Chỉ trong ngày 23/5, tại các tỉnh miền Trung xảy ra 3 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 6 trẻ nhỏ. Trước đó 1 ngày là vụ đuối nước tại Khánh Hòa, cướp đi mạng sống của 4 học sinh tiểu học.
Những cái chết oan uổng của các em là sự thật quá đau lòng giữa mùa nắng khi những con sông ở miền Trung đang trơ đáy. Một nỗi đau mà lẽ ra chúng ta có thể phòng ngừa nếu người lớn không bất cẩn, ngành giáo dục triển khai dạy bơi học bơi một cách nghiêm túc.
Vụ đuối nước tắm tại bãi tắm biển Cửa Việt, huyện Gio Linh ngày 19/3. |
Khoảng 9h sáng ngày 23/5, sau khi dự lễ tổng kết năm học tại Trường trung học cơ sở Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, một nhóm gồm 8 học sinh đã rủ nhau ra sông Gianh, đoạn qua thôn 2, xã Thanh Thạch để tắm. Trong lúc tắm, 3 em học sinh nữ đã không may bị đuối nước.
Nghe tiếng hô hoán, nhiều người dân đã đổ ra sông để cứu, tuy nhiên khi vớt được lên bờ cả 3 em đã tử vong. Chưa hết bàng hoàng, vào khoảng 13h chiều cùng ngày, 2 em Hồ Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 3 và Hồ Thị Kim Yên, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình rủ nhau xuống tắm tại khu vực thượng nguồn sông Gianh. Trong lúc tắm, 2 em này đã bị đuối nước tử vong.
Điểm chung của những trường hợp đau lòng này là các em đều hoàn cảnh khó khăn. Ba mẹ, người thì đi làm ăn xa, người thì lên rẫy, ra đồng kiếm sống. Các em thiếu sự quản lý của người lớn, ít có sự quan tâm đến an toàn của con.
Miền Trung đang trongmùa nắng gắt, vào hè, trẻ em thường rủ nhau tắm sông, tắm suối, nguy cơ mất an toàn. Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người lớn khiến tai nạn đuối nước không ngừng gia tăng.
Hiện trường vụ đuối nước thương tâm làm 5 trẻ em tử vong ở Thừa Thiên - Huế . |
Cha mẹ lại chỉ coi trọng việc mưu sinh, nuôi dưỡng con cái mà ít quan tâm đến sự an toàn của con. Chính bản thân cha mẹ cũng coi thường mức độ nguy hiểm từ các ao hồ nhỏ trong vườn, trong rẫy. Nhiều chủ đầu tư các công trình sau khi múc đất, hút cát để lại hố sâu nguy hiểm nhưng không hoàn thổ, cũng không rào chắn.
Trường hợp cháu Phạm Văn Sĩ, 10 tuổi, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ. Trong lúc rủ nhau ra suối, đoạn qua sâu do khai thác cát dẫn đến cái chết thương tâm. Các ao hồ do thi công biến thành những cái bẫy đối với các cháu nhỏ.
Khi xảy ra tai nạn không ai chịu trách nhiệm. Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chủ đầu tư các dự án, các nhà thầu, đơn vị khai thác khoáng sản cần ý thức hơn trong việc rào chắn, hoàn thổ những ao hồ nhân tạo như vậy.
“Việc khai thác cát trên các sông suối chủ yếu là khai thác trộm, khai thác lậu thôi. Xã tăng cường xử lý chứ các đối tượng đó họ làm họ không có trách nhiệm. Họ cứ tranh thủ lấy được cái nào là họ lấy thôi. Khuyến cáo bà con cẩn thận trong mùa hè đối với các cháu”, ông Bùi Cao Pháp nói.
Để tránh những cái chết thương tâm, trước hết, người lớn, các bậc phụ huynh cần tăng cường quản lý con em mình trong những ngày nghỉ hè. Về phía chính quyền địa phương, nhiều vùng nông thôn đã rào chắn những ao hồ thường xảy ra tai nạn đuối nước, cắm biển cảnh báo những nơi có vùng nước xoáy.
Tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, địa phương đã lắp đặt camera tại vùng nước xoáy dưới chân cầu Thanh Thạch nhằm kịp thời phát hiện những trẻ em tắm sông, cử lực lượng ra ngăn chặn.
Theo ông Đinh Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, việc lắp đặt camera đã cảnh báo ngăn chặn rất nhiều trẻ em ra tắm sông mà không có người lớn đi cùng.
