Cảnh báo thủ đoạn dùng tài khoản facebook lừa lấy mã OTP

Tối 24/12, một người dân tại huyện Krông Pa (Gia Lai) đã bị một đối tượng dùng tài khoản facebook lừa mất 8 triệu đồng qua hình thức nhập mã OTP chuyển tiền giao dịch mua hàng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tài khoản facebook có tên Van Anh Nguyen Thi đã lừa nhiều người nhẹ dạ, cả tin trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Nạn nhân N.T.T.H. (khối phố 5, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết: Tối 24/12, một tài khoản facebook tên Van Anh Nguyen Thi (Annashop) đặt hàng 2kg bò một nắng và 3 kg bò khô với tổng số tiền 3,2 triệu đồng.

Qua trao đổi, chị và đối tượng này đã thống nhất thanh toán tiền hàng bằng hình thức chuyển khoản, vì đối tượng này nói với chị H. rằng đang ở nước ngoài, muốn mua hàng tặng người thân ở tỉnh Kon Tum.

Do đối tượng Van Anh Nguyen Thi nói rằng đang ở nước ngoài, cần thông tin tài khoản của chị H. để đổi từ tiền nước ngoài sang tiền Việt Nam, chị H. đã cung cấp cho đối tượng này mật khẩu đăng nhập để truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình và cả mã OTP để hoàn thành giao dịch.

Sau đó, tài khoản của chị H. báo đã bị trừ 8 triệu đồng. Thấy chị H. dễ bị lừa, đối tượng này tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển mã OTP lần 2 với lý do mã OTP lần 1 bị lỗi nhưng chị H. sinh nghi, nên có cãi cự với đối tượng này. Sau đó, chị H. liên lạc lại thì chủ tài khoản này đã chặn liên lạc với chị H.

Tài khoản facebook đã lừa đảo được nhiều người nhẹ dạ, cả tin trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Chị H. đã đăng tải nội dung này lên mạng xã hội để cảnh báo người thân và thấy có nhiều bạn bè của mình cũng đã từng bị chính tài khoản facebook mang tên Van Anh Nguyen Thi (Annashop) lừa với các hình thức mua hàng, chuyển tiền tương tự.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công an huyện Krông Pa khuyến cáo: Hiện nay, các đối tượng lừa đảo thực hiện nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội, với nhiều hoạt động tinh vi nhắm vào người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số kém hiểu biết trên địa bàn.

Do đó, người dân cần cẩn trọng khi giao dịch qua mạng. Nếu có đối tượng nào yêu cầu gửi mật khẩu tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, người dân tuyệt đối cảnh giác, để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin chính thống trên mạng xã hội để biết các thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng xấu đang sử dụng để có biện pháp bảo vệ tài sản của mình.

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo như giả danh công an lừa tiền, giả danh thanh tra giáo dục lừa tiền giáo viên.

Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc vì nhận được tin báo và sự phối hợp của người dân. Điển hình như vụ việc ngày 17/12, Công an huyện Đăk Đoa đã tạm giữ 02 đối tượng Bùi Văn Tuấn (44 tuổi) và Trần Văn Nhơn (39 tuổi), cùng trú Hành Trung, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, vì có hành vi giả danh nhân viên nhà mạng đến ký hợp đồng lắp đặt wifi, internet để lừa đảo chiếm đoạt 12,6 triệu đồng của gia đình anh M.L (29 tuổi), trú làng Odeh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa.

Thực tế, nhiều trường hợp người dân bị lừa nhưng không trình báo cơ quan chức năng. Do đó, để hạn chế tình trạng các đối tượng này tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo người khác, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo những nạn nhân đã bị lừa nhanh chóng đến báo với công an nơi gần nhất, để cơ quan chức năng có cơ sở triển khai các biện pháp khuyến cáo, ngăn chặn kịp thời.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.