham gia chỉ cần ấn (click) vào những trang quảng cáo, tải các ứng dụng về máy tính hoặc điện thoại thông minh, nhập các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng nhận tiền, ảnh chứng minh nhân dân, ảnh cá nhân và đồng ý cho truy cập vào danh bạ cá nhân…

Thực tế, các app vay tiền biến tướng này thường mạo danh hoặc giả mạo là một công ty để gây dựng lòng tin ban đầu đối với nạn nhân, nhắm đến những người nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác/hiểu biết đối với các tấn công lừa đảo qua mạng.

Ngoài ra, khi người dùng đồng ý cấp quyền truy cập danh bạ, hình ảnh thì các ứng dụng này cũng sẽ sao lưu được các thông tin số điện thoại có trong danh bạ cũng như các hình ảnh được lưu trong điện thoại.

Chính vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã có được thông tin để đe dọa, làm phiền nạn nhân và người thân của họ. Các điều khoản, chính sách của các app này cũng chứa các nội dung bất lợi cho nạn nhân, bao gồm thỏa thuận buộc nạn nhân chấp nhận mọi hình thức thu hồi nợ, bất chấp đó là các hình thức đe dọa, khủng bố mạng, bôi nhọ danh dự nạn nhân.

Theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin, nếu cần vay tiền, người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng, hoặc các công ty tài chính hợp pháp.

Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên các trang web và ứng dụng không tin cậy.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, bạn nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Nếu phát hiện bất kỳ ứng dụng, website có dấu hiệu lừa đảo nào, bạn cũng có thể báo cáo với NCSC tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.gov.vn

Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn).

Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng.

Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng.

Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao

Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”.

Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...

Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Để phòng tránh, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng.

Không thực hiện theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Chỉ thực hiện theo các thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Người dân cần biết thêm thông tin chi tiết có thể truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.