Cảnh báo việc dùng điện thoại mùa dịch

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian sử dụng điện thoại thông minh tăng cao.

Cảnh báo việc dùng điện thoại mùa dịch

Nghiên cứu của TS.BS Trần Đức Sĩ, Phòng khám chuyên khoa Y học giấc ngủ - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho thấy, ngoài việc học tập trực tuyến do yêu cầu phòng dịch, các sinh viên dành rất nhiều thời gian để lướt web, xem clip và các hình thức giải trí khác trên mạng. Giờ giấc ngủ bị thay đổi, không hợp lý, đa phần bị trễ hơn thông thường, cá biệt có những trường hợp ngày ngủ đêm thức.

“Dù dành nhiều thời gian để ngủ, nhưng đa số người tham gia nghiên cứu tự đánh giá rằng giấc ngủ của mình rất kém. Đó là hậu quả của stress, căng thẳng cũng như của giờ giấc sinh hoạt bất hợp lý làm cho giấc ngủ bị phân mảnh, giấc ngủ nông, có nhiều đợt vi thức giấc và bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, không hồi phục sức khỏe vào sáng hôm sau” - TS.BS Trần Đức Sĩ chia sẻ.

Theo TS.BS Trần Đức Sĩ, việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đang rất phổ biến tại Việt Nam, hỗ trợ cho việc liên lạc, giải trí, cũng như công việc của người sử dụng.

Tuy nhiên, sử dụng điện thoại thông minh quá thường xuyên có thể dẫn đến những thay đổi về chất lượng giấc ngủ, cũng như gây nên tình trạng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng cho người sử dụng.

Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay, khi mà tần suất sử dụng điện thoại thông minh tăng lên gấp nhiều lần. Trong đó, giới trẻ là đối tượng sử dụng điện thoại thông minh hầu như mọi lúc, đặc biệt là trong thời gian rảnh rỗi.

Các ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức đã và đang thể hiện ngày càng rõ ràng hơn. Đã có những nghiên cứu trong và ngoài nước chứng minh các tác hại nêu trên của việc lạm dụng điện thoại thông minh.

Tương tự, chuyên viên tâm lý Nguyễn Thái Hằng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng ngừa Covid-19, mọi người, đặc biệt là giới trẻ cần sắp xếp cuộc sống, tránh thay đổi nhiều về nhịp điệu sinh hoạt. Ăn, ngủ theo đúng giờ giấc như bình thường trước khi có giãn cách; sử dụng các phương tiện nghe nhìn ở mức độ hợp lý.

Sự suy giảm mức độ hoạt động thể lực trong thời gian giãn cách ngoài việc làm tăng nguy cơ các bệnh lý chuyển hóa còn có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý tâm thần của mọi người. Người dân nên tìm hiểu và thực hành một số hoạt động thể dục tại nhà tránh những tác động xấu đến chất lượng giấc ngủ, sức khỏe tâm thần nói riêng và sức khỏe nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.