(GD&TĐ) - Trong khi tiết trời miền Bắc vẫn đang những ngày giá rét, nhiều em nhỏ vùng cao phải chịu cái lạnh buốt da, buốt thịt… thì ở miền Nam (Đồng Nai) mỗi dịp sau tết Nguyên Đán là cao điểm của mùa nắng nóng. Chiều xuống, gió từ biển thổi lên mát rượi. Cánh diều tuổi thơ cũng no gió bay cao, tiếng sáo diều vi vu…
Tuổi thơ vui với cánh diều
Như một thói quen, những ngày sau tết, chúng tôi rong ruổi ra các bãi đất trống quanh vài ấp của xã Tam Phước cùng các em thả diều. Sau một kỳ học tập căng thẳng, những ngày được nghỉ tết ngắn ngủi vui cùng bố mẹ, ông bà, các em đã có một khoảng thời gian đáng nhớ khi mỗi năm lại được dong diều ra các bãi đất trống để thả. Đó là những bãi đất dự án xây dựng khu vui chơi giải trí của trường Đại học Nguyễn Huệ, trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1… hoặc của một số hộ gia đình chưa làm nhà ở.
Vườn diều của các em cũng đa dạng thể loại, đủ màu sắc, xanh đỏ, tím vàng, hình thù hồng hạc, hình con dơi, cá mập, hổ, năm nay còn có thêm cả hình rồng, rắn... Nhìn những đứa trẻ mặt lấm lem đất bụi, có đứa còn mang cả đồng phục nhà trường trên người, nhưng vì mải vui với chúng bạn nên kệ, miễn là diều của nó no gió bay cao và xa hơn. Trên gương mặt của mỗi bạn thiếu nhi đều ánh lên vẻ rạng ngời, thích thú, những nụ cười thật hồn hậu, thanh thoát, chất chứa bao điều ước mơ, đọng vào kí ức tuổi thơ các em những trò chơi dân gian, vui, bổ ích, thấm đẫm chất văn hóa cổ truyền. Mỗi chiều sau giờ tan học, các em lại nhanh chóng ùa về nhà, cầm diều của mình ra thả cùng chúng bạn, và tối đến, tiếng ê a đánh vần đọc chữ trong các ngõ xóm lại vang lên, xua đi cái mệt mỏi, khó khăn thường ngày của các bậc làm cha làm mẹ trong nhiều hộ gia đình.
Sau Tết, nhiều cửa hàng, chủ tiệm tạp hóa kinh doanh đã không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tốt trong năm, tiếp cận nhanh với thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, nhập được rất nhiều loại diều với các tên gọi rất “kêu” và “hợp gu” với trí tò mò của tuổi thơ. Trên mỗi con diều đều có cái tên rất ấn tượng, gây thích thú cho bọn trẻ như: Thần điêu Long vân; Thần điêu Phụng hiệp; Phong sơn; Xà điêu bách mao; Tiên nữ ba đuôi; Long hiệp khách…
Nâng cánh diều tuổi thơ
Tuổi thơ gắn liền với những kỷ niệm đẹp, ký ức êm đềm, trong đó có trò chơi dân gian là thả diều. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, không phải bất cứ gia đình nào cũng có thể chiều lòng con trẻ để mua cho chúng những con diều cả trăm ngàn bạc, để rồi chỉ chơi vài bữa, thậm chí có đứa chỉ chơi được vài tiếng, diều đứt dây hoặc vướng lên dây điện thì coi như mất toi cả trăm ngàn.
Điều đáng nói là hiện nay sân chơi của lũ trẻ đang dần bị thu hẹp. Nỗi lo “vô tư” của các em không phải là không xin được tiền bố mẹ mua diều mà là sân chơi, các em chỉ sợ những khoảnh đất sót lại này nay mai người ta quy hoạch, rào tường, quây lưới lại làm sân bóng mini, sân tenis cho người lớn để kinh doanh… còn các em thì phải ra đường!? Nếu muốn thả diều cũng không dám mua dây dài vì cứ vướng vào dây điện cao thế là mất. Thằng cún con của một chị công nhân khu công nghiệp Tam Phước hôm nọ vì tiếc con diều mới mua mà đã dám leo lên cột điện rất nguy hiểm. May mà có người lớn đứng nhìn và can ngăn, đuổi nó xuống, không thì…
Cũng giống như nhiều miền quê khác, sân chơi của trẻ em vẫn là vấn đề cần phải được quan tâm nhiều hơn. Mong muốn của chúng tôi cũng như bao bậc phụ huynh là bọn trẻ nơi đây cần có những sân chơi công cộng bổ ích mà không bị ai rào lưới, cản ngăn. Bọn trẻ nơi đây cũng khá thiệt thòi vì cả khu vực này nhà ai có đất rộng đều đầu tư xây dựng sân bóng mini, tenis, cầu lông, chưa ai dám đầu tư xây dựng bể bơi cho lũ trẻ chứ làm gì có đất để chúng thả diều?! Thử hỏi chúng không chơi ngoài đường thì đứng được vào đâu!? Ngoài ra, các cấp chính quyền, quản lý thị trường cũng cần quan tâm đến các loại mặt hàng tưởng chừng như vô bổ, không hại ai, nhưng kỳ thực không ai biết được chất liệu vải làm diều thế nào? Giá cả ra sao? Để đứa trẻ nào cũng có thể vui với thú vui thả diều và nâng cánh ước mơ bay cao bay xa trên con đường tương lai rộng mở của chúng. Đó cũng là hoạt động bổ ích mà mỗi người lớn có lẽ nên giành suy nghĩ, những việc làm và cả những gì tốt đẹp nhất cho con trẻ hôm nay.
Nguyễn Minh Đức