Phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề sau THCS, THPT: Bước chuẩn bị cần thiết cho học sinh

GD&TĐ - Những năm gần đây, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Nghệ An hiện đang tích cực đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT, tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và từng địa phương; đồng thời còn là bước chuẩn bị cần thiết cho HS trước ngưỡng cửa vào đời để lập thân, lập nghiệp.

Phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề sau THCS, THPT: Bước chuẩn bị cần thiết cho học sinh

Nhu cầu phân luồng sớm cho học sinh bậc phổ thông

Theo chủ trương phân luồng cho học sinh các bậc học của Bộ GD&ĐT đề ra, chỉ tiêu đối với học sinh sau THCS có khoảng 70% tiếp tục học THPT và 30% vào các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, học giáo dục thường xuyên hoặc tham gia lao động. 

Nhưng tại Nghệ An, tỉ lệ học sinh sau THCS học lên THPT những năm qua luôn trên 80%. Mỗi năm toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh sau THCS không vào THPT, nhưng chỉ có khoảng 20% trong số này vào học tại các cơ sở GDTX, dạy nghề, còn lại không theo học bất cứ ngành nghề gì.

Còn ở bậc THPT, mỗi năm có khoảng 18.000 học sinh THPT không đậu ĐH, nhưng chỉ có khoảng 27% trong số này đăng ký vào học các trường CĐ, trung cấp nghề.

Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai “Kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT đến năm 2020” nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, thanh thiếu niên có điều kiện vừa học văn học, vừa học nghề. 

Đồng thời, giúp học sinh và phụ huynh có nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình; giúp sự phân công lao động trong xã hội có tính hiệu quả cao… tránh lãng phí đào tạo, lãng phí về kinh tế và tệ nạn xã hội.

Hiện nay, các trường phổ thông đã tập trung thời gian cho việc phân luồng, hướng nghiệp, tăng cường mối liên kết với các Trung tâm dạy nghề, GDTX, TCCN, cao đẳng nghề thực hiện sớm chương trình tư vấn, tuyển sinh.

Trường THPT Nghi Lộc 5, đang thực hiện thí điểm dạy văn hóa đồng thời liên kết với trường TCCN dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho những học sinh có nhu cầu. 

Thầy Đặng Đình Kỳ - Hiệu trưởng - cho biết: “Trong năm học 2014 - 2015, trường có 196/330 học sinh lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. 

Như vậy, có tới 60% học sinh có nhu cầu học nghề thay vì đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Năm học này, chúng tôi sớm thực hiện cho học sinh đăng ký ôn thi tốt nghiệp và phát phiếu thăm dò học nghề. Kết quả khá bất ngờ khi có 130 em học sinh, trong đó có cả học sinh đang học lớp 10 và 11 đăng ký vừa học văn hóa, vừa học nghề”.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2015, tại Nghệ An số học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp là gần 12.500 em, chiếm 37,26%. 

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều hơn những học sinh chủ động chọn trường nghề làm đích đến tiếp theo sau 12 năm học phổ thông.

Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT với hệ thống trường nghề lớn mạnh, phát triển cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu người học ở tất cả các cấp bậc. 

Với 64 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở công lập và 26 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, bình quân, mỗi năm các trường đào tạo trên 40.000 lao động kỹ thuật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngành nghề đào tạo còn chồng chéo. Nhiều trường mở mã ngành đào tạo giống nhau, chương trình, thiết bị thực tập còn thiếu thốn, và lạc hậu, chưa thu hút được người học. 

Ngược lại, một số nghề đang có nhiều triển vọng phát triển lâu dài, gắn với điều kiện của địa phương như nghề nông nghiệp theo hướng công nghiệp cao lại không có giáo viên, không tuyển được học sinh.

Để thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào các trường nghề thì các trường dạy nghề cần đổi mới về cơ cấu đào tạo, trong đó tập trung đổi mới về ngành nghề, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần phân khúc đào tạo giữa cao đẳng và trung cấp, dạy nghề, tập trung vào chất lượng, không tuyển sinh ồ ạt, không chạy theo số lượng… Mỗi trường, đầu tư vào thế mạnh của mình, đào tạo nâng cao về lĩnh vực đó, để tạo ra đội ngũ lao động kỹ thuật cao.

Ông Đặng Cao Thắng – Phó GĐ Sở LĐ,TB&XH Nghệ An - bày tỏ quan điểm: Để công tác đào tạo nghề phát triển cần có sự phối hợp 4 bên: Người sử dụng lao động, người học, nhà trường và Nhà nước.

Hiện nay, Nhà nước đã cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề. 

Điều này sẽ tạo điều kiện để các trường cao đẳng nghề mạnh dạn áp dụng các chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia phù hợp với nhu cầu việc làm tại địa phương. 

Mỗi trường nghề cần phải nỗ lực chuyển biến trong đào tạo để thu hút học sinh phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức ngày hội việc làm, vừa tạo thêm cơ hội tìm việc cho học viên, vừa mở rộng thêm một “kênh” giới thiệu về trường qua thông tin đánh giá từ phía đơn vị sử dụng lao động.

Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề, bởi dù các em sau THCS hay THPT, muốn đi đâu, làm nghề gì đều cần phải học.                                                                                                                                                                                            Vì vậy, được đào tạo căn bản một nghề, sẽ tạo thuận lợi và tiền đề quan trọng để các em tìm kiếm được công việc phù hợp với mình. Đặc biệt, hiện nay Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho học sinh phân luồng.                                                                                                                                                                             Các em học nghề không có nghĩa là không học văn hóa nữa, mà có thể học song hành và liên thông lên các cấp cao hơn, nếu sau này có điều kiện và nhu cầu.                                                                                                                                                                                   Thầy Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.