Sông dài thì làm sao lắp hết được chỉ đặt một chỗ thôi. Hiệu quả là ngăn chặn được nhiều đứa ra tắm. Từ việc này chúng tôi sẽ nghiêm cứu lắp thêm và có biện pháp tuyên truyền để ngăn chặn.
Tuy nhiên, sông thì dài, trẻ em thì đông mà tiền thì ít nên việc lắp đặt camera cũng khó mà ngăn chặn được hết tình trạng trẻ em tắm sông, tắm suối. Mà thực tế là trưa ngày 23/5, tại địa phương này xảy ra vụ đuối nước đau lòng.
Vì vậy, ông Đinh Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch cho rằng, Nhà trường cần chú trọng tới việc dạy kỹ năng cho trẻ, trong đó kỹ năng bơi lội phải được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, hiện nay, việc dạy bơi trong trường học là chuyện mạnh ai nấy làm. Không phải trường nào cũng có thể dạy bơi cho học sinh bởi điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Ngay tại thành phố lớn như Đà Nẵng, không phải trường nào cũng dạy bơi cho học sinh, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đến các hồ bơi dịch vụ cho con em mình học bơi.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức trong nước và nước ngoài hỗ trợ công tác dạy bơi, phòng, tránh đuối nước và cứu đuối cho học sinh. Đến nay, thành phố Đà Nẵng có hàng chục ngàn học sinh tiểu học được học bơi tại 50 hồ bơi công cộng.
Tại nhiều địa phương cũng xuất hiện những mô hình xã hội hóa công tác dạy bơi. Mới đây, anh Phạm Bá Trường hiện sống và làm việc ở tỉnh Cà Mau đã đầu tư lắp đặt 20 hồ bơi theo hình thức xã hội hóa tại một số tỉnh. Tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, anh đầu tư lắp ráp 3 hồ bơi.
Các học sinh hoàn cảnh khó khăn, nghèo và con em làng phong Quy Hòa được anh tặng đồ bơi, dạy bơi miễn phí. Đến nay, các lớp dạy bơi này có gần 250 học viên, phần lớn là học sinh trong trường và con em làng phong Quy Hòa.
Hiện anh Phạm Bá Trường đang đầu tư khoảng 700 triệu đồng lắp ráp hồ bơi đạt chuẩn thi đấu ở Trường THCS Lê Hồng Phong. Anh Trường tâm sự, là giáo viên dạy giáo dục thể chất với hơn 15 năm dạy bơi, anh mong muốn các em học sinh đều biết bơi để hạn chế tai nạn đuối nước.
“Theo như tôi biết có nhiều trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra. Bản thân tôi giáo viên bơi lội, cũng chứng kiến nhiều cho nên mới đem mô hình này dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo. Mô hình nhân tạo này rất an toàn”, anh Phạm Bá Trường cho hay.
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước tại tỉnh Quảng Trị, Chương trình phát triển vùng Hải Lăng thuộc Tổ chức tầm nhìn Thế giới đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ nơi vùng rốn lũ. Hồ bơi là những khúc sông cạn, đoạn mương thủy lợi được ngăn lại đảm bảo an toàn trong quá trình dạy.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng sinh tồn dưới nước, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị lũ lụt. Chương trình phát triển vùng Hải Lăng còn kết hợp truyền thông phòng chống tai nạn thương tích và tổ chức các sân chơi lý thú cho học sinh trong dịp hè nhằm tạo cho các em một sân chơi an toàn và lành mạnh.
Theo huấn luyện viên bơi Văn Đức Quang, các dòng kênh thủy lợi, các đoạn sông cạn được ngăn lại thành các hồ bơi dã chiến, bảo đảm an toàn để dạy cho các em.
“Các em học bơi đây chủ yếu sẽ học kỹ năng tự cứu sống mình trước. Thầy sẽ dạy các em về các kiểu bơi cơ bản như kiểu bơi trườn sấp. Sau đó, trong quá trình dạy sẽ có hỗ trợ thêm cho các em cách tiếp xúc nước như thế nào, lên xuống nước và các kỹ năng như tự cứu đuối mình hay trường hợp người khác bị đuối nước cần phải xử lý như thế nào”, anh Quang nói.
Những cái chết do đuối nước diễn ra hàng ngày. Các cơ quan truyền thông đại chúng nhiều lần cảnh báo nhưng cứ đến hè lại tái diễn những trường hợp đuối nước thương tâm. Để hạn chế những cái chết được báo trước rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.