'Cánh cửa' rộng mở cho học sinh sau THCS

GD&TĐ - Bằng giải pháp phân luồng, hướng nghiệp, “cánh cửa” sau THCS thêm rộng mở đối với học sinh. 

Học sinh THCS tỉnh Tiền Giang tham gia chương trình tư vấn, hướng nghiệp năm 2023.
Học sinh THCS tỉnh Tiền Giang tham gia chương trình tư vấn, hướng nghiệp năm 2023.

Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa việc học tập sẽ đóng lại.

Không gián đoạn việc học

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tăng khoảng 1 nghìn học sinh so với năm ngoái. Những trường THPT tốp đầu, điểm chuẩn hầu hết đều tăng. Theo đó, cuộc đua vào lớp 10 năm nay rất gay gắt, so với số lượng đăng ký ban đầu thì có khoảng 2.700 học sinh trượt lớp 10; nếu tính những em không đăng ký tham gia tuyển sinh lớp 10 thì con số này trên 3.500 học sinh.

Không được vào lớp 10 công lập không đồng nghĩa con đường học hành của các em gián đoạn. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đặc biệt là học sinh sau THCS được tỉnh Tiền Giang tập trung vào 4 hướng: Học sinh vào học tại các trường THPT; Phân luồng vào các trường trung cấp nghề; Phân luồng vào trung tâm GDTX kết hợp với học nghề; Tham gia vào thị trường lao động.

Trao đổi về cơ hội học tập của học sinh sau THCS, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: Những học sinh trượt lớp 10 công lập vẫn còn cơ hội nếu các em tham gia học tập ở các trường trung cấp nghề, hệ GDTX, GDNN, trường ngoài công lập. Bởi theo quy định, dù học hệ công lập hay GDTX thì giá trị bằng tốt nghiệp THPT như nhau.

Trong khi hệ GDTX số môn ít hơn, ra trường dễ tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông học lên bậc cao đẳng, đại học. Theo ông Trí, các trường nghề của tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, giảng viên vững chuyên môn nên hệ thống giáo dục này đáp ứng tốt việc học tập cho học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu phân luồng và học tập của học sinh, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, trường nghề tại địa phương được quan tâm đầu tư. Tỉnh Tiền Giang hiện có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm GDNN, GDTX có đào tạo nghề. Các trường có nhiều chỉ tiêu hệ trung cấp như: Trường Trung cấp Gò Công 340 chỉ tiêu; Trường Trung cấp Cai Lậy 260 chỉ tiêu; Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè 200 chỉ tiêu…

Bên cạnh đó, hệ thống các trường đào tạo bậc trung cấp khá đa dạng, Tiền Giang hiện có 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDTX tuyển trên 1.400 chỉ tiêu đào tạo sơ cấp nghề và các lớp nghề ngắn hạn 3 tháng cho năm học 2023 - 2024.

Học sinh tìm hiểu ngành nghề tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Học sinh tìm hiểu ngành nghề tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Chủ động tư vấn, hướng nghiệp

Một trong những giải pháp phát huy hiệu quả trong phân luồng học sinh sau THCS là công tác tư vấn, hướng nghiệp. Để làm tốt công tác này, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường học.

Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, toàn tỉnh có 58/110 trường cấp THCS, 23/40 trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng nhu cầu về chuyên môn. Các trường quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, hàng năm cử giáo viên tham gia tập huấn do sở, ngành tổ chức. Đồng thời lấy ý kiến tham khảo học sinh từ đầu cấp trong việc lựa chọn nghề nghiệp làm cơ sở định hướng cho các em trong suốt cấp học…

Các trường nghề ở Sóc Trăng tổ chức nhiều đợt tư vấn hướng nghiệp, phân luồng đối với các trường THCS trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp tại trường cho phụ huynh và học sinh lớp 9, phát tờ rơi tuyên truyền… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của công tác giáo dục và phân luồng.

Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các trường trung cấp triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS thông qua các buổi tư vấn trực tiếp, các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đến các trường nghề trong và ngoài tỉnh trải nghiệm.

Trao đổi về công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, ông Châu Trần Nhuận Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: Hằng năm, gần kết thúc năm học, trung tâm phân công lực lượng đến các trường THCS để tư vấn. Trong quá trình tư vấn, định hướng một số nghề để học sinh trao đổi trực tiếp, đưa ra lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện gia đình…

Theo ông Liêm, nhờ làm tốt công tác phân luồng, năm học vừa qua, Trung tâm tuyển được 169 học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký học THPT hệ GDTX. Tổng số lớp học của trung tâm là 10 lớp với 368 học viên, tăng 44 em so với năm học trước.

Trong công tác tuyển sinh, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng quan tâm tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS. Nhà trường cử cán bộ, giáo viên phổ biến về công tác phân luồng cho học sinh sau THCS; tư vấn cụ thể, rõ ràng về nghề đang đào tạo tại trường, điều kiện xét tuyển, hồ sơ, thủ tục, thời gian nhập học, chế độ chính sách khi tham gia học nghề, cơ hội việc làm...

Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng tuyển 906 học sinh, sinh viên vào 13 nghề đào tạo, vượt 7% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Tổng số học sinh, sinh viên của trường là trên 2 nghìn, với 106 lớp.

Ông Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, cho biết: Năm học 2023 - 2024, nhà trường tuyển 350 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 850 chỉ tiêu hệ trung cấp, 250 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Trường có 12 ngành nghề chủ yếu là các ngành khối kỹ thuật, thường xuyên liên kết doanh nghiệp để học sinh, sinh viên có thể thực hành ngay từ năm đầu tiên. Khi đăng ký vào học, học sinh đã tốt nghiệp THCS sẽ được miễn phí học nghề, học lên trình độ cao đẳng theo chương trình 9+ với 2 giai đoạn trong thời gian 3,5 năm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