Cảnh báo những chiêu lừa ‘tấn công’ phụ huynh và học sinh

GD&TĐ - Đầu năm 2023 đến nay nhiều trường học tại TPHCM đã phát cảnh báo đến phụ huynh, học sinh cẩn thận trước những tin nhắn lừa đảo.

Trường học TPHCM luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh phòng tránh những chiêu trò lừa đảo.
Trường học TPHCM luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh phòng tránh những chiêu trò lừa đảo.

Đủ chiêu trò lừa đảo

Ngày 9/8/2023 Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng trường này bị mạo danh, gửi tin nhắn lừa đảo, yêu cầu học sinh đi kiểm tra trình độ tiếng Anh, tin học.

Theo thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, nhà trường nhận được thông tin từ phụ huynh học sinh về việc nhận được tin nhắn “Trường THPT Thủ Đức yêu cầu học sinh đi kiểm tra trình độ tiếng Anh, tin học”. Trong khi đó nhà trường không yêu cầu học sinh đi kiểm tra trình độ bất kỳ môn học nào nên đã phát đi cảnh báo ngay lập tức để phụ huynh học sinh không bị mắc lừa.

Thầy Trung cho biết, trước đó có 3 phụ huynh, học sinh của trường nhận được tin nhắn với nội dung như trên. Sau đó phụ huynh đã liên hệ với nhà trường để hỏi về thông tin này. “Nhà trường đã triển khai đến giáo viên chủ nhiệm các lớp thông qua những kênh liên lạc để phổ biến lại cho học sinh, phụ huynh”, thầy Trung chia sẻ.

Phụ huynh không nên cho con em mang các vật dụng đắt tiền đi học

Phụ huynh không nên cho con em mang các vật dụng đắt tiền đi học

Trước đó ngày 24/3, một học sinh lớp 12 của trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cũng bị người lạ tiếp cận, dụ dỗ. Lúc này, nam sinh đứng trước cổng trường chờ người thân đón. Một người đàn ông trung niên chạy xe máy đến, tự xưng là bạn của bố em này, thông báo bố của nam sinh bị tai nạn giao thông. Người này yêu cầu nam sinh lên xe để đưa đến bệnh viện thăm bố.

Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận cho biết: “Do bố học sinh này đã mất nên em ấy biết là lừa đảo, vội vàng chạy vào phòng giám thị. Khi giám thị và bảo vệ nhà trường chạy ra thì người đàn ông kia đã đi mất. Ngay sau đó, nhà trường đã thông tin đến tất cả các lớp về trường hợp trên để các em học sinh cảnh giác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý phụ huynh không nên cho con em mang các vật dụng đắt tiền đi học”.

Trước đó, với kịch bản “con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”, kẻ gian nhắn tin, gọi điện cho nhiều phụ huynh ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng lừa chuyển tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Riêng ở TPHCM, trong hai tuần đầu của tháng 3/2023, 14 phụ huynh bị lừa với số tiền 825 triệu đồng.

Fanpage Trường THPT Thủ Đức phát cảnh báo ngay khi phụ huynh, học sinh phản ánh tin nhắn lừa đảo.

Fanpage Trường THPT Thủ Đức phát cảnh báo ngay khi phụ huynh, học sinh phản ánh tin nhắn lừa đảo.

Tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, từ đầu tháng 3/2023, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản khẩn gửi phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn thông tin, sự kết nối liên lạc thông suốt giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị Thủ trưởng các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, giáo viên được quản lý tại đơn vị.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phải công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo sự kết nối, liên lạc thông tin.

Ngày 13/7 vừa qua, sau khi ghi nhận nhiều trường hợp trường học công bố thông tin người học, người lao động trên các kênh thông tin, phương tiện truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT về tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh và giáo viên tại các đơn vị trường học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị lãnh đạo các đơn vị rà soát, thực hiện nghiêm việc không công bố dữ liệu cá nhân của học sinh, người lao động đang công tác tại đơn vị dưới dạng danh sách file (word, excel, ảnh chụp, PDF,...) khi chưa có sự đồng ý của cá nhân đó trên các môi trường điện tử (mạng xã hội, trang thông tin điện tử,...).

Các trường phải gỡ bỏ các file thông tin dữ liệu cá nhân của học sinh và giáo viên đã công bố trước đó. Song song đó, trường học ban hành quy chế về quản lý, bảo mật dữ liệu cá nhân của học sinh, giáo viên. Đồng thời phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách giám sát, chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Văn bản tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh và giáo viên tại các đơn vị trường học cũng nêu rõ: Sở GD&ĐT TPHCM khuyến khích trường học sử dụng các hệ thống, phần mềm có sẵn hoặc tự xây dựng hệ thống để phục vụ tra cứu thông tin đối với các dữ liệu cá nhân cần công bố (kết quả khảo sát, thi, tuyển sinh...) trên môi trường mạng. Thủ trưởng đơn vị, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM và trước pháp luật về các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân học sinh, giáo viên tại đơn vị phụ trách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.